Chuyến đi then chốt cho tái cân bằng lực lượng ở Đông Nam Á

3 tháng, 4 chuyến thăm thượng đỉnh Nhật-Việt-Hàn

Chuyến thăm Ấn Độ của nhà lãnh đạo tối cao của Việt Nam, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, không thể đơn thuần chỉ là một chuyến thăm của một nhà lãnh đạo nước ngoài trong năm nay.

Kế tiếp nhà lãnh đạo của Việt Nam, New Delhi sẽ tiếp Hoàng đế Nhật Bản Akihito và hai nhà lãnh đạo quan trọng hơn trong khu vực - Tổng thống Hàn quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (Thủ tướng Nhật cũng sẽ là quốc khách chính yếu của Ngày Cộng Hòa Ấn Độ (kỷ niệm ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Ấn Độ).

Ấn Độ tổ chức những hoạt động ngoại giao này trong vòng hai tháng rưỡi sắp tới với chủ đích cân bằng ảnh hưởng gia tăng và thái độ hung hãn của Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á.

Chuyến thăm của ông Trọng là chuyến đi Ấn Độ thứ ba của các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam kể từ 2011, tỏ dấu hiệu tăng tiến quan hệ đối tác chiến lược và quốc phòng giữa hai nước. Việc này nói lên những mối liên kết gia tăng giữa hai nước cùng có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc. Chủ tịch nước của Việt Nam thăm chính thức vào năm 2011. Thủ tướng Việt Nam đến New Delhi hồi năm ngoái để dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ, đánh dấu 20 năm quan hệ đối tác đối thoại của Ấn Độ với ASEAN và 10 năm quan hệ đối tác thượng đỉnh giữa hai phía. Lần này, chuyến công du 4 ngày của ông Trọng, khởi sự từ hôm thứ ba, phần lớn sẽ chú trọng mở rộng quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển nhanh chóng.

Hải quân Ấn Độ thao dượt - Photo courtesy of Indian Navy Magazine
Hải quân Ấn Độ thao dượt - Photo courtesy of Indian Navy Magazine (Photo courtesy of Indian Navy Magazine)

13 hiệp ước, chưa kể quốc phòng

Qua chuyến đi này hai bên sẽ ký kết 13 thỏa ước trong các lãnh vực nhiên liệu, thương mại, giáo dục, hàng không, tài chính và quan thuế. Bên cạnh đó một lãnh vực bao gồm những cuộc tham vấn sâu rộng sẽ được tổ chức xa khỏi tai mắt dư luận, là vấn đề quốc phòng. Các nguồn tin chính thức cho hay Ấn Độ sẽ tăng thêm 100 triệu đô la cho quỹ tín dụng (LoC) dành cho Việt Nam để Hà Nội mua 4 chiến hạm tuần duyên.

Ấn Độ đã tăng quỹ như vậy cho Mauritius và Seychelles (hai đảo quốc cộng hòa ở Ấn Độ Dương). Quỹ tín dụng LoC này cho Việt Nam đã được thỏa thuận trong khoảng thời gian Ấn Độ quyết định can dự vào việc khai thác dầu khí ở vùng trũng Phú Khánh trên biển Đông. Việt Nam nói khu vực đó thuộc thẩm quyền Việt Nam để mời Ấn Độ khai thác. Trung Quốc xác định vùng này nằm trong đường ranh giới chín đoạn thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chuyến thăm lặng lẽ của Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Mathur đến thành phố Hồ Chí Minh được coi là nhằm củng cố những thỏa thuận chính yếu để tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Hai nền quân sự Việt Ấn duy trì những cuộc tiếp xúc thường xuyên. Những món hàng quân sự mà Việt Nam mong nhận được từ Ấn Độ còn bao gồm hỏa tiễn hành trình siêu âm Brahmos, loại vũ khí do Ấn Độ và Nga sản xuất chung. Moscow đã bật đèn xanh, nhưng Ấn Độ còn cân nhắc ý nghĩa chính trị của việc cung cấp loại vũ khí hàng đầu này cho Việt Nam.

Hỏa tiễn du hành siêu âm Brahmos của Ấn Độ-Nga - Photo courtesy of Wikipedia Commons
Hỏa tiễn du hành siêu âm Brahmos của Ấn Độ-Nga - Photo courtesy of Wikipedia Commons (Photo courtesy of Wikipedia Commons)

Bất dung bá quyền

Sau Việt Nam, những cuộc thăm viếng của Nhật Hoàng Akihito và Thủ tướng Abe trong những tháng tiếp theo cho thấy hành trình mà Nhật và Ấn Độ thực hiện kể từ những cuộc thử nghiệm hạt nhân năm 1998. Bên cạnh thương mại và đầu tư, quan hệ đối tác về quốc phòng và cuộc giao dịch về hạt nhân đã được đề nghị vẫn là những yêu tố chính của mối quan hệ song phương.

Các viên chức của Phủ Thủ tướng Ấn Độ giải thích :"Mối quan hệ Ấn-Nhật vẫn bền chặt suốt 10 năm qua và chỉ có một hướng là hướng đi lên."

Cựu Bộ trưởng Ngoại vụ, Chủ tịch Hội đồng Tư Vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Shyam Saran nói với The Economic Time :"Sự kiện Nhật Bản nổi bật lên như một nhà cung cấp quân dụng quốc phòng là điều đáng chú ý. Thủ tướng Abe đã nhất quyết không cho phép Trung Quốc thực hiện bá quyền."