Nông nghiệp thêm một năm lạc đường

0:00 / 0:00

Năm 2013 đã thể hiện rõ nét sự bế tắc trong sản xuất và tiêu thụ xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Nhân dịp cuối năm Nam Nguyên điểm lại một vài sự kiện đáng chú ý.

Một nghịch lý đầy xót xa

Xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam hàng năm đóng góp 20% GDP Tổng sản phẩm nội địa. Trong số các nông sản từng được xem là trụ đỡ cho nền kinh tế những lúc khó khăn có mặt hàng gạo. Tiếng là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, mỗi năm xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn gạo nhưng nông dân trồng lúa rất nghèo. Điểm đáng nói là kim ngạch xuất khẩu gạo lại tương đương trị giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành, khô dầu đậu nành, bột cá…

Theo báo chí Việt Nam đây là “một nghịch lý đầy xót xa” còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi là “quá thiểu não.” Người đứng đầu Nhà nước đã nhận định như thế hồi cuối tháng 8/2013 sau chuyến đi khảo sát ở đồng bằng sông Cửu Long. Báo mạng VnEconomy lúc đó trích nguyên văn phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn Sang: “Bớt lúa trồng ngô, đậu nành…vừa giữ giá gạo, tuy không xuất khẩu 2-3 tỷ đô, nhưng dân có việc làm tốt, tạo thêm 2-3 tỷ đô ở trong nước thì không làm, cứ phải khí thế tiến lên quyết liệt, phải đứng đầu thế giới mới được. Đứng đầu, đứng giữa mức độ thôi, khí thế quyết liệt mà mở túi chả có đồng bạc nào.”

Theo báo chí Việt Nam đây là "một nghịch lý đầy xót xa" còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi là "quá thiểu não." Người đứng đầu Nhà nước đã nhận định như thế hồi cuối tháng 8/2013 sau chuyến đi khảo sát ở ĐBSCL

Trong dịp trả lời chúng tôi, GSTS Võ Tòng Xuân, nhà nông học có uy tín quốc tế từ Long An nhận định:

Nông dân bỏ ruộng đi làm thuê. AFP
Nông dân bỏ ruộng đi làm thuê. AFP (AFP)

"Đầu óc cây lúa này ăn sâu vô từng ông nông dân cho tới những người từ nông dân ra làm chính quyền ở trên, họ chỉ biết tới cây lúa. Lúc trước mấy thứ cây khác họ không dám nghĩ tới. Bây giờ cây lúa không có tiền, lợi tức thấp thì họ mới nghĩ tới những thứ khác, rất là chậm."

Điển hình về điều gọi là “nghịch lý đầy xót xa”, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (NN-PTNT) xuất khẩu gạo 11 tháng của năm 2013 là 6,29 triệu tấn trị giá 2,78 tỷ USD, trong khi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong cùng thời gian cũng đạt mức 2,78 tỷ USD. Số liệu này đối với các nhà xuất nhập khẩu có thể là hoạt động bình thường và tạo ra lợi nhuận cho họ, nhưng đối với nông dân thì lại tỏ ra chán nản.

Thông tin ghi nhận ngành chăn nuôi từ gia cầm, gia súc tới thủy sản sau khi chịu lỗ năm 2012 tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2013. Bà Nguyễn Thị Lạc một nhà chăn nuôi có kinh nghiệm ở ngoại thành Saigon nhận định:

Bớt lúa trồng ngô, đậu nành…vừa giữ giá gạo, tuy không xuất khẩu 2-3 tỷ đô, nhưng dân có việc làm tốt, tạo thêm 2-3 tỷ đô ở trong nước thì không làm, cứ phải khí thế tiến lên quyết liệt, phải đứng đầu thế giới mới được...khí thế quyết liệt mà mở túi chả có đồng bạc nào

Chủ tịch Trương Tấn Sang

"Khó khăn lắm, hiện nay những người chăn nuôi nhỏ, những người chăn nuôi tư nhân hầu như người ta không nuôi nữa, tại vì giá thị trường lên xuống bất chợt, liên tục vài năm nay giá thì đều dưới giá thành. Do đó người nuôi tư nhân chịu không xiết phá sản hầu hết, chỉ còn duy trì những người nào nuôi cho công ty thì còn là do cái tiền công đó thôi, tiếp tục nuôi trong khi chờ đợi…Thị trường hiện nay quá khó khăn không ổn định lại thêm chuyện thịt gà nhập từ nước ngoài về nữa."

Tiếng kêu cứu của người nông dân

Một ngành chăn nuôi khác là cá tra có tỷ lệ thức ăn chăn nuôi rất lớn lên tới 70%-80% giá thành. Trong khi các đại doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hưởng lợi nhuận thì người nuôi cá lại lao đao. Nguyên do vì giá cá nguyên liệu trong nhiều thời kỳ thấp hơn giá thành, đến khi giá cá lên cao thì nông dân đã ngừng nuôi hoặc chỉ còn nuôi gia công cho doanh nghiệp.

Nông dân nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Source Vietfish.org
Nông dân nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Source Vietfish.org (Source Vietfish.org)

Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 khoảng 1,8 tỷ USD, nhưng trong quí 4 tình trạng thiếu hụt cá nguyên liệu thể hiện rất rõ vì đa số nông dân bỏ nuôi. Hơn nữa nông dân còn bị các doanh nghiệp mua cá chiếm dụng vốn trầm trọng, tình trạng bi đát đến nỗi ông Nguyễn Ngọc Hải, giám đốc hợp tác xã nuôi cá tra Thới An đến dự Hội nghị tổ chức vào ngày 21/8/2013 tại Cần Thơ đã mang theo một tâm thư gởi lãnh đạo Đảng để kêu cứu.

Tôi thì nuôi với người ngoài, nhưng tôi thấy nuôi với người ngoài cũng chết mà vô nuôi gia công cũng chết…Rồi có nhiều người bán cá ra ngoài nợ nần tùm lum hết trơn. Hết biết mần với ai bây giờ

Nông dân cá tra

Nông dân cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Tôi thì nuôi với người ngoài, nhưng tôi thấy nuôi với người ngoài cũng chết mà vô nuôi gia công cũng chết…Vừa qua mấy ông nuôi gia công cho biết, nó đưa mình 1,6kg thức ăn còn tiền này tiền kia, con giống chi phí thuốc men, bơm nước thì mình chịu lúc đầu mỗi kg cá mình được 6 ngàn đồng, sau sụt xuống 5 ngàn rưởi, 5 ngàn bây giờ còn có hơn 4 ngàn. Mà họ bắt cá rồi số tiền dư lại của mình cũng không trả nữa. Rồi có nhiều người bán cá ra ngoài nợ nần tùm lum hết trơn. Hết biết mần với ai bây giờ.”

Trong khi đó người trồng lúa kêu cứu vì giá lúa trung bình cả năm thấp, lợi nhuận không đủ sống. Một nông dân từ vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Năm 2013 này lợi nhuận của nông dân rất là mỏng, sinh hoạt hàng ngày vật giá leo thang, các mặt hàng tiêu dùng đâu có hạ giá như nông dân bán lúa bị hạ giá. Thu nhập của nông dân đã thấp rồi, chi phí rất cân nhắc thành thử thu nhập của nông dân 2013 không bằng mấy năm trước, lúc xuất khẩu thuận lợi.”

Việt Nam đã phát triển lúa gạo, thủy sản một cách ồ ạt, nhưng không thể kiểm soát sản lượng, chất lượng và đặc biệt không dự báo được thị trường tiêu thụ. Ngày 10/6/2013 trước sức ép của Quốc hội và công luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đặc biệt có chủ đích nâng cao lợi nhuận cho nông dân. Nhưng cho tới cuối năm 2013, Bộ NN-PTNT vẫn loay hoay với kế hoạch chuyển đổi cây trồng vật nuôi và chưa thực hiện được một bước đi nào rõ rệt.