[ Nghe bài nàyOpens in new window ]
Trật tự an ninh ở Campuchia vẫn chưa trở lại bình thường sau khi cơ quan chức năng nước này tháo dỡ hết lán trại của người biểu tình và cấm tụ tập không quá 10 người tại thủ đô Phnom Penh.
Trấn áp giải tỏa
Sau bạo lực chết người tại Khu Công nghiệp Canadian ở ngoại ô Phnom Penh vào sáng ngày 3/1 làm ít nhất 5 người thiệt mạng, bị thương 37 người và 13 người khác bị bắt giữ, chính quyền Phnom Penh đã ra lệnh ngừng mọi hoạt động biểu tình do đảng Cứu quốc Campuchia phát động, nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực.
Và nhằm chấm dứt mọi hoạt động biểu tình đòi tăng mức lương tối thiểu cho công nhân và đòi Thủ tướng Hun Sen từ chức, hoặc tổ chức bầu cử lại, cảnh sát đã đàn áp, giải tán hàng trăm nhà sư và người ủng hộ phe đối lập đã cấm dựng lều trại tại Công viên Tự do từ ngày 15/12/2013 đến ngày 4/1/2014
Ngày 9/1, thủ đô Phnom Penh vẫn được kiểm soát gắt gao bởi cảnh sát, lực lượng hiến binh và quân đội. Các khu vực tại Công viên Tự do và Khu Công nghiệp Canadian đều nằm trong tình trạng bạo động. Lực lượng hiến binh, quân đội, công an đều được trang bị dùi cui, súng AK-47 và tuần tra ngày đêm để giải tán các nhóm dân tụ tập hơn 10 người.
Sáng ngày 9/1, lực lượng này cũng giải tán một đám sinh viên có 5 người tụ tập tại Công viên Tự do, đồng thời tiếp tục đe dọa đàn áp các phóng viên tác nghiệp tại khu vực này.
Trong nội bộ Campuchia, người dân có quyền biểu tình, có quyền đấu tranh nhưng đã có các phần tử quá khích có những hành vi kích động bạo lực, kích động bài Việt, chống lại người Việt, xuyên tạc vu cáo người Việt...hành động này không đúng
Ông Trần Văn Thông
Người Việt ít nhiều bị ảnh hưởng
Tham tán phụ trách chính trị, đối ngoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh là ông Trần Văn Thông nói RFA rằng cuộc biểu tình của phe đối lập ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến người Việt đang sinh sống và làm ăn tại xứ này.
Ông Trần Văn Thông: "Trong nội bộ Campuchia, người dân có quyền biểu tình, có quyền đấu tranh nhưng đã có các phần tử quá khích có những hành vi kích động bạo lực, kích động bài Việt, chống lại người Việt, xuyên tạc vu cáo người Việt...hành động này không đúng. Vậy nó gây tác hại đến đời sống sinh hoạt của bà con. Trường hợp này đã làm cho bà con quan tâm và lo ngại."
Đối với bạo động ở thủ đô Phnom Penh thì ông Thông kêu gọi bà con không nên quá lo ngại. Ông cho biết thêm: "Vụ bạo động ở Phnom Penh đã được Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng đang điều tra xử lý. Còn bà con người Việt cũng phải tin tưởng chính phủ hòang gia Campuchia, chính quyền các cấp xử lý theo luật pháp Campuchia.
Đại sứ quán Việt Nam thì thấy không có vấn đề gì. Trật tự đang được lập lại. Chính phủ và các cơ quan chức năng duy trì được trật tự, quản lý điều hành theo luật pháp. Bà con người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Campuchia nên sinh hoạt bình thường, hòa nhập xã hội bình thường. Không có gì đáng phải quá lo ngại. Không có gì ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bà con.”
Ông Nguyễn Tiến Thanh, một người Việt làm nghề thợ mộc cách khu vực cấm khoảng 30 mét nói với chúng tôi rằng cuộc biểu tình của phe đối lập không ảnh hưởng đến đời sống người Việt. Ngay sau khi người biểu tình có hành vi kích động gây rối trật tự công cộng, quân cảnh đã chắn đường, cấm tụ tập ra vào khu vực.
Quân cảnh chặn đường không cho người biểu tình vào. Còn người tụ tập thì dẹp hết. Bị chắn đường như vậy cũng ảnh hưởng bởi vì không có người ra vào nên không bán được hàng.
Ông Nguyễn Tiến Thanh
Ông Thanh: "Quân cảnh chặn đường không cho người biểu tình vào. Còn người tụ tập thì dẹp hết. Bị chắn đường như vậy cũng ảnh hưởng bởi vì không có người ra vào nên không bán được hàng. An ninh, thì mấy bữa trước không được tốt lắm. Hôm nay thấy đỡ hơn nhiều. Chính phủ phải can thiệp thôi vì chúng tôi là Việt kiều ở đây không biết làm sao. Còn tinh thần thì thấy không thoải mái"
Anh Lâm, một người Việt làm nghề sửa xe gần Wat Phnom chia sẻ: "Em đọc báo thấy khu vực em đang làm ăn bị chặn đường nên em không đến làm hôm đó. Chặn đường như vậy làm mọi người biết chỗ này có chuyện nên không ai đến. Nó ảnh hưởng đến việc làm ăn vì không có khách dám đến làm.
Em làm nghề sửa xe nên nếu không chặn đường thì có người ra vào, có việc làm được tiền chút đỉnh. Còn chặn đường vậy thì không người ra vào. Vấn đề Campuchia, người ta muốn làm gì thì làm, em chỉ biết kiếm tiền nuôi gia đình, cha mẹ, trả tiền nhà, tiền chỗ làm. Còn chuyện biểu tình hoặc bầu cử là chuyện nội bộ Campuchia.”
Triệu tập lãnh đạo đảng đối lập
Mới đây Tòa án sơ thẩm Phnom Penh đã phát đi giấy triệu tập lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy và Kem Sokha tới thẩm vấn liên quan tình trạng bạo lực vừa qua. Lệnh triệu tập ông Sam Rainsy và Kem Sokha phải xuất hiện tại tòa vào sáng ngày 14/1 để thẩm vấn về việc kích động xúi dục, và có những hành động gây ra tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng tới an ninh xã hội.
Lãnh đạo đảng đối lập là bên thứ 3, phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những cuộc đình công, biểu tình bạo lực dẫn đến các hành vi hủy hoại tài sản, gây thiệt mạng nhiều công nhân
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập ông Sam Rainsy nói với RFA rằng hai ông sẽ xuất hiện tại tòa theo lệnh triệu tập. Hai ông không lo ngại việc bị cảnh sát bắt giữ nhưng ông Sam Rainsy cho rằng lệnh triệu tập nói trên đã và đang đe dọa chế độ dân chủ và đảng đối lập.
Theo ông Rainsy, ông sẽ không tham gia đàm phán với đảng đang cầm quyền, trừ khi chính phủ chấm dứt các hành động khủng bố dân và giết dân biểu tình ôn hòa. Bênh cạnh đó, nhóm luật sư của ông đang chuẩn bị hồ sơ thưa chính phủ ông Hun Sen ra Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chống lại loài người.
Về cuộc biểu tình, ông Sam Rainsy nhấn mạnh đảng đối lập đang tập hợp người ủng và sẽ tổ chức biểu tình tiếp nhưng ông từ chối cho biết thời gian cụ thể.
Việc đàn áp công nhân biểu tình và sự thân thiết với Việt Nam quá mức của chính quyền cũng là lý do mà nhiều tầng lớp nhân dân Campuchia phẫn nộ và xuống đường biểu tình phản đối ông Hun Sen trong 20 ngày qua
Người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, kiêm Cố vấn Thủ tướng Hun Sen là ông Keo Remy nói lãnh đạo đảng đối lập là bên thứ 3, phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những cuộc đình công, biểu tình bạo lực dẫn đến các hành vi hủy hoại tài sản, gây thiệt mạng nhiều công nhân.
Còn Ngoại trưởng Hor Namhong, Phó Thủ tướng Campuchia trả lời báo chí vào ngày 8/1 rằng chính phủ không hề quan tâm chuyện phe đối lập muốn kiện họ ra Tòa.
Ông nói chính phủ đã hết sức kiềm chế trong các cuộc biểu tình của phe đối lập vừa qua. Đó là các cuộc biểu tình bạo lực, không tôn trọng luật pháp. Ông Hor Namhong nhấn mạnh hành động dẹp loạn của chính phủ đã được người dân hoan nghênh.
Việc đàn áp công nhân biểu tình và sự thân thiết với Việt Nam quá mức của chính quyền cũng là lý do mà nhiều tầng lớp nhân dân Campuchia phẫn nộ và xuống đường biểu tình phản đối ông Hun Sen trong 20 ngày qua. Dân biểu tình gọi lực lượng an ninh, hiến binh, quân sự hoặc cảnh sát giữ trật tự, đàn áp người biểu tình là bộ đội Việt Nam. Và đó, cũng là một nguyên nhân mà người biểu tình tại Khu Công nghiệp Canadian đập phá một quán cà phê người Việt ở gần đó nhưng thật may không có người Việt nào bị thương trong các vụ bạo lực vừa qua.