Ven con sông lịch sử
Con sông Bến Hải chảy qua ngôi làng sơn cước nhỏ bé này ở miền Trung Việt Nam đánh dấu vĩ tuyến 17, đường ranh chia đôi Nam Bắc Việt Nam trước khi quân Mỹ rút đi và người Cộng Sản chiến thắng vào năm 1975.
Vùng đất lịch sử này bị bỏ quên, cách xa thủ đô Hà Nội cả một thế giới. Nơi đây vùng phủ sóng điện thoại di động biến mất trên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên ngôi làng, khi cơn mưa phùn sáng sớm vương giọt trên những con dốc cao viền hai bên là những tán lá xanh.
Hầu hết những người Thượng sinh sống dọc con sông thôn dã thuộc sắc dân Vân Kiều, một trong 54 sắc tộc thiểu số được chính thức nhìn nhận ở Việt Nam .
(Ghi chú của người dịch: sắc dân Vân Kiều còn gọi là người Bru, người Mang Cong, người Trì hay người Khùa. Ngôn ngữ của họ là tiếng Bru , một ngôn ngữ thuộc ngữ chi KTu của ngữ tộc Môn-Khmer . Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Bru-Vân Kiều ở Việt Nam có dân số trên 200 ngàn, cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Riêng tại miền núi Quảng Trị, Quảng Bình, Đắc Lắc và Thừa Thiên-Huế có khoảng hơn 55 ngàn người Bru sinh sống)
Cuộc sống của người dân thiểu số ở vùng cao vùng xa này không đuổi kịp mức gia tăng thu nhập bình quân của người thành thị.
Ngay trong những năm cường thịnh của “con hổ kinh tế” Việt Nam, những người dân cao nguyên, nhất là ở Tây nguyên, cũng bị bỏ xa ở phía sau. Nhà nghiên cứu Roger Montgomery của Đại học kinh tế London cho biết điều này.
Chính quyền Việt Nam nhiều lần nhắc lại rằng họ muốn tăng cao tiêu chuẩn sống cho những vùng ấy, như một phần trong cao vọng đạt tới một nền kinh tế công nghiệp vào năm 2020.
Chẳng may khả năng thực hiện những điều cam kết đó đã bị kiềm chế do những thách đố lớn lao hơn cho xứ sở và đảng Cộng sản cầm quyền, gây nên dấu hỏi về phương hướng cho nền kinh tế Việt Nam.
Những vụ tham nhũng đầy tai tiếng mới đây và hằng tỉ đô la thua lỗ do quản lý yếu kém, do những xí nghiệp quốc doanh khổng lồ, đã cho thấy những sai trái qua những nứt rạn được che dấu trong nền kinh tế Việt Nam, nay đến lượt nó dẫn tới đà tăng trưởng giảm sút.
"Cái mã đẹp đẽ bề ngoài của tỉ lệ tăng trưởng cao trong ngắn hạn khiến chính phủ khó lòng tiến tới trong công cuộc đổi mới. Họ tự hỏi sao lại phải sửa chữa những gì chưa có vẻ đổ vỡ. Nhưng không may, khi đà tăng trưởng trong khu vực và trên những thị trường quốc tế chính yếu như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc… chậm lại, những chỗ yếu của nền kinh tế Việt Nam liền lộ dạng." Nhà nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Ernest Bower nhận định.
Đà tăng trưởng bình quân của Việt Nam đạt tới khoảng 7% trong suốt 10 năm cho đến 2010, nâng xứ sở này lên nhóm quốc gia “thu nhập trung bình” do Ngân hàng Thế Giới đánh giá, và lôi cuốn được những nhà đầu tư nặng túi như Boeing, Intel. Nhưng tỉ lệ này sang năm được dự kiến chỉ còn 5,5%.
Ở xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), nhu cầu của người dân chỉ ở mức căn bản, nhưng những sự yểm trợ thiết yếu cho cuộc sống có thể bị mức tăng trưởng thấp đó ngăn trở, nhất là khi nó khiến nhà nước giảm chi, hay Đảng cầm quyền bối rối đứng khựng trong công cuộc đổi mới.
Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, Nguyễn thị Hải, nói: "Chúng tôi cần những kênh tưới tốt hơn, những hệ thống nước tốt hơn. 80% người dân ở vùng này thuộc hàng nghèo khó."
Mùa hè năm nay Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận nợ xấu đã lên tới 10% tổng dư nợ ngân hàng; giới phân tích cho rằng con số thực ít nhất phải gấp đôi tỉ lệ đó.
Để so sánh, tổng số nợ khó đòi của bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc chỉ lên tới 1% tổng dư nợ hồi năm ngoái. Điều đó có nghĩa là tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam có thể gần với con số của Tây Ban Nha, nơi khoảng 10% tổng nợ đã bị quỵt, không trả, theo Ngân hàng Trung ương xứ này loan báo.
Lời xin lỗi hiếm hoi
Khi xứ sở xanh xao vì kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thốt ra lời xin lỗi hiếm hoi về những vấn đề ở các tập đoàn quốc doanh, khu vực kinh tế tạo nên 35% nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng Dũng ở vào phía bị tập thể lãnh đạo quyền cao chức trọng của đảng Cộng sản Việt Nam chỉ trích công khai, khiến đảng này lộ ra sự chia rẽ trước những vấn đề đè nặng lên nền kinh tế, và hậu quả mà những chuyện khốn khổ này có thể tác động lên tính cách chính đáng của đảng cầm quyền độc nhất của xứ sở.
"Cánh kỳ cựu do Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã chỉ trích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về sự thất bại trong các chính sách kinh tế của ông này." Cơ quan tư vấn về rủi ro chính trị Maplecroft vừa tường trình điều này.
Mặc dù có lời xin lỗi nghe ra khiêm tốn chưa từng có và mối hiềm khích trông nội bộ đảng Cộng sản, đà tăng trưởng chậm chạp và mối ác cảm của công chúng đối với nạn tham nhũng và khả năng quản lý kém cỏi của chính quyền đã khiến Nhà nước độc đảng của Việt Nam tăng cường những biện pháp trấn áp đang diễn tiến đối với những nguồn chỉ trích.
Đảng kiểm soát
"Trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch Trương Tấn Sang đấu đá chính trị nội bộ, thì cả hai đều giành ưu tiên cho quyền kiểm soát của đảng trên tất cả những người khác" Nhà nghiên cứu Christian Lewis của tập đoàn tư vấn về rủi ro chính trị EurasiaGroup nói.
Hôm 30 tháng 10, Nhà nước tống giam hai nhạc sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh do cáo buộc tuyên truyền chống chính phủ, một tội danh đầy mơ hồ trong một quốc gia nơi việc bênh vực cho dân chủ cũng bị coi là tội hình sự. Hình phạt này được tung ra chỉ sáu ngày sau khi Nhà nước, hôm 24 tháng 10, tống giam ba tác giả và nhà báo nổi tiếng vì những tội danh tương tự,
Những lời chỉ trích nhắm vào nạn tham nhũng, một yếu tố gây kinh sợ cho giới đầu tư và dập vào đà tăng trưởng, trong khi Việt Nam trượt dài trên những bảng xếp hạng trên toàn cầu, theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới về Cạnh tranh toàn cấu. Việt Nam rớt 16 hạng kể từ năm 2010, xuống hạng 75 vào năm 2012.
Đầu tư nước ngoài trong năm 2008 lên tới mức trên 70 tỉ đô la, trong khi số liệu mới nhất của năm 2012 cho thấy mức đầu tư chỉ đạt trên 10 tỉ 500 triệu đô la, sau khi giảm tới 28% trong năm 2011, theo thống kê của chính phủ Việt Nam.
Giới chức Việt Nam đang lo Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi tiếp tục thu hút giới đầu tư. Có lẽ vì muốn nỗ lực phơi bày một hình thức minh bạch mà họ nghĩ là phương Tây muốn thấy, một số quan chức đã phát biểu ngay thẳng hơn so với quá khứ, về những thách đố cho nền kinh tế Việt Nam.
"Khả năng chuyên môn căn bản của người Việt Nam cần được tăng tiến nếu xứ này muốn tiếp tục thu hút đầu tư, trong khi các nước láng giềng và những mối cạnh tranh như Miến Điện, Indonesia lần lượt tung ra mức công lao động thấp và thị trường rộng lớn hơn" Giám đốc Mai Thị Thu của Trung tâm dự báo và thông tin kinh tế-xã hội Việt Nam, thuộc bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam phát biểu như trên. Bà nói tiếp "Tôi biết nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam và gặp phải nhiều khó khăn khi tuyển dụng lao động thích hợp"
Đối với Việt Nam, sự thất bại trong việc thu hút đầu tư vào lãnh vực kỹ thuật cao, tạo công việc lương cao và khả năng lành nghề cao, có thể trở thành lọt vào cái bẫy gọi là “bẫy thu nhập trung bình”. Khi đó Việt Nam không thể chào mời đầu tư bằng giá lao động rẻ và cũng không cạnh tranh được với những nền kinh tế tiến bộ về phương diện lành nghề hay hạ từng cơ sở.
Chuyên viên Mai Thị Thu của Trung tâm dự báo và thông tin kinh tế-xã hội Việt Nam nói Việt Nam không dễ dàng thoát được cái bẫy đó.
Tuy nhiên bà nhanh chóng nói thêm: nền kinh tế Việt Nam đã tiến khá xa từ khi bắt đầu đổi mới vào năm 1986, lúc còn là một trong những quốc gia nghèo nhất.
Viên chức xã Vĩnh Ô cũng tỏ ra lạc quan về tương lai.
"Năm năm trước chúng tôi không hề có con đường tốt dẫn đến nơi đây" Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hải nói thêm: "Và tôi nghĩ nếu quý vị trở lại sau năm năm nữa, sẽ lại thấy một nơi chốn khác hẳn lúc này