Con số nhập khẩu khá lớn những mặt hàng đuợc xem là “không khuyến khích” đối với một đất nước có thu nhập bình quân đầu người rơi vào nhóm những nước có thu nhập thấp trên thế giới. Để tìm hiểu về hiện tượng sử dụng nhóm hàng xa xỉ này, Vũ Hoàng có bài viết về nguyên nhân cũng như xu hướng này của một bộ phận không nhỏ người dân.
Xu hướng hiện đại
Ngay từ đầu năm 2010, Bộ Tài chính đã có chủ trương thắt chặt danh mục các mặt hàng chưa phải là thiết yếu và xa xỉ để kiềm chế nhập siêu, cân đối cán cân thương mại. Nhưng xem ra làn sóng sử dụng nhóm hàng nhập khẩu xa xỉ này đã vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của các nhà lập chính sách khi chạm gần mức 10 tỷ đô la. Nếu không tính nhóm hàng ô tô và xe máy nhập khẩu có dấu hiệu suy giảm, chỉ chiếm khoảng 1 tỷ đô la, thì con số 9 tỷ đô la còn lại rơi vào nhóm các mặt hàng được xem là xa xỉ như: điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu bia, thuốc lá, đồ trang sức, đá quý và một số nhóm hàng quần áo khác.
Khi cuộc sống ngày càng phát triển, người ta càng ngày càng sung túc, giàu có hơn, họ chú ý đến mua sắm những vật dụng đắt tiền, đấy là xu hướng chính đáng.
Thạc sĩ Nguyễn Nga My
Ở góc độ vĩ mô, nhiều nhà kinh tế cho rằng, Việt Nam nên tập trung nguồn ngoại tệ để đầu tư vào máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Quan điểm ấy dường như mới chỉ đúng khi nhìn vào bức tranh tổng thể cả nền kinh tế. Nhưng khi nhìn dưới góc độ vi mô của từng hộ gia đình, từng cá thể trong xã hội thì nhận định ấy vẫn chưa hoàn toàn đánh giá được đầy đủ nhu cầu chi tiêu vào nhóm hàng này của người dân. Theo lời Thạc sĩ Nguyễn Nga My, thuộc phòng Nghiên cứu Đô thị, Viện Xã hội học, thì thạc sĩ cho biết:
"Khi cuộc sống ngày càng phát triển, người ta càng ngày càng sung túc, giàu có hơn, họ chú ý đến mua sắm những vật dụng đắt tiền, đấy là xu hướng chính đáng. Không chỉ những người làm ra tiền mới mua đồ đắt tiền, mà thậm chí cả những người không làm ra tiền, họ cũng dành dụm để mua những hàng đắt tiền. Không chỉ người lớn mà ngay cả những em nhỏ cũng có xu hướng sở hữu những vật dụng đắt tiền, ví dụ như Iphone hay các dòng điện thoại cao cấp.
Cuộc sống ở đâu cũng thế, phân hóa giầu nghèo luôn luôn hiển hiện, cho nên việc tiêu dùng những hàng hóa đắt tiền hay nhập khẩu những hàng hóa đắt tiền cũng không có gì đáng phải phê phán cả."
Cũng giống như các loại hàng nhập khẩu khác, hàng xa xỉ cũng phải chịu thuế nhập khẩu khi vào đến Việt Nam, khoản thuế này hẳn sẽ là một nguồn thu nhập không hề nhỏ cho ngân sách nhà nước khi tính trên tổng khối lượng 10 tỷ đô la.
Các nền kinh tế thị trường luôn khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa để kích thích nền kinh tế, dù là gián tiếp qua hàng nhập khẩu, thì việc mua sắm ấy cũng là phần đóng góp bằng thuế của người tiêu dùng Việt Nam cho Chính phủ.
Hơn nữa, khi Việt Nam mở cửa hội nhập, là thành viên của WTO, Việt Nam hạn chế những mặt hàng nhập khẩu đó, hoặc là thông qua quota hoặc là thông qua thuế quan, thì liệu việc làm này có công bằng và sẽ ảnh hưởng thế nào đến các nước đối tác khác khi họ cũng phản ứng ngược lại Việt Nam?
Vấn đề cốt lõi có thể sẽ nằm ở câu trả lời là liệu hàng xa xỉ khi nhập vào Việt Nam, Nhà nước có kiểm soát được hay không? Và từ cái gốc này mới có thể tìm ra căn nguyên liệu nguồn thuế thu được cho ngân sách có bị thất thoát hay không?
Tuy nhiên, quay lại câu hỏi cơ bản, thế nào là hàng xa xỉ?
Theo định nghĩa, hàng xa xỉ là những mặt hàng không thiết yếu (not essential) nhưng mang lại nhiều hưởng thụ hơn (more enjoyable) cho người sở hữu. Hàng xa xỉ thường là đắt tiền và chủ yếu chỉ dành cho những người có thu nhập cao và có khả năng tài chính mua sắm. Dưới góc độ kinh tế học, khi người ta càng có nhiều tiền, thì họ càng dành nhiều hơn số thu nhập của mình để mua hàng xa xỉ.
Định nghĩa là như vậy, nhưng để áp dụng khái niệm hàng xa xỉ ấy vào từng cá nhân thì thật khó, vì chuyện mua sắm hàng nhập khẩu xa xỉ ngoài yếu tố thu nhập, còn dựa trên những yếu tố khác như sở thích, chất lượng hay cả yếu tố văn hóa tiêu dùng quyết định.
Nhu cầu thể hiện mình
Nhiều người giờ đây cho rằng chuyện “ăn chắc mặc bền” không còn thích hợp, vì hàng hóa ngoại nhập chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, cảm giác yên tâm hơn khi sử dụng. Tuy giá cả có cao hơn nhưng “đáng đồng tiền bát gạo.”
Nếu trước đây người Việt Nam có xu hướng tích lũy nhiều hơn, thì giờ đây khuynh hướng hưởng thụ cuộc sống hiện đại được nhiều người chú trọng hơn. Giá trị cuộc sống không chỉ còn được đong đếm bằng bữa cơm có rau, có thịt mà giờ đây nó được đo lường bằng những những bữa ăn ở những nhà hàng sang trọng, những khu nghỉ dưỡng cao cấp hay những chiếc xe hơi tiện nghi. Có thể nói, khi đời sống khá giả hơn, người dân nghĩ nhiều hơn đến chuyện hưởng thụ những sản phẩm phục vụ tối ưu nhu cầu giải trí và thư giãn của mình.
Trong thời gian qua, báo chí liên tục đưa tin những vụ “cháy hàng” điện thoại Iphone 4 khi xuất hiện lần đầu tại Việt Nam, dù giá cả không hề rẻ so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, từ 15-18 triệu đồng. Điều này chứng tỏ rằng một giai cấp mới đã xuất hiện tại Việt Nam. Giai cấp này có thể là những nhà kinh doanh, những kẻ giàu có hay thậm chí những cô chiêu cậu ấm thích khoe mẽ với bạn bè…dù họ là ai chăng nữa thì việc cần thiết những vật dụng hiện đại trong đời sống là điều khó chối cãi.
Một yếu tố khác, có lẽ bắt nguồn từ nhu cầu nội tại cơ bản của mỗi con người hay còn được gọi là “thể hiện mình” cũng phần nào giải thích vì sao hàng hóa đắt tiền được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam. Nhu cầu thiết yếu của mỗi con người là được xã hội “công nhận.”
Con người luôn có xu hướng muốn được người khác đánh giá tích cực về mình. Vì thế việc sử dụng hàng hiệu đắt tiền nhằm thỏa mãn “cái tôi” để khẳng định “phong cách” cũng là điều dễ hiểu. Những người này sẵn sàng bỏ tiền ra để có được cảm giác thỏa mãn đó, việc tiêu xài những hàng hóa xa xỉ như thế không có gì là sai trái, chê trách.
Câu hỏi về nhập khẩu hàng xa xỉ có thực sự cần thiết, có lẽ cũng nên được nhìn nhận ở góc độ tiêu dùng những hàng hóa đó như thế nào cho đúng. Nếu giả sử khi mua một món hàng cao cấp mà không sử dụng hết chức năng của nó, thì không nên mua vì hoang phí. Nhưng nếu ngược lại, người ta sử dụng được hết mọi tính năng của món đồ, thậm chí là để giải trí hoặc giảm căng thẳng thì cũng đáng để chi tiêu.
Khái niệm hàng hóa xa xỉ cũng chỉ mang nghĩa tương đối. Có thể đối với người này chiếc máy tính xách tay hay chiếc điện thoại đời mới là cả một giấc mơ, nhưng với người khác, đó lại chỉ là những công cụ giúp đỡ công việc của họ được thuận tiện, trôi chảy hơn.
Có lẽ chúng ta chỉ nên chê trách việc tiêu xài hoang phí của những người khoe của, trưởng giả học làm sang hay những công chức, cán bộ có thu nhập vừa phải nhưng thích phô trương, thể hiện mình qua những vật dụng lãng phí. Ý kiến này, cũng được một chuyên gia tâm lý không muốn nêu tên ủng hộ:
Một số người có thu nhập hoặc là mức sống chưa được cao lắm, họ cũng phải thể hiện mình, để cho những người khác nể phục hơn, kính trọng hơn.
Một chuyên gia tâm lý
"Theo trào lưu, gần như chạy theo mốt, xu hướng là a dua, mọi người ưa chuộng những đồ cao cấp. Nói chung là nhìn vào nhiều mặt, nếu là mặt bằng của công chức hay sinh viên ở một số trường thì họ lại theo đua đòi, bởi vì ảnh hưởng của đánh giá của nhiều người. Nhiều khi, có thể là một số người có thu nhập hoặc là mức sống chưa được cao lắm, họ cũng phải thể hiện mình, để cho những người khác, có thể là xung quanh, nơi công sở hay là bạn bè nể phục hơn, kính trọng hơn."
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, bộc lộ cả những mặt xấu và mặt tốt, những cái cũ và cái mới luôn đan xen nhau. Nếu những mặt hàng xa xỉ không thực sự là cần thiết, tự thân nó chắc chắn sẽ bị đào thải. Mua gì bán gì hoàn toàn là do quy luật cung cầu quy định, nếu những mặt hàng xa xỉ không xứng đáng để bỏ tiền ra mua, không mang lại lợi ích, thì ắt hẳn sớm muộn những mặt hàng đó sẽ bị loại ra khỏi thị trường và xã hội.