Việc 7 công ty và 189 cá nhân có tên trong hồ sơ Panama đang được báo chí theo dõi rất kỹ. Đã có nhiều cá nhân bị nêu tên trong hồ sơ này lên tiếng, tất cả đều tỏ ra tự tin và cho rằng họ không làm gì sai trái trong hoạt động đầu tư ở các nước được xem là thiên đường trốn thuế. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương để tìm hiểu thêm về vấn dề này.
Mặc Lâm: Thưa TS hồ sơ Panama về các cá nhân hay công ty có đầu tư tại các nước bị cho là thiên đường trốn thuế vừa công bố một số tên và công ty của Việt Nam vào tối hôm qua, xin TS cho biết việc công bố này có ý nghĩa gì?
TS Lê Đăng Doanh: Cho đến nay thì hồ sơ Panama đã được tiết lộ vào đêm hôm qua giờ Hà Nội và hôm nay thì một số báo đã có phỏng vấn một số người có tên trong danh sách đó. Tất cả những người đó đều phủ nhận rằng họ có làm điều gì sai trái. Họ là những giám đốc ngân hàng, hay giám đốc của những tổ chức tài chính khác, họ có mua lại các công ty đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và họ đều có những giao dịch với nước ngoài và hiện nay chưa có thông tin gì để có thề kết luận họ có những hành vi gì sai trái.
Thứ hai nữa là việc lập công ty ở nước ngoài thì Việt Nam cho phép công dân Việt Nam được đầu tư ra nước ngoài cho nên không có điều gì sai trái cả.
Mặc Lâm: Sau khi danh sách Panama được công bố như vừa nói thì ông Phạm Trọng Đạt Cục trưởng Cục chống tham nhũng đã tuyên bố với báo chí rằng phải chờ trung ương quyết định mới vào cuôc điều tra, theo TS điều này có cho thấy vụ việc quá nghiêm trọng để cơ quan chức năng cẩn thận trước khi điều tra hay không?
Theo tôi thì cách tốt nhất cứ đối chiếu với Luật phòng chống tham nhũng và luật pháp Việt Nam để mà xem xét tên cũng như các địa chỉ nào đấy mà danh sách Panama đưa ra. <br/> - TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì cách tốt nhất cứ đối chiếu với Luật phòng chống tham nhũng và luật pháp Việt Nam để mà xem xét tên cũng như các địa chỉ nào đấy mà danh sách Panama đưa ra. Cứ theo đúng luật pháp mà thực hiện thôi chứ chẳng cần phải xin ý kiến ai cả. Ở Việt Nam cứ thường phải xin ý kiến chỉ đạo rồi mới làm chứ không theo quy định các cơ quan thực hiện pháp luật cứ theo đúng theo quy định của pháp luật để thực hiện.
Mặc Lâm: Nhiều người không hiểu được đầu tư ở nước ngoài như Panama có thể là hành động rửa tiền hay trốn thuế, trốn thuế đối với nước mình thì đã rõ còn việc rửa tiền thì thế nào, ông có thể giải thích thêm chi tiết hoạt động nào thì được xem là rửa tiền?
TS Lê Đăng Doanh: Rửa tiền là một khái niệm đó là người ta tìm cách chuyển các thu nhập của người ta ra nước ngoài, những thu nhập này có thể là bất hợp pháp hay các thu nhập từ tham nhũng hay thế nào đó, bằng cách người ta dùng những đồng tiền đó để chuyển ra bên ngoài đầu tư và chuyển đồng tiến sạch trở về. Đấy là những hình thức cần phải xem xét. Nhưng muốn như vậy thì phải xem thật kỹ hồ sơ đó có chứng minh được đương sự đó có dùng cái công ty tại Panama để chuyển tiền, để lập công ty và hoạt động của công ty đó có điều gì phạm pháp hay không, đó là điều mà chúng ta cần phải xem xét chứ bản thân việc bị nêu tên trong danh sách thì chúng ta đều biết tất cả mọi người khi bị nêu tên trong hồ sơ Panama đều nói rằng họ vô tội và điều ấy dễ hiểu bởi vì chừng nào không chứng minh được họ phạm tội thì họ đều có quyền nói họ vô tội.
Mặc Lâm: Theo TS cơ quan chức năng cần phải làm gì ngay lúc này khi mà danh sách đã có và liệu cách làm nào được xem là hiệu quả nhất khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm gì về việc điều tra các hoạt động trốn thuế và rửa tiền ở nước ngoài thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Bây giờ những cơ quan tư pháp cần phải vào cuộc để làm rõ cá nhân hay công ty có liên quan đến hồ sơ Panama hay không. Họ có chuyển tiền hay hoạt động nào không hợp pháp hay không, đấy là việc của cơ quan pháp luật cần thực hiện trong thời gian tới đây. Còn bản thân việc tên của họ xuất hiện trong hồ sơ đó chưa có thể coi đó là chỉ dấu đáng tin cậy chứng tỏ người ta có làm điều gì sai trái và vi phạm pháp luật.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.