Tại sao GDP quý I tăng?

0:00 / 0:00

Mặc Lâm: Xin TS cho biết cách tính GDP của ta và các nước có giống nhau hay không? Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng cách tính của Việt Nam không rõ ràng và đôi khi thiếu dữ liệu thuyết phục, TS có đồng ý với nhận xét này hay không?

TS Nguyễn Thị Hiền : Việt Nam đã quen với cách tính GDP từ những năm cuối của thập niên 90, đã trên 20 năm rồi và tôi nghĩ rằng về cách tính, phương pháp tính chắc là không có gì sai lệch so với hướng dẫn của quốc tế.

Có điều chúng ta có thể phân vân là về dữ liệu. Tính chính xác của dữ liệu có thể còn có những nghi vấn còn về phương pháp tính tôi nghĩ không có gì quan ngại, theo tôi hiểu thì như vậy nên thực tâm mà nói người ta cũng cập nhật cách tính toán được đề ra từ các chuyên gia của Liên hiệp quốc.

Mặc Lâm: GDP quan trọng đối với kinh tế vĩ mô như thế nào và tại sao Quốc hội luôn yêu cầu chỉ tiêu GDP tăng mỗi năm? Từ yêu cầu này liệu chính phủ vì phải chạy theo chỉ tiêu do Quốc hội đưa ra mà báo cáo những con số sai lạc so với thực tế hay không?

TS Nguyễn Thị Hiền: Việt Nam tiếp cận với cách tính toán của thế giới đầu tiên là từ chỉ tiêu GDP cho nên chỉ tiêu GDP gần như là mối quan tâm rất thường xuyên của Quốc hội và các cơ quan của chính phủ. Cho đến một lúc mà mối quan tâm thái quá đến mức độ các tỉnh cũng tính GDP. Trong kế hoạch phát triển hàng năm đều có chỉ tiêu GDP! Có thời gian rất đáng kinh ngạc là GDP của các tỉnh cao gấp mấy lần chỉ tiêu tăng của cả nước do Quốc hội đề ra. Một phần do cách thức của Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam và cả hệ thống i chung coi chỉ tiêu GDP như là một đánh giá thành tựu quản lý kinh tế vĩ mô của cả nước nói chung và địa phương nói riêng cho nên địa phương nào cũng cố gắng đưa chỉ tiêu GDP của mình lên rất cao để chứng tỏ rằng mình quản lý tốt kinh tế của địa phương mình.

Cách đây vài năm thì tình trạng này đã bị các chuyên gia phản ảnh rất là gay gắt cho nên chính phủ, Bộ kế hoạch Đầu tư đã đưa ra quyết định địa phương không tính GDP nữa mà chỉ tiêu của địa phương do Tổng cục Thống kê tính. Thứ nhất là tránh trùng lắp, thứ hai là để gọn gàng biên chế. Như vậy tôi cho rằng đấy là một chủ trương đúng đắn tuy rằng từ khi ra chủ trương đó từ năm 2012 đến giờ việc thực hiện đến đâu tôi không được cập nhật.

Theo tôi đó là chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng của một nền kinh tế trong một năm. Thường thường các tổ chức trên thế giới họ cũng lấy chỉ tiêu này để thông báo, bắt mạch sự lành mạnh và sự phát triển kinh tế thế giới nói chung và từng khu vực nói riêng, Đối với Việt Nam coi chỉ tiêu GDP rất quan trọng trong đánh giá phát triển kinh tế thì cũng không có gì là lạ. Nó chỉ thái quá vì anh quá quan tâm đến chỉ tiêu đó mà lại không kết hợp phân tích những chỉ tiêu khác thì đấy là cái cần phải điều chỉnh thôi.

Thực ra mà nói trước đây trong nghị quyết của Quốc hội trong những phiên họp cuối năm thì nhiều chỉ tiêu lắm nhưng gần đây đã thu hẹp lại còn có mấy chỉ tiêu thí dụ như bội chi so với ngân sách, tăng trưởng GDP, chỉ số phát triển, chỉ số tiêu dùng giá cả CPI chẳng hạn…tôi cho đó là bước tiến rất lớn trong quản lý kinh tế vĩ mô.

Bình quân GDP cá nhân 6 nước ASEAN
Bình quân GDP cá nhân 6 nước ASEAN (Courtesy of ASEAN Secretary and VN Statistics Gen. Office)

Mặc Lâm: Đối với những nghị quyết của Quốc hội thì chính phủ có buộc phải thực hiện hay không, hay chỉ là định hướng mà thôi, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Hiền: Quốc hội chỉ đưa ra nghị quyết không có tính pháp lệnh do đó việc thi hành những chỉ tiêu của Quốc hội đưa ra không quá gò bó các cơ quan của chính phủ. Bây giờ nếu mà bảo thay đổi thì tôi nghĩ không quá cần thiết phải thay đổi cách làm việc của Quốc hội vì chỉ là cái nghị quyết đưa ra chỉ tiêu định hướng và khi thực hiện có làm được hay không cũng không phải là cái gì quá là gay gắt. Đối với việc Quốc hội đánh giá chính phủ trong một năm, tôi cho chuyện này cũng không đáng quan ngại nhiều.

Mặc Lâm: Mới đây khi nghe ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê báo cáo GDP của Quý 1 năm 2015 nhiều viên chức lãnh đạo cho biết là rất bất ngờ thậm chí giật mình và choáng! Xin cho biết nhận xét của TS về báo cáo tăng 6,03% trong quý 1 nàycó ý nghĩa gì?

TS Nguyễn Thị Hiền: Thực ra mà nói điều bất ngờ của các vị đứng đầu các ngành cũng dễ hiểu bởi vì lâu nay Quý I không có mức tăng quá cao. Cả năm mà Quốc hội đưa ra và chính phủ phấn đấu là 6,2 % nhưng mới Quý I mà đã được 6,03% thì sự phấn đấu của 3 Quý sau không phải là quá lớn. Thường thường như mọi năm thì trong dịp Tết, các doanh nghiệp không phải hoạt động quá nỗ lực, nghỉ ngơi cũng nhiều, không phải là thời gian rơi vào lúc GDP tăng cao.

Theo quán tính thì các vị lãnh đạo của các Bộ thường thường không nghĩ đến những con số trên 6% bởi vì những năm trước chỉ 4 5%. Như năm ngoái trên 5% một chút do đó các vị ấy ngạc nhiên tôi nghĩ cũng dễ hiểu, nó hơi bất ngờ.

Thế nhưng theo giải thích bên Tổng cục Thống kê nói cách tính của họ là tính từ hai đầu, tính từ sản xuất đến tiêu dùng cuối cùng. Hai con số khớp nhau chứng tỏ trong tính toán không có gì quá sai lệch. Cách giải thích công nghiệp và công nghiệp xây dựng đóng góp phần lớn trong tăng trưởng GDP Quý I cũng có lý. Bởi vì theo như ông đã biết trong khoảng 1- 2 năm gần đây thì khoản đầu tư cho hạ tầng của chính phủ tương đối khá mạnh mẽ, biểu hiện rất rõ trong các công trình cầu đường và các công trình thủy điện, công nghiệp nặng, những công trình lớn khánh thành liên tục.

Nếu nói rằng ngành xây dựng đóng góp gần 9% vào GDP thì tôi nghĩ cũng không quá ngạc nhiên và điều đó làm cho GDP trong Quý I tăng. Mặc dù có cái Tết, sức mua có tăng mạnh nhưng không kéo được chỉ số CPI lên, vì vậy nó làm cho chúng ta nghĩ cái tăng trưởng chỉ số GDP trong Quý I 6,03% là quá cao. Nhưng với giải thích cơ cấu tăng trưởng GDP của ngành công nghiệp xây dựng đóng góp lớn thì tôi cho là cũng có thể tin tưởng được.

Bởi vì nông nghiệp mặc dù tăng nhiều đi chăng nữa nhưng tính tự cung tự cấp của nông nghiệp đóng góp vào tăng trưởng không phải là lớn nên tôi nghĩ công nghiệp xây dựng trong Quý I vừa qua là hợp lý. Và nếu Quý I tăng trưởng được chủ yếu nhờ công nghiệp xây dựng thì tôi nghĩ rằng có thể sẽ làm ảnh hưởng GDP các Quý sau, chưa chắc đã tăng được như thế còn nếu sau khi tăng trưởng mà thấp xuống thì cũng không có gì là lạ. Tôi nghĩ rằng mức tăng 6,03% thì tính dự báo của nó có thể giải thích được.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Nguyễn Thị Hiền.