Không trả lương mà còn đe dọa
Vụ việc xảy ra tại công ty giày L.E.O Pard ở thành phố Eukaterinbua thuộc tỉnh Xvetlov, cách thủ đô Moscow khoảng hai ngàn kilômét về hướng Đông Bắc. Bốn mươi lao động Việt trong công ty này gọi về báo cho người nhà biết họ phải làm việc như nô lệ từ mười hai đến mười bốn tiếng một ngày, không được cho ăn uống bồi dưỡng đầy đủ, không được trả lương đúng như thỏa thuận.
Đây là những thanh niên ở Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, đi Nga năm 2011 qua môi giới của công ty Hoa Việt. Số tiền họ phải chi trả để được đi Nga là 1.500 đô la, cộng thêm hai chục triệu tiền cọc tức khoảng 960 đô la nữa.
Theo hứa hẹn của môi giới trong nước, công nhân được trả bốn đến năm trăm đô một tháng, chưa kể tiền thưởng và tiền làm việc phụ trội. Tuy nhiên đã bốn tháng qua chủ nhân là người Trung Quốc đã không trả lương mà còn đe dọa bỏ đói nếu họ đình công.
Mặt khác, theo lời những công nhân không may này khai với báo Tuổi Trẻ, ông chủ Trung Quốc còn ra điều kiện ai muốn lấy lại hộ chiếu thì phải trả cho ông ta một nghìn đô la.
Lường gạt
Kết quả điều tra cho thấy đây là vụ lường gạt lao động xuất khẩu. Từ Hà Nội, bà Hoàng Kim Ngọc, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, khẳng định:
“Thứ nhất đây không phải công ty được phép xuất khẩu lao động và họ đi dưới danh nghĩa du lịch. Có nhìn thấy chữ ‘xuất khẩu lao động’ nhưng lại đóng mở ngoặc chữ “đen” không?
Cái này thuộc diện quản lý công dân rồi, cho nên nhà nước đang cho kiểm tra. Đó là trá hình dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động nhưng thực tế đấy không phải hoạt động đúng pháp luật và theo qui định của nhà nước. Đấy là một kiểu một dạng đưa lao động đi trái phép và Bộ Ngoại Giao với vai trò bảo hộ công dân thì sẽ làm mọi cách mọi khả năng để bảo vệ công dân. Thế còn về việc đúng hay không thì chắc chắn công an phải làm bởi vì nó trái phép.”
Vẫn theo lời bà Hoàng Kim Ngọc, bất kể sự kiểm soát gắt gao, một số cá nhân hoặc doanh nghiệp vẫn lợi dụng chuyện đi nước ngoài lao động để kiếm lợi:
“Họ vẫn hoạt động vụng trộm bởi vì sau những vụ phát hiện và bị xử phạt theo luật định thì rất nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng hoạt động, không dám công khai rộng rãi như ngày trước.”
Đây không phải lần đầu tiên chuyện lao động xuất khẩu, đi qua các công ty môi giới không do nhà nước trực tiếp chỉ đạo, gặp vấn đề về công ăn việc làm, lương hướng khó khăn và điều kiện sinh hoạt không thuận lợi ở quốc gia họ đến để làm việc.
Nhẹ dạ cả tin
Dưới mắt cục phó Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài, nguyên nhân đầu tiên là:
“Do khiếm khuyết trong hệ thống, cái thứ nhất là quản lý ở các địa phương cũng không phát hiện ra người dân của làng của xã mình đi như thế nào. Thứ hai nữa là có những đối tượng muốn lợi dụng cái đấy để làm ăn chụp giựt để kiếm lợi cho mình một cách nhanh và bất chính.”
Một nguyên nhân quan trọng hơn nữa, bà Hoàng Kim Ngọc nói tiếp, là sự cả tin của người lao động:
“Nhẹ dạ cả tin, dễ dàng phó mặc sự nghiệp của mình, cuộc đời của mình cho những tổ chức, những cá nhân mà không rõ người ta là ai. Chỉ cần nghe người ta nói nộp tiền, từng này tiền mà đồng ý thì đi ngay, thế là rơi vào sự lừa đảo.
Hiểu biết và nhận thức của người dân cũng đang là vấn đề bất cập.Ví dụ như qui trình của các cơ quan hoặc các công ty được cấp phép là phải tuyển chọn, phải tổ chức đào tạo, phải rèn dũa cho người ta về cả ngoại ngữ, về ý thức tác phong, về cả phong tục tập quán, vân vân và vân vân…
Đào tạo thì phải mất thời gian, người lao động của mình bảo học ngoại ngữ thì ngại, bảo học những qui định của nhà nước và nước tiếp nhận thì cũng ngại. Cho nên khi lừa đảo thì họ đánh vào cái tâm lý ngại ấy của người dân, bảo không cần phải học gì cả mà cho đi ngay, đi nhanh. Thế là lao động bị lừa thôi.”
Chỉ cần nghe người ta nói nộp tiền, từng này tiền mà đồng ý thì đi ngay, thế là rơi vào sự lừa đảo.
Bà Hoàng Kim Ngọc
Một khía cạnh tâm lý khác, bà Hoàng Kim Ngọc phân tích tiếp, là rất nhiều lao động ở nông thôn không tin rằng chỉ đóng một số tiền tương đối rẻ cho các công ty của chính phủ mà có thể đi được. Chính vì nghĩ như vậy nên thà bỏ ra một số tiền lớn hơn, gọi là mua một xuất đi nước ngoài, thì mới có cơ hội:
“Nếu người dân mình có nhận thức và hiểu rằng có những công ty chính thức và tìm đến những công ty chính thức thì chuyện kia nó cũng hạn chế đi.
Cho nên cả hai yếu tố vẫn tồn tại, khi phát hiện ra thì một mặt các cơ quan chức năng phải phối hợp với nhau để giúp người lao động thoát ra cảnh sống như vậy và được về nước an toàn như họ mong muốn.
Thế còn đối với những đơn vị những cá nhân tham gia thực hiện thì căn cứ vào phát hiện của người lao động cũng như của chính quyền địa phương thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, sẽ điều tra, sẽ xử phạt theo luật định, cái đấy chắc chắn phải làm.”
Theo tin trên báo Tuổi Trẻ Online, hôm 17 tháng Tư sáu công nhân ở Bắc Giang làm việc trong hãng xưởng ở Eukaterinbua bên Liên Bang Nga, đã trở về nước và đã khai báo mọi chuyện với cảnh sát điều tra vụ này.
Nhược điểm
Việt Nam coi xuất khẩu lao động là chính sách giải quyết công ăn việc làm trên thị trường nội địa. Ngoài Đài Loan là thị trường truyền thống đầu tiên, Hàn Quốc và Malaysia đang là hai thị trường hứa hẹn khác với gần một trăm nghìn lao động ở Malaysia và khoảng sáu chục nghìn ở Nam Hàn. Vẫn lời cục phó Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài Hoàng Kim Ngọc:
“Đưa người lao động đi Nam Hàn từ 2004 thì nhà nước đã có qui trình tổ chức rất rõ ràng, không một đối tượng nào có khả năng tác động đến quá trình tuyển chọn đấy để có thể làm nhanh hoặc không thi đỗ không đạt yêu cầu vẫn được đi. Thế nhưng người dân lại không tin vào con đường minh bạch của nhà nước mà cho rằng làm gì có cái chuyện đi dễ như thế. Mặc dù có qui định rất rõ nhưng họ vẫn không tin. Môi giới hoặc người lừa đảo đã lợi dụng tâm lý đó và người dân vẫn phải nộp tiền một cách rất phi lý.
Ngay cả vừa rồi những đợt thi tháng Mười Một, tháng Mười Hai năm ngoái thì bọn lừa đảo cũng lợi dụng bằng cách nhắn tin những đáp án vào cho người lao động. Vừa rồi những đợt thi mình đã phải loại trừ cả những biện pháp như vậy.
Hầu hết lao động đi nước ngoài xuất thân từ nông nghiệp, tác phong làm việc và ý thức tuân thủ kỹ luật, giờ làm việc cũng như tuân thủ các qui định khác trong qui trình làm việc công nghiệp vẫn còn có những bất cập. <br/>
Bà Hoàng Kim Ngọc
Thực ra mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau. Hàn Quốc có điều kiện và trình độ phát triển hơn Malaysia thì cũng đòi hỏi hỏi cao hơn về trình độ của người lao động. Malaysia cũng có rất nhiều lao động các nước chứ không chỉ Việt Nam, có Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, vân vân…
Tuy nhiên Malaysia là thị trường mà phần đông lao động ở trình độ thấp, không đòi hỏi qua khắt khe về trình độ, tay nghề cũng như ngoại ngữ. Cho nên ở đâu đòi hỏi như thế nào thì chúng ta phải chuẩn bị như thế cho phù hợp.”
Ngoài những yếu tố chăm chỉ, cần cù và khéo tay khiến lao động Việt Nam được ưa chuộng tại Nam Hàn và Malaysia, viên chức Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài cũng nhìn nhận một số nhược điểm:
“Lao động mình bên cạnh những ưu điểm thì cũng có cái nhược điểm. Hầu hết lao động đi nước ngoài xuất thân từ nông nghiệp, tác phong làm việc và ý thức tuân thủ kỹ luật, giờ làm việc cũng như tuân thủ các qui định khác trong qui trình làm việc công nghiệp vẫn còn có những bất cập. Đó là những hạn chế chung mà mình phải lưu ý khi đào tạo và chuẩn bị cho người lao động trước khi đi.”
Tóm lại, bà Hoàng Kim Ngọc kết luận, vào khi Việt Nam vẫn muốn mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đặc biệt qua khu vực Trung Đông, vốn đang có công nhân Việt trong ngành xây dựng, thì chất lượng lao động trước khi đi phải là điều kiện cần thực hiện và đào tạo cho người đi.
Theo dòng thời sự:
- Chuyện kể từ người giúp đỡ công nhân Việt tại Malaysia
- Nỗi khổ của nữ công nhân VN tại Malaysia
- Công nhân Việt ở Malaysia: Môi giới Mã xử tệ, môi giới Việt Nam bỏ mặc.
- Tình cảnh công nhân xuất khẩu Việt Nam
- Quy định mới cho công nhân đi Hàn Quốc
- Hoàn cảnh công nhân Việt Nam tại đảo Cyprus
- Bảo vệ quyền lợi lao động Việt ở nước ngoài ra sao?
- Hơn 15.000 công nhân VN bỏ trốn tại Đài Loan
- Công nhân Việt Nam ở ngoại quốc vẫn bị chèn ép
- Giúp việc nhà ở Arab Saudi