Thêm một khu thiên nhiên được UNESCO công nhận

Việt Nam vừa có thêm một khu thiên nhiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

0:00 / 0:00

Sinh cảnh quí giá

Tổ chức Giáo dục-Khoa học- Văn hóa Liên Hiệp Quốc, UNESCO, và ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai hồi tháng 5 vừa qua tiến hành công bố quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển thứ 8 tại Việt Nam.
Theo đánh giá thì khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai với diện tích hơn 966 ngàn 500 héc ta, với vùng lõi là 169 ngàn héc ta, là một môi trường sinh sống lý tưởng cho nhiều loài động vật có vú, chim chóc, cá và nhiều loài bò sát khác nhau. Hiện nay tại khu vực đó ghi nhận được hơn 1400 loài thực vật và 1700 loài động vật, mà trong đó có những loài quí hiếm đang được liệt kê vào sách đỏ của thế giới.

Vì tính đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển nên đó được xem như là một phòng thí nghiệm tự nhiên để tiến hành các nghiên cứu khoa học, triển khai những ý tưởng mới về họat động bảo tồn và phát triển.

Ông Trần Văn Mùi, giám đốc Trung Tâm Dự Trữ Sinh quyển Đồng Nai cho biết khu vực thuộc tỉnh Đồng Nai này là nơi có thể nói duy nhất trong những tỉnh ở đó còn rừng tự nhiên chưa bị tàn phá để trồng các loại cây công nghiệp, nhất là cây cao su. Đó chính là một trong những yếu tố để UNESCO công nhận khu vực được xem là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ông Trần Văn Mùi cho biết:

"Tính đa dạng sinh học ở đó rất cao. Nó đại diện cho rừng mưa nhiệt đới đặc trưng của vùng đông nam bộ của Việt Nam. Tại khu đó có nhiều loài động, thực vật quí hiếm.

Trong khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, đặc biệt là diện tích lớn rừng thuộc tỉnh Đồng Nai được bảo vệ rất tốt. Tình trạng phá rừng gần như không xảy ra ở Đồng Nai. Tỉnh này vừa qua quyết tâm giữ rừng đặc dụng không để cho bị thu hẹp. Ở khu vực vùng đệm người ta có chuyển đổi rừng để phát triển cây cao su, nhưng Đồng Nai không có. Vùng lõi mà chúng tôi quản lý không bị xâm hại, chưa bị xâm hại."

Đối với nhiều người quan tâm tình hình môi trường tại Việt Nam, thì trong thời gian qua truyền thông trong nước loan tin khá nhiều về tình trạng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã. Đối với những loài thú lớn trong tự nhiên đặc trưng như hổ, voi … thì có cảnh báo nói chúng cũng bị săn lùng rất nhiều và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên theo ông Trần Văn Mùi thì tình hình một số loài đặc chủng tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai không phải như thế, ông trình bày:

"Tại khu sinh quyển của chúng tôi, qua điều tra thì không còn hổ tồn tại. Còn đàn voi trong khu dự trữ sinh quyển của chúng tôi đang phát triển ổn định. Vừa qua, voi có ra phá nương rẫy của người dân địa phương, chúng tôi có phối hợp để ngăn chặn tình trạng đó. Hiện nay Nhà Nước đang có dự án bảo tồn, phát triển làm sao voi không ra phá hại người dân. Tôi nghĩ với diện tích đủ rộng trên 100 ngàn héc ta rừng - gần 150 ngàn héc ta rừng đó là sinh cảnh tốt cho các loài thú trong khu dự trữ sinh quyển sinh sản và phát triển ổn định không gây ảnh hưởng cho người dân."

Bảo tồn và sử dụng

Voi châu Á tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Photo courtesy of vtr.org
Voi châu Á tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Photo courtesy of vtr.org (Voi châu Á tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Photo courtesy of vtr.org )

Ngoài họat động bảo tồn và phát triển các loài động và thực vật trong khu dự trữ sinh quyển, họat động khai thác để phục vụ cuộc sống con người mà không gây hại cho khu dự trữ là kế họach được đưa ra. Ông Trần Văn Mùi trình bày những công tác cần làm hiện nay sau khi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới:

"Thứ nhất ngòai sự quan tâm của tỉnh Đồng Nai ra, đề nghị các tỉnh lân cận cũng phải có kế họach phát triển kinh tế- xã hội tương đối bền vững, chứ không chạy theo phát triển mà phá rừng để trồng cây cao su ví dụ như ở Bình Phước đang phá rừng mạnh để trồng cao su. Bình Dương, tỉnh giáp ranh với Đồng Nai gần như không còn rừng tự nhiên nữa. Nên để ổn định được khu vực sinh quyển, tài nguyên quí giá của Việt Nam và quốc tế thì ngòai sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các tỉnh xung quanh Đồng Nai, các bộ - ngành và đặc biệt chính phủ cũng phải quan tâm để đầu tư và xem xét các dự án phát triển kinh tế trong vùng đó. Mục đích nhằm tính toán giữa cái được, cái mất, giữa phát triển kinh tế và bảo tồn."

Quân bằng giữa bảo tồn và phát triển là bài tóan không phải dễ dàng, nhất là trong tình hình hiện nay khi mà dân số gia tăng, nhu cầu phát triển kinh tế phục vụ cuộc sống trước mắt luôn đè nặng lên tòan xã hội. Ông Trần Văn Mùi nói về cách thức để quân bằng:

"Hiện chính phủ Việt Nam đã có ban hành qui chế quản lý, sử dụng rừng đặc dụng. Chúng tôi không phải nghiêm cấm tất cả mọi họat động trong rừng đặc dụng. Tại đó người dân được khai thác những lâm sản phụ dưới sự giám sát của Ban Quản lý Rừng đặc dụng. Nhưng hiện nay sự phối hợp và hiểu biết của người dân chưa cao nên chúng tôi chưa đẩy mạnh việc tạo điều kiện cho người dân hưởng dụng từ lâm sản phụ trong khu bảo tồn. Theo tôi, dần từng bước kết hợp với chính quyền địa phương, thảo luận với người dân, tại điều kiện nâng cao đời sống của nguời dân xung quanh vùng rừng tốt hơn."

Hiện Vườn Quốc gia chúng tôi có trung tâm và du khách đến thì có hướng dẫn để hiểu biết những gì được làm, những gì không khi đến khu bảo tồn. <br/>Ông Trần Văn Mùi <br/>

Tại nhiều nơi trên thế giới, một họat động được tiến hành đưa du khách vào tham quan các khu rừng với các loài cây, con đặc trưng ở đó. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng có hướng về lĩnh vực này như sau, qua trình bày của ông Trần Văn Mùi:

"Du lịch sinh thái tại khu dự trữ sinh quyển của chúng tôi đã có làm. Lượng du khách so với những năm về trước thì lượng du khách có tăng lên. Để phát triển và tạo thêm nguồn thu thì cần phải có tuyên truyền, giáo dục về nhận thức và thưởng thức về đa dạng sinh học. Chứ đi du lịch sinh thái để hiểu biết thì phải có hiểu biết nhất định. Hiện Vườn Quốc gia chúng tôi có trung tâm và du khách đến thì có hướng dẫn để hiểu biết những gì được làm, những gì không khi đến khu bảo tồn. Ở Việt Nam du lịch sinh thái mới ở giai đọan đầu thôi, người ta chưa hiểu biết nhiều để thưởng thức đa dạng sinh học."

Quan ngại xâm phạm

Một gốc cây cổ thụ trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Photo courtesy of
Một gốc cây cổ thụ trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Photo courtesy of

Một dự án phát triển hai thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai, đọan chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên, lâu nay đang khiến cho những nhà môi trường tại Việt Nam quan ngại vì tác động bất lợi của chúng đối với hệ sinh thái đặc trưng của vườn, cuộc sống của người dân tộc bản địa.
Về mối nguy cơ xâm hại này thì ông Trần Văn Mùi có ý kiến:

"Vừa qua sợ ảnh hửơng là có một số thủy điện dự kiến làm; nhưng các nhà khoa học có kiến nghị dừng và dự án chưa triển khai.
Chính phủ sắp đến sẽ thành lập đòan để kiểm tra lại. Đã có nhiều đòan đi rồi; nhưng vừa qua thủ tướng chính phủ có cử đòan mới với thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường là trưởng đòan để đánh giá lại từ đó có thông báo chính thức."

Trong khi chờ đợi đánh giá tác động môi trường mới đối với hai dự án thủy điện 6 và 6A do Tập đòan Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư và được Viện Tài Nguyên- Môi trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ cho rằng rừng đã mất hết rồi nên xây thủy điện là có lợi, thì giới bảo tồn như ông Trần Văn Mùi, vẫn khẳng định đánh giá của Viện Tài Nguyên- Môi Trường, Đại học Quốc gia Tp HCM là không thuyết phục, và bất cứ dự án xây dựng nào cũng có tác động bất lợi đến tự nhiên.

Ông Trần Văn Mùi lập luận tiếp:

"Đòan đó nói rằng không ảnh hưởng theo tôi đòan đó đánh giá chưa đúng. Không phải chặt rừng 100 héc ta vùng lõi mà 200 héc ta vùng đệm nữa, sau khi làm nhà máy thủy điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu sinh quyển của chúng tôi. Bởi vì sẽ có rất nhiều đường xá đưa vào nhà máy đó. Rồi tiếng ồn, dân cư xâm nhập gây sức ép rất lớn đến khu dự trữ sinh quyển. Chính đánh giá đó không thuyết phục nên chính phủ phải thành lập đòan tiếp tục. Đánh giá đó đối với chúng tôi là không thuyết phục, chứng tỏ hiểu biết về đa dạng sinh học thấp. Còn vì động cơ gì khác thì chúng tôi không bình luận."

Ông Trần Văn Mùi cho báo chí biết khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được phát triển rộng từ khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, nằm trên địa phận 5 tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Dak Nông. Ba vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai gồm vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai và khu bảo tồn vùng nước nội địa hồ Trị An-Sông Đồng Nai.

Bảy khu dự trữ sinh quyển khác của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới gồm có khu rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Đảo Cát Bà ở Hải Phòng, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Theo dòng thời sự: