Việt Nam thành lập hội đồng cố vấn giáo dục

0:00 / 0:00

Ngày 17 tháng 3 năm 2017, thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra quyết định thành lập một Hội đồng Quốc gia Cố vấn Giáo dục và Phát triển Nhân lực gồm 26 thành viên, do chính ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm chủ tịch hội đồng.

Mục đích của hội đồng và các thành viên

Trong mục 3, điều số hai của quyết định thành lập hội đồng vừa nêu có ghi rằng hội đồng sẽ nghiên cứu, tư vấn, góp ý kiến về việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, đề án quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, và những vấn đề chuyên môn khác do Thủ tướng yêu cầu.

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, từ Đại học Đà Nẵng tỏ ý nghi ngờ:

"Hội đồng này khi mà họ đưa ra kiến nghị của họ, thì vấn đề là cấp trên nữa người ta có thực sự tôn trọng hay không? Người ta thi hành hay không? Rồi cái tính độc lập của hội đồng này. Tức là hội đồng này người ta thảo luận một cách không có giới hạn, dựa trên các tiêu chuẩn của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hay không?"

Ông nói rõ thêm là liệu các thành viên của hội đồng này có thực sự là những chuyên gia độc lập, làm việc không có một cấp trên nào chi phối suy nghĩ của họ hay không.

Nhận xét về 26 thành viên của hội đồng này ngoài hai nhân vật đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tiến Sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi, hiện làm việc tại Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh viết trên mạng xã hội:

- Có một học giả là bà Phạm Thị Ly.

- Đa số các thành viên là thành viên của các đại học công lập, chỉ có 1 người của nhóm đại học tư thục.

- Không có ai đai diện cho giáo dục mẫu giáo và phổ thông, cũng như không có người đại diện cho lĩnh vực giáo dục thể chất.

- Không có người đại diện cho giáo dục khoa học và kỹ thuật.

Ông Khôi đặt câu hỏi liệu có phải chính phủ Việt Nam hình dung cả nền giáo dục Việt Nam chính là giáo dục đại học mà thôi?

Người ta suy nghĩ để thành lập ra hội đồng tức là cũng thấy ra vấn đề đó. Nhưng còn có thực hiện được hay không là chuyện khác.<br/>-Giáo sư Nguyễn Thế Hùng.

Cũng liên quan đến các thành viên của Hội đồng, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên giảng dạy tại đại học Liege Vương quốc Bỉ, nay nghỉ hưu ở Sài Gòn nhận xét rằng trong danh sách này có ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ lao động và thương binh xã hội làm cho ông bất an.

Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền, tốt nghiệp đại học bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, từng giảng dạy tại Việt Nam, hiện đang làm việc tại Úc nhận xét về ông Đào Ngọc Dung:

“Không có ổn lắm, cách đây khoảng 10 năm, có vụ quay cóp thi bị bắt tại tại trận, mà tôi thấy người đó lại có mặt trong hội đồng thì tôi thấy tức cười.”

Ngoài ra trong danh sách này cũng có ông Hồ Quang Lợi, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Khóa X và là người từng chính thức lên tiếng cho biết Việt Nam có tổ chức một đội ngũ dư luận viên để tiến hành các chiến dịch tuyên truyền của đảng cộng sản cầm quyền.

Mục đích của giáo dục Việt nam

Một thành viên của Hội đồng không muốn nêu danh tánh cho chúng tôi biết rằng phía chính phủ Việt Nam đã ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp, chứ không kiểm duyệt những ý kiến đó. Người này cho rằng ý tưởng tạo nên một Hội đồng cố vấn các vấn đề về giáo dục của chính phủ Việt Nam là một cố gắng đáng ghi nhận.

Hai ông Nguyễn Thế Hùng và Phan Hữu Trọng Hiền đồng ý với nhận định này, giáo sư Nguyễn Thế Hùng nói:

"Vâng, người ta suy nghĩ để thành lập ra hội đồng tức là cũng thấy ra vấn đề đó. Nhưng còn có thực hiện được hay không là chuyện khác."

Khi được hỏi rằng sự có mặt của hai nhân vật có quyền lực đứng đầu chính phủ là Thủ tướng và Phó Thủ tướng có thể làm cho các kiến nghị của hội đồng này có trọng lượng hơn hay không? Ông Nguyễn Thế Hùng trả lời rằng điều đó không chắc vì ở Việt Nam mọi quyết định quan trọng là của Bộ chính trị của đảng cộng sản.

Ông Phan Hữu Trọng Hiền thì cho rằng muốn giải quyết vấn đề giáo dục ở Việt Nam thì phải giải quyết từ gốc:

Cái gốc vấn đề còn đó thì bất cứ hội đồng nào cũng không giải quyết được vấn đề.<br/>-Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền

"Giáo dục của mình là giáo dục định hướng con người xã hội chủ nghĩa, là phải tin vào những cái gì mà thể chế này tuyên truyền, xen chuyện chính trị vào giáo dục rất là nhiều. Định hướng đó, cộng với những bài học lịch sử, thì cái gốc vấn đề vẫn không giải quyết, không cởi mở, tạo ra sự sáng tạo trong học trò. Cái gốc vấn đề đó tạo nên hệ lụy trong định hướng giáo dục. Cái gốc vấn đề còn đó thì bất cứ hội đồng nào cũng không giải quyết được vấn đề."

Cũng bàn về định hướng của nền giáo dục để giải quyết các mục tiêu của mình, bà Phạm Thị Ly, một thành viên trong hội đồng giáo dục có viết trên Báo Văn Hóa Nghệ An như sau về giáo dục công dân tại Việt Nam:

Chủ nghĩa xã hội đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa” tức là con người “mình vì mọi người”, coi “quyền làm chủ tập thể” là cao nhất và đặt lợi ích tập thể lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của tập thể, hy sinh lợi ích hôm nay cho lợi ích của ngày mai. Ý thức làm chủ tập thể được coi là quan trọng nhất. Nhưng chủ nghĩa xã hội là thứ chưa có, đó mới chỉ là ước mơ chứ không phải là một thứ hiện đang tồn tại. Bởi vậy mục tiêu giáo dục của nó không bắt rễ từ thực tế.

Vậy "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" thì mong muốn đào tạo ra những con người như thế nào, và trong thực tế đang tạo ra những con người ra sao? Những con người mà nền giáo dục hiện nay đang tạo ra có giúp củng cố cho xã hội xã hội chủ nghĩa theo kinh tế thị trường hay không, hoặc sẽ tạo ra một xã hội như thế nào?

Một người từng làm Bộ trưởng bộ khoa học và công nghệ là giáo sư Chu Hảo khi được yêu cầu bình luận sự việc thành lập hội đồng cố vấn giáo dục nói rằng:

“Tôi cũng hơi nản một chút, là bấy lâu nay cứ loay hoay mãi hội đồng này khác mà chẳng giải quyết được gì.”

Thực sự là Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách giáo dục các cấp bậc phổ thông, thay đổi nhiều lần các mô hình giảng dạy đại học trong suốt 30 năm qua.

Lần này thêm một Hội đồng Quốc gia Cố vấn Giáo dục và Phát triển Nhân lực liệu có thể giúp mang lại những thay đổi căn bản cho nền giáo dục trong nước hay không?!