Hai dòng máu trong một cơ thể
Với hai quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 6% đối với tiền ngoại tệ ký gửi, và quy định trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ 3%, chính sách của Ngân hàng Nhà nước được nhiều nhà kinh tế đánh giá là cần thiết, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, thu hút tiền nhàn rỗi và nhất là tránh tình trạng đô la hoá nền kinh tế nội địa, vốn đang bị nhiều chuyên gia lên án là "2 dòng máu chảy trong một cơ thể."
Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 5, trong khi trần lãi suất huy động đồng đô la sẽ được thực thi từ ngày 13/4.
Những thay đổi về quy định mức dự trữ bắt buộc và trần lãi suất ngoại tệ nằm trong chính sách tiền tệ quốc gia, nhằm đạt mục đích kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái và toàn dụng lao động. Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ tăng cao hơn, nghĩa là chi phí cho các ngân hàng thương mại bị đẩy lên, khiến lãi suất huy động ngoại tệ phải giảm xuống, đồng thời lãi suất cho vay bằng ngoại tệ phải tăng hơn, nhằm bù đắp chi phí cho dự trữ bắt buộc.
Khi lãi suất tiết kiệm đô la không còn hấp dẫn nữa, người dân cũng như doanh nghiệp sẽ quay trở lại với đồng nội tệ, về lâu về dài, điều này sẽ có lợi cho sự ổn định của đồng bạc Việt Nam.
Cần thiết và đúng hướng
Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, động thái tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ và khống chế lãi suất ngoại tệ là điều cần thiết và đúng hướng.
T.S Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ Ban giám sát Tài chính quốc gia cho rằng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất huy động tiền đô la sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay.
Trong khi đó, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét việc giảm lãi suất huy động đô la làm cho người dân cảm thấy đồng đô la yếu đi ở trong nước vì lãi suất tiền đồng đang cao, người dân sẽ bán đô la để gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam. Như vậy, nguồn cung đô la sẽ tăng lên và Nhà nước có thể thu gom đô la, tăng dự trữ ngoại hối và làm cho thị trường ngoại hối ổn định hơn. Chẳng hạn mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã bán 2,7 tỷ đô la cho Ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện tượng đô la hoá đang làm chính sách tiền tệ bị méo mó đi rất nhiều và hai nữa, nó thao túng nền tiền tệ độc lập của Việt Nam
TS Nguyễn Đại Lai
Biện pháp bắt buộc
Còn theo T.S Alan Phạm, Kinh tế trưởng của Công ty cổ phần Chứng khoán Vina thì quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ là một biện pháp nằm trong chiến dịch chống đô la hoá. Hiện nay, lượng đô la chiếm hơn 20% tổng lượng tiền gửi trong ngân hàng là tỉ lệ khá cao, vấn đề là làm thế nào để người dân không cảm thấy có lợi khi nắm giữ đô la nữa.
Liên quan đến hai quyết định mới này và vấn đề đô la hoá nền kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai cho đài chúng tôi biết:
"Tăng dự trữ bắt buộc nó hàm một thông điệp là hạn chế huy động ngoại tệ, giảm tín dụng ngoại tệ, làm cho giá tín dụng tăng lên. Chi phí hay thuế vô hình cao lên. Riêng quan điểm của cá nhân tôi, thì chính sách tiền tệ của NHNN là ngày càng phải chấm dứt mạnh tình trạng đô la hoá ở Việt Nam. Hiện tượng đô la hoá đang làm chính sách tiền tệ bị méo mó đi rất nhiều và hai nữa, nó thao túng nền tiền tệ độc lập của Việt Nam. Theo quan điểm của tôi là tất cả ngoại tệ đi theo đường mua bán chứ không đi theo thị trường tín dụng nữa."
Việc tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ đi kèm với sự khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ cũng có những tác động đến đồng Việt Nam. PGS, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, khi NHNN nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, người vay và người gửi tiền sẽ quay sang tiền đồng, từ đó làm cho lãi suất huy động tiền đồng giảm.
Với lãi suất trần được khống chế mức 3%/năm, các ngân hàng thương mại tới đây sẽ phải điều chỉnh lãi suất huy động đồng đô la xuống, như vậy, sẽ tăng hoạt động tín dụng bằng đồng Việt Nam. Người dân sẽ có xu hướng chuyển sang các giao dịch bằng nội tệ, đặc biệt là khi thị trường đô la tự do bị cấm.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng An Bình lý giải động thái mới này không khuyến khích người dân chuyển sang ngoại tệ gửi ngân hàng, lãi suất đô la không còn hấp dẫn và điều này có lợi cho sự ổn định của đồng Việt Nam.
Nhận xét về tác động của chính sách mới này với thị trường đồng nội tệ trong nước, T.S Nguyễn Đại Lai giải thích như sau:
"Khi ngoại tệ ngày càng trở thành hàng hoá, theo nghĩa mua bán, giảm bớt tín dụng ngoại tệ đi. Các ngân hàng thương mại, vốn mà bằng ngoại tệ tức là không phải vốn huy động, có lẽ giảm cái đó, người ta phải tăng cường mua ngoại tệ, như vậy ngoại tệ vào và tiền đồng sẽ ra.
Ngân hàng TM huy động nội tệ cũng đang gặp nhiều khó khăn, vì người dân có tiền, người ta có quá nhiều lựa chọn, trong đó có cả vàng và ngoại tệ, mà bây giờ chống vàng hoá, chống đô la hoá thì nó sẽ dồn vào nội tệ thôi. Thị trường chứng khoán đang lao đao, bất động sản không phải là một sức hút đủ mạnh nữa. Cho nên NHNN có một thái độ quyết liệt trong việc chống đô la hoá thì thị trường huy động nội tệ sẽ khá hơn và lãi suất sẽ dần dần tuột hơn."
Cần lộ trình tích cực hơn nữa
Theo nhận xét của TS Nguyễn Đại Lai thì hai chính sách mới ban hành mới chỉ là động thái hạn chế tín dụng ngoại tệ, theo ông, để chống đô la hoá, cần có một lộ trình và một giải pháp đồng bộ. Ông cho biết thêm:
"Đây mới chỉ là động thái nhằm hạn chế tín dụng ngoại tệ thôi, với tư cách là một nhà khoa học, tôi muốn có một lộ trình tích cực hơn trong việc chống ngoại hối nói chung và đô la hoá nói riêng nền kinh tế. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hạn chế dòng tiền vào, mà dòng tiền vào nên đi qua thị trường ngoại hối.
Pháp lệnh về ngoại hối bây giờ là rất thấp, cần phải xây dựng một luật riêng về ngoại hối tại Việt Nam
TS Nguyễn Đại Lai
Tiến tới mở rộng thị trường buôn bán tiền tệ, trong khi đó siết chặt tín dụng lại. Đồng thời siết chặt việc sử dụng ngoại tệ để mua bán như nội tệ, cứ như một dòng máu nữa chảy trong nền kinh tế là không thể được.
Pháp lệnh về ngoại hối bây giờ là rất thấp, cần phải xây dựng một luật riêng về ngoại hối tại Việt Nam."
Nằm trong hàng loạt các biện pháp hạn chế tín dụng, thắt chặt tiền tệ, kiểm soát áp lực lạm phát nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, hai chính sách mới được NHNN ban bố cuối tuần rồi đang được đánh giá sẽ có những tác động tích cực và cần thiết với hệ thống ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Hi vọng, bằng những quyết định đúng đắn, hiện tượng đô la hoá nền kinh tế, sự găm giữ đô la hay quay lưng lại với đồng tiền Việt Nam sẽ được cải thiện dần và kinh tế Việt Nam sẽ sớm ổn định.