Chưa có câu trả lời
Vụ quỹ đầu tư quốc tế Elliot VIN có trụ sở tại Hà Lan châm ngòi kiện Vinashin hồi giữa tháng 11 ra toà án tại quốc tế chưa kịp lắng xuống, thì tiếp đến, báo Wall Street Journal ngày 12 tháng 12 cho biết quỹ đầu tư Elliot Advisers LP có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng đâm đơn kiện Vinashin. Công ty này đòi tổng số tiền 13 triệu 200 ngàn đô la gồm cả tiền vay và số lãi chưa trả. Theo hồ sơ vụ kiện thì 21 công ty con của Vinashin là con nợ chính và đứng tên là bên bị đơn.
Việc “quả đấm thép” của Việt Nam bị kiện lần thứ hai tại Anh quốc chắc hẳn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của khối tập đoàn kinh tế nói riêng và của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung trên thị trường vốn quốc tế.
Ngay sau khi bị khởi kiện lần đầu tiên hồi giữa tháng 11 với xấp xỉ 60 triệu đô la, nhiều luật sư kinh tế đều cho rằng khả năng Vinashin bị buộc phải trả nợ rất cao, theo đó, toàn bộ tài sản của Vinashin cũng như của các công ty có vốn góp của Vinashin tại các nước có ký hiệp định tương trợ tư pháp với Anh quốc đều có thể bị phong toả. Thậm chí tài sản được tạo ra trong tương lai cũng nằm trong diện bị phong toả nếu phía Elliot tiến hành thu nợ mở rộng.
Số tiền 600 triệu đô la mà Vinashin hiện đang mắc nợ các ngân hàng và các quỹ đầu tư ngoại quốc là những khoản tiền không có bảo lãnh của Chính phủ, nghĩa là Chính phủ không phải trả thay. Vậy nên câu hỏi nhiều người quan tâm đặt ra là làm sao Vinashin có thể trả nợ được tổng số tiền khổng lồ này, khi mà họ đang phải tiến hành tái cơ cấu, cắt giảm chi tiêu.
Xin được nhắc lại trong phần trả lời của Phó thủ tướng Nguyễn Văn Ninh trong chiều ngày 14/11 bên hành lang quốc hội, được báo trong nước trích đăng cho biết “Vinashin phải tự lo, Vinashin tự vay thì Vinashin phải tự trả thôi.” Còn mới đây nhất, hôm 9/12, trong buổi thảo luận đánh giá 10 năm đổi mới, phát triển DNNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:
“Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”
Với trách nhiệm chính trị là như vậy, nhưng trách nhiệm kinh tế để trả nợ nước ngoài, thì dư luận chưa thấy có một câu trả lời dứt khoát.
Phủ nhận trách nhiêm được chăng?
Mặc dù, trên thực tế, số nợ của Vinashin chính phủ không cam kết trả, nhưng trên góc độ pháp lý vấn đề lại không đơn giản, vì theo T.S Nguyễn Vân Nam, giám đốc công ty luật Nam Hùng được báo Sài Gòn Tiếp Thị trích thuật rằng cho dù về lý Chính phủ không có cam kết trả nợ thay nhưng vì có lá thư bảo đảm mà các tổ chức tín dụng thế giới mới cho vay, vì vậy Chính phủ tuyên bố không có trách nhiệm sẽ gây ra một cú sốc rất lớn trong mắt các định chế tài chính.
Còn theo lời ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung Ương thì sức lan toả của những vụ kiện như vậy sẽ rất lớn và sẽ khiến cho chỉ số tín nhiệm về nợ của Chính phủ giảm xuống, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trên thị trường tín dụng quốc tế hoặc sẽ phải chấp nhận lãi suất cao hơn rất nhiều.
Cùng quan điểm, hôm 17/11, nhận xét về vụ việc Vinashin lần đầu tiên bị Elliot VIN, Hà Lan kiện, ông Huỳnh Bửu Sơn, nguyên thành viên của tổ tư vấn cho Thủ tướng chính phủ những năm 90, cho phóng viên Nam Nguyên, Đài Á Châu Tự Do biết:
"Tôi cho rằng khi để xảy ra vụ kiện như vậy thì tất nhiên nó có ảnh hưởng ít nhiều đối với vấn đề vay nợ của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước đối với thị trường tài chính quốc tế. Về phần mình Chính phủ sẽ phải thận trọng hơn đối việc cho phép các doanh nghiệp đi vay"
Còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, hãng lượng giá tín dụng toàn cầu Moody đã từng hạ cấp tín dụng Việt Nam từ Ba3 xuống B1, trong đó, Vinashin góp phần không nhỏ khiến Việt Nam bị liệt vào nhóm các nền kinh tế “có rủi ro tín dụng cao.”
Mặc dù việc kiện tụng mới chỉ là bắt đầu, nhưng giới chuyên gia đã nhìn thấy tính chất phức tạp của vụ việc. Bởi nếu chính phủ không trả nợ hộ Vinashin thì ai sẽ là người phải trả? Nhất là bây giờ 21 công ty con của Vinashin đã được chuyển sang các công ty mẹ khác, chẳng hạn gán nợ sang Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam hoặc Công ty hàng hải Vinaline.
Vì thế khả năng Vinashin phải đối diện với một vụ kiện đơn lẻ sẽ trở thành một vụ kiện tập thể các công ty, và các công ty mẹ tiếp quản họ phải chịu trách nhiệm. Ý kiến này, được ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc công ty InvestConsult nhận định trong một bài phỏng vấn với tờ Sài Gòn Tiếp Thị gần đây.
Uy tín cả nước
một hiện tượng khủng hoảng chứ không phải là một hiện tượng cụ thể của công ty Vinashin
TGĐ InvestConsult
Về tính phức tạp và tác động lan toả của vụ việc Vinashin, ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng hậu quả phức tạp của vụ việc không chỉ dừng lại ở góc độ kinh tế mà kéo theo cả hậu quả chính trị, mà ở đây được hiểu là uy tín của chính phủ chứ không phải là uy tín chung chung. Về phương diện này, ông Trần Bạt đã trả lời đài chúng tôi hôm 17/11 như sau:
"Rất khó để mà nói về những hậu quả chính trị cụ thể, bởi vì hậu quả chính trị bao giờ cũng là kết quả của bản lĩnh chính trị của nhà cầm quyền và của xã hội nữa. Bây giờ nhà cầm quyền chưa có bất kỳ một tuyên bố nào liên quan đến việc kiện cáo của tập đoàn Elliott với Vinashin, cho nên tôi chỉ muốn gợi ý với các nhà quản lý, với nhà nước là cần phải nhìn việc này một cách sâu sắc hơn để tránh tất cả những vụng về trong việc xử lý hậu quả. Buộc phải nhìn nó như một hiện tượng, một hiện tượng khủng hoảng chứ không phải là một hiện tượng cụ thể của công ty Vinashin"
Có thể nhận thấy những diễn biến phức tạp của vụ việc Vinashin không chỉ dừng lại ở khâu vay trả 600 triệu đô la, mà tới đây sẽ là những chi phí liên
quan đến kiện tụng rất lớn. Câu chuyện Vinashin bị các quỹ đầu tư nước ngoài kiện tụng chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong dài hạn, vì nó không chỉ dừng lại ở 2 vụ này, mà sẽ còn nhiều những công ty giống như Elliot lên tiếng.
Đây chắc chắn là một bài học lớn về tính trách nhiệm và thể diện cho các tập đoàn kinh tế Việt Nam trong việc tham gia vào một sân chơi mang tầm cỡ thế giới trong tương lai.