Sau khi Lãnh tụ đảng đối lập Sam Rainsy bị kết án 12 năm tù vì nhổ cột mốc tạm số 185, người dân thuộc huyện Mê mót, tỉnh Kampong cũng cho rằng, Việt Nam tiếp tục cắm cột mốc tạm số 109 vào đất ruộng họ. Có gần 200 người làm đơn khiếu nại vụ này, tuy nhiên Tỉnh trưởng tỉnh này phản bác.
Có gần 200 người dân Campuchia thuộc xóm Trapeang Domrey Phong, xã Đa, huyện Mê mót, tỉnh Kampong Cham viết đơn khiếu nại lên Chính phủ hoàng gia Campuchia, nhóm người này cho rằng Việt Nam cắm cột mốc biên giới tạm số 109 vào đất họ cách từ biên giới Việt Nam khoảng 200 mét.
Cắm trên đất của dân
Ông Touch Sarith, người dân thuộc xóm Trapeang Domrey Phong, xã Đa, cho Đài Á Châu tự do biết vào chiều ngày 30 tháng 10 rằng, đất ruộng của ông khoảng 1 hécta rưỡi giáp vạch trắng của khu vực biên giới Campuchia-Việt Nam, thế nhưng ngày 27/10 vừa qua Việt Nam đã cắm cột mốc biên giới tạm số 109 trên đất ông. Ông yêu cầu Chính phủ Campuchia ra tay can thiệp.
Vườn đào của tôi cách vạch trắng khoảng 50 mét, bây giờ họ cắm cột mốc cách vạch trắng đến 200 mét. Tôi lo lắng sẽ phải mất đất này.
Bà Phao Chhoeun
Ông Touch Sarith nói,“Vạch trắng này giáp biên giới Việt Nam nhưng phải canh gác không cho ai đến gần từ lúc chưa cắm cột mốc. Khu vực ấy, Việt Nam có thể trồng trọt, làm ruộng, thế nhưng người dân Campuchia thì không. Bây giờ họ cắm cột mốc biên giới qua vạch trắng, có nghĩa là họ cắm vào đất người dân xóm Trapeang Domrey Phong cách vạch trắng ấy gần 200 mét…”
Ông còn cho biết thêm, ông từng trồng trọt trên diện tích đất 1,5 hécta này từ nhiều năm nay. Thế bây giờ bên Việt Nam không cho ông đến gần cột mốc cắm tạm số 109. Ông chỉ nhìn thấy cột mốc ấy từ xa.
Một người dân khác tên Phao Chhoeun cho biết, bà đang đứng trước nguy cơ mất đất vườn đào khoảng 2 hécta vì Việt Nam cắm cột mốc biên giới tạm số 109.
Bà Phao Chhoeun cho biết thêm, “vườn đào của tôi cách vạch trắng khoảng 50 mét, bây giờ họ cắm cột mốc cách vạch trắng đến 200 mét. Hiện nay họ cắm cột mốc tạm số 109 và họ cử Công an Campuchia và Việt Nam canh gác không cho chúng tôi đến gần.”
Bà Phao Chhoeun nói rằng, bà chỉ có đất vườn đào 2 hécta, nếu Việt Nam lấy đất ấy thì bà chẳng còn đất trồng trọt, “Tôi lo lắng sẽ phải mất đất này. Tôi sẽ không có đất trồng trọt để nuôi con, vì đất của tôi sẽ nằm bên phần biên giới của Việt Nam. Tôi đề nghị can thiệp, giải quyết vấn đề đất vườn đào cho tôi”
Ông Yin Sopha, Chủ tịch xã Đa, huyện Mê mót cho báo địa phương biết rằng, Ủy ban biên giới của hai quốc gia đã cắm cột mốc tạm trên đất dân Campuchia. Những diện tích đất đang đứng trước nguy cơ mất mát ấy là sỡ hữu của dân mà họ trồng lúa, trồng đào từ nhiều năm nay. Ông còn cho biết, Ủy ban biên giới đã mời ông đến tham gia họat động cắm cột mốc biên giới này vào ngày 27/10 vừa qua, nhưng khi ông đến đó lúc 7 giờ 30 phút, thì cột mốc tạm số 109 được cắm xong.
Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Cham Hun Neng cho biết, công việc cắm cột mốc biên giới được thực hiện theo hiến pháp và chúng ta phải dựa trên bản đồ mà chúng ta lưu giữ tại LHQ. Ông Hun Neng từ chối Việt Nam cắm cột mốc vào lãnh thổ Campuchia, “Thứ nhất chúng ta phải tôn trọng hiến Pháp. Nước ta có diện tích 181,035 km2. Thứ hai chúng ta công nhận bản đồ khổ 1/100.000 mà chúng ta lữu giữ tại LHQ. Tỉnh Kampong Cham có đường Quốc lộ số 7. Không có ai lấy đường này đi đâu. Nếu như thắc mắc, thì nên lấy thước đi đo…”
Trong trường hợp cột mốc được cắm trên đất dân, thì Chính phủ nên tìm đất tô nhượng đền bù cho dân, để dân có thể trồng trọt nuôi con…
Dân biểu Mao Moni Vann
Liên quan vấn đề này, Dân biểu Mao Moni Vann thuộc phe đối lập Sam Rainsy cho Đài Á Châu tự do biết từ tỉnh Kampong Cham, ông đã nhận được nhiều đơn khiếu nại liên quan vụ cắm cột mốc biên giới tạm này. Hoạt động cắm cột mốc ấy lấn vào đất dân hay không, thì Ủy ban biên giới hay Chính phủ nên thông báo cho dân biết, và phải đền bù cho họ.
“Chính phủ hoàng gia Campuchia hay Ủy ban biên giới Quốc gia phải kiểm tra thật kỹ về điểm cắm cột mốc biên giới này. Trong trường hợp cột mốc được cắm trên đất dân, thì Chính phủ nên tìm đất tô nhượng đền bù cho dân, để dân có thể trồng trọt nuôi con…”
Phát ngôn viên Đại Sứ quán Việt Nam tại Campuchia, ông Lê Minh Ngọc từng nói với Đài Á Châu tự do rằng, tất cả các quan hệ Campuchia và Việt Nam là vấn đề của chính phủ. Về vấn đề biên giới, Việt Nam không bao giờ xâm lấn lãnh thổ Campuchia, mỗi lần cắm một cột mốc đều có sự thống nhất của hai quốc gia.