Việt Nam: cơ hội và khả năng trước thành quả hội nghị AMM 46

0:00 / 0:00

Thành quả: đoàn kết, đa phương hoá đàm phán

Việt-Long:

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN vừa qua có một số thành quả đáng lưu ý, trong bối cảnh cuộc tranh chấp ở biển Đông giữa Trung Quốc với một số quốc gia ASEAN. Những thành quả đó đem lại cho Việt Nam lợi ich gì?

GS Nguyễn Mạnh Hùng:

- Muốn nhìn ra thành quả đặc biệt của Hội nghị 46 thì phải xem lại Hội nghị AMM 45 tại Phnom Penh. Năm ngoái nước chủ nhà là Campuchia không có tranh chấp lãnh thỗ lãnh hải với Trung Quốc và bị Trung Quốc giựt dây. Năm nay nước chủ nhà là vương quốc Brunei, giàu có, không dễ bị Trung Quốc mua chuộc.

- Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 45 tại Campuchia phơi bày sự chia rẽ trầm trọng và bất lực của ASEAN trước sức ép của Trung Quốc, đến không ra nổi một thông cáo chung, một việc chưa từng có suốt 45 năm lịch sử của ASEAN.

Ngược lại trong hội nghị lần 46, ASEAN chứng tỏ có sự đoàn kết giữa các hội viên nên đã vớt vát lại phần nào "vai trò trung tâm" của mình. Vấn đề biển Đông được chính thức ghi vào nghị trình . Thông cáo chung đề cập đến "các vấn đề và diễn biến gần đây" ở biển Đông, xác định quan điểm chung của ASEAN qua "6 nguyên tắc về biển Đông", và sẵn sàng "tham khảo chính thức" (formal consultation) với Trung Quốc để hoàn tất sớm nhất Luật về quy tắc ứng xứ, chứ không phải chỉ là Bản tuyên bố về quy tắc ứng xử, về biển Đông. Hội nghị cũng nói đến việc xây dựng một cộng đồng ASEAN liên kềt chính trị, hội nhập kinh tế và có trách nhiệm xã hội vào năm 2015.

ASEAN: một tiếng nói; Trung Quốc: đấu dịu

- Năm 2012, Hội nghị im lặng trước vụ lấn ép Philippines ở bãi cạn Scarborough. Năm nay hội nghị đã đề cập đến những diễn biến gần đây và việc thiết lập đường dây nóng để giải quyết những va chạm, trở ngại trên biển Đông, cam kết hợp tác và cứu hộ tàu thuyển, cá nhân gặp nạn. Đòi hỏi này phản ảnh quyết tâm của Việt Nam.

Trong hội nghị, Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc "quân sự hoá" biển Đông cộng thêm với tố cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Đối thoại Shangri La mới 1 tháng trước đó về "các hành động đơn phương, các đòi hỏi phi lý trái luật, các áp đặt có tính cường quyền", cho thấy ASEAN đã tiến một bước khá xa so với năm ngoái. Chỉ trích Trung Quốc công khai trên một diễn đàn quốc tế đã trở thành điều mà Trung Quốc phải chấp nhận.

- ASEAN nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc an ninh địa phương đang hình thành và trong việc giải quyết các vấn đề đia phương và thế giới liên quan đến ASEAN. Để thực hiện, thông cáo chung đạt đồng thuận ủng hộ Malaysia làm ứng cử viên duy nhất của ASEAN vào ghế Uỷ viên không thường trực của HỘI ĐỒNG BẢO AN tại Liên Hiệp Quốc, nhiệm kỳ 2015-2016 rồi tiếp theo là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines.

- Trong các hội nghị AMM và Shangri La từ 2010 đến 2013, Trung Quốc luôn luôn có thái độ trịch thượng, đôi khi cón tỏ ra đe doạ. Lần này Bắc Kinh đã có thái độ đấu dịu, tuy không hẳn là nhượng bộ,ít nhất là trong hội nghị vừa qua. Trước áp lực tập thể của ASEAN và công luận thế giới, Trung Quốc đã đồng ý tiến hành "tham khảo chính thức" về Luật về quy tắc ứng xử biển Đông (COC) trong cuộc họp Trung Quốc-ASEAN vào tháng 9 sắp tới, nghĩa là điều đình với toàn khối ASEAN chứ không riêng từng nước.

ASEAN cần làm gì?

Việt-Long:

Những thành quả ấy sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian sắp tới?

GS Nguyễn Mạnh Hùng:

- Trung Quốc trổi dậy, đòi hỏi quá đáng, thi hành chính sách gặm nhấm về quân sự để thưc hiện tham vọng, do đó gây nên tranh chấp biển Đông và đe doạ tự do hàng hải. Một giải pháp lâu dài và công bằng cho vấn đề này đòi hỏi áp lực buộc Trung Quốc tiết giảm những đòi hỏi quá đáng. Áp lực này chỉ thành hình nếu ASEAN đoàn kết vững mạnh và được sự trợ giúp của các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ.

- Từ nhiều năm nay ASEAN vẫn nói về vai trò trung tâm. Vai trò ấy suy yếu nhiều từ AMM 45. Nay vớt vát được phần nào. Có thực hiện được hay không tuỳ thuộc vào việc các quốc gia phải coi quyền lợi chung lâu dài quan trọng hơn quyền lợi riêng thiển cận và có tính cách cơ hội. Điều đình COC với Trung Quốc sẽ là một thử thách. Cần chờ xem ASEAN sẽ là bó đũa trước Trung Quốc hay chỉ là từng cây đũa lẻ.

- Khả năng đối phó tập thể với Trung Quốc là một thách thức chung. Nó không những chỉ đòi hỏi phải đoàn kết nội bộ trong cả khối ASEAN mà còn đòi phải lôi cuốn được đối trọng từ các nước lớn, nhất là Mỹ.

- Muốn giữ chân Mỹ thì ngoài sự đoàn kết của ASEAN, các nước này cũng cần phải có khả năng tự thân và phải thu hẹp khoảng cách chính trị với Mỹ. Việc thông cáo chung nói đến vai trò quan trọng của Uỷ ban Nhân quyền Liên quốc ASEAN là một chỉ dấu đáng khuyến khích.

- Vai trò trung tâm của ASEAN cũng đòi hỏi phải phối hợp hành động với các cường quốc địa phương như Nhật, Ấn và Úc. Đó là điều quan trọng.

Việt-Long:

Trung Quốc sẽ có đối sách ra sao trước tình hình đó?

GS Nguyễn Mạnh Hùng:

Trung Quốc sẽ tiếp tục chia rẽ ASEAN, tiếp tục gặm nhấm về quân sự. Nhưng Trung Quốc đi xa tới đâu thì tuỳ thuộc vào khả năng đoàn kết của ASEAN và sự trợ lực của các cường quốc bên ngoài, nhất là Mỹ.

Việt Nam: Cơ hội: Có - Khả năng: Dấu hỏi lớn

Việt-Long:

Việt Nam liệu có cơ hội thực hiện và khai triển những thành quả đó cho lợi ích quốc gia của mình không, khi mà sau bài diễn văn của ông Dũng thì chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Trung Quốc ký kết hiệp ước khai thác vịnh Bắc Bộ mở rộng?

GS Nguyễn Mạnh Hùng:

- Cơ hội thì có nhưng khả năng còn là điều cần xem lại.

- Diễn văn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri La đã công khai hoá một chính sách ngoại giao rõ rệt. Đó là chính sách ngoại giao phòng vệ giữ vững chủ quyền, không liên minh với một nước này chống lại nước kia, hoan nghênh sự can dự tích cực của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ ở Á châu Thái Bình Dương, và củng cố sự đoàn kết của ASEAN. Nó thể hiện một sự đồng thuận nội bộ và được thế giới ủng hộ. Ông Dũng nói ở Shangri La hay ông Sang ký kết ở Bắc Kinh thì đều là theo chủ trương thống nhất của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam hết. Ở Việt Nam không ai đượcđặt ra chính sách ngoại giao, phải là Bộ chính trị. Cho nên coi đó là trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hay bảo ông Dũng theo Mỹ, ông Sang theo Tàu, thì không đúng. Mà đó là sự đồng thuận chính trị, rõ rệt như một-hai-ba, và có nguyên tắc, rồi sau đó phân công thi hành. Việc ký kết khai thác chung vịnh Bắc Bộ mở rộng chỉ liên quan đến vịnh Bắc Bộ, không có Trường Sa trong đó, và phần nào bảo vệ cho ngư dân Việt Nam hành nghề trong khu vực lãnh hải chồng lấn cũng như việc cứu nạn cứu hộ ở nơi đó , ít ảnh hưởng đến vấn đề khai thác dầu khí.

- Dù phủ nhận nhưng thực ra Việt Nam đang thi hành một chính sách cân bằng quyền lực tự nhiên như mọi nước khác. Muốn gia nhập cuộc cờ quốc tế thì phải có vốn và khả năng của chính mình. Để quan điểm của mình được phản ảnh qua các diễn đàn đa phương chỉ là một bước đầu.

- Điều quan trọng nhất là phải có khả năng tự thân. Khả năng tự thân đòi hỏi sức mạnh kinh tế, sức mạnh quốc phòng, sức mạnh chính trị (là một chính phủ mạnh), và sự thống nhất chỉ huy. Tấc cả những yếu tố này ở Việt Nam đều CÓ VẤN ĐỀ. Kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn và hết sức khó chữa. Trở ngại chính là vai trò và khả năng của các xí nghiệp Nhà nước. Sức mạnh của hệ thống chính trị đang bị xói mòn vì tham nhũng, tranh chấp quyền lực, và bất mãn quần chúng vì thiếu tự do, vì bất công, và một chính phủ bị coi là nhu nhược trước những hành động lấn chiếm của Trung Quốc. Hơn nữa, muốn tranh đấu hữu hiệu trên vũ đài quốc tế thì đoàn kết nội bộ và thống nhất chỉ huy là yếu tố quan trọng nhất. Đây là một nhược điểm căn bản của ngoại giao Việt Nam trong hoàn cảnh đầy thách thức như hiện nay.

Việt-Long:

Xin cám ơn GS Nguyễn Mạnh Hùng về buổi phỏng vấn hôm nay.