Quốc hội cuối 2013: “Sở hữu đất đai” có mảy may tiến hóa?

Nếu “sở hữu đất đai toàn dân” vẫn chưa có gì tiến hóa trong kỳ họp quốc hội cuối năm 2013, các nhóm lợi ích vẫn ung dung trục lợi với sự “bảo kê” mới từ bản tân Hiến pháp về cơ chế thu hồi đất.

Viên mãn

Sau khi hội nghị trung ương 8 vào tháng 10/2013 của Đảng cầm quyền viên mãn, hầu như không có hy vọng nào cho một tư duy tiến hóa hơn về quyền sở hữu đất đai của người dân.

Giờ đây và là lần thứ hai trong năm 2013, các đại biểu quốc hội lại có cơ hội “sôi nổi góp ý” về bản hiến pháp đã được tu chỉnh không ít lần về một chủ đề hầu như đã được mặc định trong những chính kiến được bắt vít với điều 4 hiến pháp.

Nhưng khác hẳn với kỳ họp quốc hội vào giữa năm 2013, vào lần này người vừa đưa ra tuyên bố “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” dường như tỏ ra quyết tâm hơn nhiều đối với việc Hiến pháp phải được chính thức thông qua vào cuối năm nay.

Và có lẽ quyết tâm tân trang hiến pháp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng liên quan phần nào đến hiện tượng vắng bóng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng tại hội nghị trung ương 8, cho dù từ quý đầu năm nay ông Trọng đã tỏ ra bức xúc về vấn đề này như một nhiệm vụ then chốt của các “đày tớ”.

Nếu Hiến pháp mới vẫn được sao y trọn vẹn tinh thần của “bản gốc” năm 1992, tất nhiên sẽ chẳng có một cuộc đổi thay tinh thần nào cho người dân, cho dù từ đầu năm 2013 đến nay đã có quá nhiều và quá đủ ý kiến từ dân chúng cho rằng nhân dân phải có quyền định đoạt - sở hữu về mảnh đất của chính mình, chứ không thể mãi mãi chỉ vay mượn khái niệm “quyền sử dụng” - một cái cớ để bất cứ một nhóm lợi ích nào cũng có thể lợi dụng nhằm đẩy đuổi dân ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn.

Thụt lùi

Cần nhắc lại, ngay trước kỳ họp quốc hội giữa năm 2013, Chính phủ đã gửi đến Ủy ban thường vụ quốc hội một đề xuất rất đáng quan tâm: “Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế xã hội””.

Cho tới thời điểm trên, việc giải quyết khiếu tố đất đai vẫn hết sức nóng bỏng ở Việt Nam, với khoảng 80% đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai và hơn 70% trong số đơn thư đó nhằm tố cáo rất nhiều sai phạm của các chính quyền địa phương về công tác bồi thường, cưỡng chế giải tỏa, tái định cư…

Ngược chiều với tuyên ngôn “công an và thanh tra là bạn của dân”, nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã bị quy chụp cho cái mũ “tụ tập mang màu sắc chính trị” và đã bị đàn áp nặng nề.

Thế nhưng trong một kỳ họp mà giới quan sát mô tả là có đến hàng trăm nghị sĩ bị “thoái khẩu”, vẫn không có một cải cách xứng đáng nào được đưa ra liên quan đến Luật đất đai. Trái ngược với mong mỏi của người dân về quyền sở hữu đất cần được quy định trong luật, dự thảo hiến pháp vẫn cho rằng: vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu; đặc biệt là vẫn thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội.

Song tiếng nói người dân ngoài nghị trường lại vang dội: nếu không đưa đất đai về đúng bản chất thật của nó là quyền sở hữu của nhân dân và pháp luật vẫn tạo điều kiện cho những chủ đầu tư phát huy một cách quyết liệt lòng tham của họ, rất nhiều bất công vô lối vẫn sẽ xảy ra với người dân bị thu hồi đất, sẽ còn nhiều cuộc khiếu tố đông người và biểu tình bùng nổ ở nhiều địa phương trong cả nước.

Trong tận cùng tâm não của mình, dường như Đảng và Quốc hội vẫn chưa nhận ra những sự kiện Ô Khảm ở Trung Quốc vào cuối năm 2011 và Tiên Lãng ở Việt Nam vào đầu năm 2012 đã có thể quá đủ để cấu thành một bài học nhãn tiền cho những gì có tính quả báo thời nay.

Thậm chí vào trung tuần tháng 3/2013, trong một tư duy không thể hoang tưởng hơn, phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội là ông Phan Xuân Dũng đã đề một “phát kiến”: “Cần có quy định bắt buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản tiền đặt cọc. Thua thì coi như mất tiền đặt cọc, còn kiện đúng thì tiền cọc mới được nhà nước hoàn trả”.

Chưa bao giờ từ năm 1990 đến nay, Quốc hội lại mang dấu ấn thụt lùi đến mức như thế khi đối diện với dân sinh, dân oan và với chính mình.

Tự xử

Ngoài những nội dung khá mờ nhạt trong thông báo kết luận sau hội nghị trung ương 8 vào tháng 10/2013, có lẽ dấu ấn duy nhất lại thuộc về một sự “hiệp thông” nào đó giữa nhóm “cương lĩnh đảng cao hơn hiến pháp” với những người điều hành bánh xe của hiến pháp. Trong không khí đồng thuận đáng ngạc nhiên về đánh giá “nền kinh tế vẫn tiếp tục ổn định và phát triển”, không có bất kỳ nội dung nào được nhấn mạnh về thảm cảnh lợi dụng thu hồi đất để trục lợi đã tràn ngập ở các tỉnh thành và tạo nên vô số dân oan khiếu kiện.

Bối cảnh kỳ họp quốc hội vào cuối năm 2013 lại khác khá nhiều với thời điểm giữa năm. Vào tháng 9/2013, trong lúc 7 đoàn kiểm tra chống tham nhũng của Đảng vẫn chưa phác ra bất kỳ manh mối nào về kết quả “vi hành”, Thái Bình đã một lần nữa, sau “cách mạng” 1997, nổ ra hành vi nông dân Đặng Ngọc Viết xả súng giết chết vài cán bộ của Trung tâm quản lý quỹ đất của tỉnh này. Vụ việc chưa từng có ấy đã lập tức gây chấn động trong toàn bộ hệ thống công quyền và buộc các thành viên của Ủy ban thường vụ quốc hội một lần nữa phải thảng thốt về đường lối “tự xử” của dân chúng.

Vẫn là nguồn gốc đền bù thiếu thỏa đáng, vẫn là cách hành xử vô cảm và vô tâm của giới quan chức, cùng thói quen sẵn sàng dùng “công an trị” để xử lý tình huống bất mãn của dân chúng mà đã đẩy không ít dân oan vào thế cùng tắc biến.

Sau một năm rưỡi kể từ vụ dùng súng hoa cải và mìn tự tạo “chống người thi hành công vụ” của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, câu chuyện Đặng Ngọc Viết đã “nâng lên một tầm cao mới” với tâm thế chủ động trả thù đối tượng cưỡng chế. Đó cũng là một dạng không thể đặc biệt hơn trong tâm lý “hồi tố” của dân chúng đối với chính quyền - tiền đề mà rất có thể sẽ dẫn tới những xung đột với quy mô ghê gớm hơn nhiều trong tương lai không xa.

Tuy nhiên, quán tính rung đùi vẫn chưa thể tiến hóa từ hội nghị trung ương 4 về ‘”chỉnh đảng” cho đến nay. Dù nhấn mạnh về “bất ổn xã hội”, nhưng áng văn của những bản thông báo kết luận hội nghị vẫn không toát lên bất cứ can đảm cải chính nào đối với dân chúng, chưa nói đến việc sửa sai.

Xuống hố

Không khí trì trệ không chỉ não trạng mà cả hành vi trong Đảng càng khiến cho các nhóm lợi ích thừa cơ tung hoành. Vào đầu tháng 10/2013, hàng loạt vụ cưỡng chế đã dồn dập xảy ra ở Văn Giang thuộc Hưng Yên và Trịnh Nguyễn thuộc Bắc Ninh. Không chỉ hiện diện sắc phục công an, hình ảnh tái hiện của những nhóm côn đồ càng khiến lớp dân oan sôi máu.

Những vụ việc thu hồi đất bất chấp đạo lý như thế lẽ ra đã “thành công tốt đẹp” - cụm từ thường thấy mỗi khi kết thúc một hội nghị quan trọng nào đó trong nội bộ, nếu không nổi lên cơn bão “quyết tử giữ đất” của người dân địa phương.

Những cuộc cưỡng chế trên lại xảy ra chỉ ít ngày sau chuyến công du đối ngoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Paris và New York, với bài phát biểu của ông Dũng được báo đảng tôn vinh là “rất nhân văn”.

Vậy quan điểm của Chính phủ - cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý đất đai cùng vô số hậu quả từ thực trạng thu hồi đất vô lối và bất công từ nhiều năm qua - như thế nào?

Khác hẳn với kỳ họp quốc hội giữa năm nay, vào lần này đã không có bất cứ đề xuất nào của Chính phủ về Luật đất đai và những vấn đề liên quan. Động cơ này dường như chẳng ăn nhập gì với một khẩu hiệu mà giới lãnh đạo hành pháp giương lên vào trước kỳ họp quốc hội giữa năm nay “Quyền phúc quyết thuộc về nhân dân”.

Ngay cả hiện tồn quá hỗn độn và gây tranh cãi diện rộng từ giữa năm về chuyện có thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội hay không cũng không hề được giới quan chức chính phủ đả động.

Với không khí bùng nhùng thiên về “hiệp thông chính trị” trong nội bộ, có lẽ không quá khó để hình dung chủ đề “sở hữu đất đai toàn dân” vẫn chưa có gì tiến hóa trong kỳ họp quốc hội cuối năm 2013, nhân dân các địa phương và ngay tại Hà Nội vẫn chỉ có thể vay mượn “quyền sử dụng “ trên chính mảnh đất cha ông của mình. Còn các nhóm lợi ích vẫn ung dung với sự “bảo kê” mới từ bản tân Hiến pháp về cơ chế thu hồi đất.

Người dân Việt đang tự hỏi sẽ còn xảy ra bao nhiêu vụ Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết nữa ở nông thôn miền Bắc và dắt dây vào khu vực miền Trung và Nam bộ.

Tất cả cứ như cùng dắt tay nhau xuống hố…

(Phạm Chí Dũng, Việt Nam 21-10-2013)

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA