Việt Nam sẽ điều chỉnh thủ tục pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nước ngoài tham gia vào tiến trình xử lý nợ xấu trong nước. Công việc này liệu có khả thi và có tạo rủi ro nào không?
Điều chỉnh thủ tục pháp lý
Tại Hội Nghị Các Nhà Đầu Tư Vinacapital hôm thứ Năm vừa qua, các doanh nhân của Vinacapital, một quĩ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhận định rằng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư nảy sinh trên thị trường Việt Nam một khi nợ xấu được giải quyết và lãnh vực bất động sản bắt đầu có thanh khoản đối với những căn hộ có giá trị thấp.
Sau khi nghe các nhà đầu tư bày tỏ ý muốn tham gia vào việc mua bán nợ xấu của Việt Nam nhưng nhận thấy hãy còn khá nhiều trở ngại, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói rằng Việt Nam sẽ điều chỉnh thủ tục pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nước ngoài có thể tham gia vào tiến trình xử lý nợ xấu trong nước.
Cần biết để giải quyết nợ xấu tức những món tiền vay cồng kềnh và bất khả thanh toán, Việt Nam ra nghị định chính phủ cho thành lập Công Ty Quản Lý Tài Sản VAMC, chính thức hoạt động từ ngày 9 tháng Bảy. VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt để mua lại những món nợ xấu từ các tổ chức tín dụng trong thời hạn năm năm.
Trước đó, một chuyên gia tài chính quốc tế, ông Neil Hagan, từng cho rằng chuyện ngân hàng Việt Nam ngập nợ xấu và cơn khủng hoảng thị trường bất động sản là cơ hội cho giới đầu tư ngoại quốc trở lại nếu như chính phủ Việt Nam mời đón họ.
Điều chỉnh pháp lý sao cho phù hợp, mà Việt Nam đang cân nhắc, để giới đầu tư tham gia vào việc mua bán nợ xấu, cần được hiểu như thế nào? Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kiêm viện phó Viện Giá Cả Thị Trường thuộc Bộ Tài Chánh, giải thích rằng mở ra cho nước ngoài như vậy không ảnh hưởng đến VAMC mà là giai đoạn sau của VAMC:
Thực ra là nguồn lực tài chính cũng có hạn,do đó việc tới đây là VAMC có thể xử lý các khoản nợ xấu đã mua đấy, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài...ví dụ như các định chế tài chính, ngân hàng, quĩ đầu tư và thậm chí các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nước ngoài…đều có thể tham gia vào thị trường mua nợ của VN
tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Tức là hiện nay cơ chế mua bán nợ của Việt Nam vì không có nguồn tiền cho nên VAMC sẽ mua lại nợ xấu tại các tổ chức tín dụng dưới hai loại, một là tự nguyện bán nợ cho VAMC, loại thứ hai là buộc họ phải bán nợ nếu tỷ lệ nợ xấu của họ trên 3% trong tổng dư nợ của từng tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì thực ra là nguồn lực tài chính cũng có hạn,do đó việc tới đây là VAMC có thể xử lý các khoản nợ xấu đã mua đấy, trong đó có sự tham gia của cac nhà đầu tư nước ngoài, thì sẽ bao gồm những tổ chức ví dụ như các định chế tài chính, ngân hàng, quĩ đầu tư và thậm chí các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nước ngoài…đều có thể tham gia vào thị trường mua nợ của Việt Nam. Đó là bước thứ hai sau khi VAMC đã mua lại nợ và bây giờ họ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đó.
Được hỏi ông nghĩ sao khi Vinacapital đánh giá môi trường đầu tư cũng như tình hình kinh tế Việt Nam là sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư một khi khi nợ xấu được giải quyết và thị trường bất động sản khởi sự có những dấu hiệu tích cực, tiến sũ Vũ Đình Ánh cho rằng sự đánh giá đó tập trung chủ yếu nơi khả năng đầu tư vào thị trường Việt Nam hiện thời:
Nói chung thời điểm cuối của 2013 có những tín hiệu cho thấy sự đóng băng trước đó đã tan một phần và các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy có khá nhiều cơ hội. Riêng với thị trường mua bán nợ, rõ ràng việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi VAMC đã thực hiện những bước mua nợ đầu tiên, và cái khả năng tiếp tục mua nợ trong thời gian tới là rất nhiều, thì nó sẽ tạo ra một loại hàng hóa mới.
Tôi cho rằng không chỉ đầu tư nước ngoài mà đầu tư trong nước cũng rất quan tâm đến thị trường mua bán nợ đó bởi khả năng sinh lợi cũng khá lớn, khi mà hầu hết các khoản nợ xấu đều có những tài sản đảm bảo ở mức độ này hay mức độ khác. Đặc biệt khi nó liên quan nhiều đến bất động sản là một trong những vấn đề mà đầu tư nước ngoài cũng hy vọng là trong đợt này khi mà Việt Nam cầm nguồn lực để xứ lý nợ xấu thì các điều kiện về nắm giữ và kinh doanh bất động sản đối với đầu tư nước ngoài sẽ được nới lỏng hơn.
Mọi rủi ro đều có thể xảy ra
Sau một thời gian dài các thị trường tài sản đóng băng khá lâu và các nguồn tài chính trong nước gần như bị nghẽn, nguồn lực tài chính mới từ nước ngoài sẽ kích hoạt, thậm chí là khơi thông nguồn lực đầu tư trong nước. Dưới mắt tiến sĩ Vũ Đình Ánh, đó là kỳ vọng của hai phía, một bên là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam, một bên là giới đầu tư trong nước nhằm khôi phục hoạt động sau một thời gian bị đình trệ.
Quan trọng nhất là các nha đầu tư đoán đúng được cái xu hướng. Dựa trên xu hướng đấy thì kể cả chuyện giá tài sản xuống hay giá tài sản lên thì họ đều có thể kiếm cách kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận được
tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Tất cả mọi rủi ro đều có thể xảy ra, ông khẳng định, và không phải là không có những cảnh báo liên quan đến những vấn đề như lạm phát cao có thể tái diễn, nợ xấu ngân hàng chưa được xử lý, tài sản tiếp tục sụt giá vân vân… Tuy nhiên, ông phân tích tiếp:
Có hai góc độ. Thứ nhất là nếu các cơ quan chức năng hay chính phủ đánh giá đúng tình hình và có biện pháp ngăn chận từ trước thì những cái đó là những cảnh báo nhưng không xảy ra trong thức tế.
Thứ hai, liên quan tới bản thân nhà đầu tư nước ngoài. Giả định tất cả những đánh giá như thế biến thành hiện thực thì trong đó họ cũng sẽ tìm được những cơ hội để tìm lợi nhuận. Ví dụ trường hợp lạm phát cao chẳng hạn, thông thường kéo theo sự mất giá đồng Việt Nam, với đầu tư nước ngoài sử dụng ngoại tệ thì rõ ràng đấy là thế mạnh của họ khi đồng Việt Nam mất giá.
Nên là nếu như cho đến nay mà vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết chẳng hạn thì đấy chính là nguyên cớ hay tiềm năng mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào với hy vọng thị trường đấy không dừng lại ở qui mô vài chục ngàn tỉ như hiện nay mà nó còn lớn hơn chẳng hạn.
Quan trọng nhất là các nha đầu tư đoán đúng được cái xu hướng . Dựa trên xu hướng đấy thì kể cả chuyện giá tài sản xuống hay giá tài sản lên thì họ đều có thể kiếm cách kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận được.
Cũng tại Hội Nghị Các Nhà Đầu Tư Vinacapital 2013, Vinacapital ước tính GDP của Việt Nam năm 2013 đạt 5,3%, tăng trưởng tín dụng 10%, thâm hụt ngoại tệ chỉ chừng 4 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài gần 15 tỉ trong đó 11 tỉ đã được giải ngân.
Đó là lý do, theo Vinacapital, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tham gia một cách tự tin vào các lãnh vực tiêu thụ, y tế và nông nghiệp trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua và những ngày sắp tới.