Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất và xuất khẩu thủy sản đạt 6% một năm. Theo đó trong vòng 6 năm sắp tới, kim ngạch xuất khẩu thủy sản các loại đạt 8 tỷ USD/năm, thu nhập bình quân của cộng đồng ngư dân ven biển và lao động nghề cá tăng gấp 2,5 lần so với 2010. Nam Nguyên đặt câu hỏi về tính khả thi của đề án này với ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Thường vụ kiêm trưởng ban phát triển bền vững Hội Nghề Cá Việt Nam, Ủy viên Thường vụ kiêm phó ban pháp chế chất lượng và thị trường Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam. Từ Hà Nội trước hết ông Nguyễn Tử Cương nhận định:
Tôi nghĩ mục tiêu này là khả thi, bởi vì bên cạnh hướng nuôi, một chiến lược phát triển đánh cá ở ngoài khơi, các chủng loại cá phần nổi trữ lượng hãy còn nhiều. Đánh cá ngoài khơi bên cạnh việc phát triển sản xuất còn mang ý nghĩa khác là khẳng định chủ quyền vùng biển của quốc gia nữa.
Nam Nguyên: Thưa ông có thể nói rõ hơn vấn đề này.
Ông Nguyễn Tử Cương: Ở Việt Nam hiện nay tỷ lệ các tàu nhỏ đánh cá ở ven bờ sau khi đã đến hạn giải bản thì cho giải bản và không đóng thêm. Nhà nước có chính sách và các ngân hàng cũng tích cực cho ngư dân vay vốn để đóng tàu công suất lớn đi đánh cá ở biển khơi xa. Ở ngoài đó trữ lượng vẫn còn nhiều, đặc biệt vùng chung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển lân cận. Do vậy chúng tôi đang tính rằng ngoài thủy sản nuôi tiếp tục được phát triển thì khai thác biển có giá trị kinh tế cao có khả năng xuất khẩu thì sẽ được tăng hơn nhiều.
Nam Nguyên: Như vậy đột phá tái cơ cấu ngành thủy sản được xác định bằng hiện đại hóa phương tiện tàu cá. Nhưng tiền vốn và tín dụng ngân hàng mà ông vừa đề cập lại là một vấn đề lớn, liệu ngân hàng có dám cho vay thế chấp bằng chính tàu cá của ngư dân, khi mà an ninh trên biển đông khá phức tạp. Ngư dân bị mất tàu, đâm tàu, cưỡng đoạt thường xuyên xảy ra…đột phá sẽ đi theo hướng này?
Ông Nguyễn Tử Cương: Trong đất liền việc tích tụ ruộng đất để có sản xuất lớn đang diễn ra khá mạnh. Trong nuôi trồng thủy sản cũng vậy, việc người dân gom ao lại hoặc khuyến khích người có khả năng có tiềm lực tập trung diện tích ao lớn hơn để có thể đầu tư kỹ thuật hiện đại. Trên cơ sở đó nâng cao năng suất giảm chi phí đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường sẽ được triển khai, đấy là một hướng. Hướng thứ hai là các tàu đánh cá ở ngoài biển, trước cũng có tình trạng như ông nói, nhưng Việt Nam đã làm việc nhiều lần và tích cực với Trung Quốc thì tình trạng đã giảm dần. Và quan trọng hơn, dân Việt Nam vốn có truyền thống khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa thì bất cứ là ai, cứ là người Việt Nam thì đều sẵn sàng ra khơi bám biển đánh cá đồng thời bảo vệ tổ quốc.
Hướng thứ ba là có sự liên kết giữa sản xuất nguyên liệu chế biến với thị trường, đặc biệt coi trọng thị trường. Tức là mình phải làm ra cái sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn chứ không phải đi bán thứ mà mình có. Đấy là ba trọng tâm mà ngành thủy sản đang tập trung phát triển.
Nam Nguyên: Thưa ông như chúng tôi đã hỏi, liệu các ngân hàng có thoải mái về tiền vốn và cấp tín dụng cho ngư dân hay không khi hoạt động đánh bắt thủy sản có nhiều rủi ro. Sẽ có sự thay đổi như thế nào, chính phủ có can thiệp hay không, chính phủ đề nghị là cho vay tiền thế chấp bằng chính phương tiện đánh bắt. Đây có là một giải pháp có thể tháo gỡ hay không?
Dân Việt Nam vốn có truyền thống khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa thì bất cứ là ai, cứ là người Việt Nam thì đều sẵn sàng ra khơi bám biển đánh cá đồng thời bảo vệ tổ quốc.<br/> - Ông Nguyễn Tử Cương
Ông Nguyễn Tử Cương: Trước mắt đúng là tiền thì chính phủ không thể cho dân được. Cho nên người dân dùng chính con tàu và những tài sản ở trên bờ để thế chấp. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng khá thành công trong việc các tàu đánh cá biển đặc biệt là tàu đánh cá ngoài khơi mua bảo hiểm. Nếu có rủi ro thì ngân hàng không đến nỗi là không thu hồi được vốn. Còn nguồn vốn hiện nay ngân hàng cũng khá dồi dào và chủ trương đầu tư mạnh trong nông nghiệp nói chung thủy sản nói riêng thì đang là xu hướng mà chính phủ cũng như các ngân hàng đã hiểu rõ.
Nam Nguyên: Bộ NNPTNT đặt mục tiêu nâng thu nhập của cộng đồng ngư dân ven biển lên gấp 2,5 lần so với 2010. Điều này có khả thi không? trong khi Bộ dự kiến giảm sản lượng khai thác ven bờ từ 1,2 triệu tấn xuống 0,8 triệu tấn. Như vậy phần giá trị gia tăng sẽ rất lớn?
Ông Nguyễn Tử Cương: Sẽ có chiến dịch lựa chọn đào tạo con em ngư dân kỹ năng đi biển xa bờ kể cả kỹ năng có thể tồn tại trong những điều kiện và hoàn cảnh khó khăn. Đó là một hướng quan trọng, nhưng bên cạnh đó việc nuôi trồng ven biển sẽ được đẩy mạnh lên và những ngành nghề khác, phục vụ cho khai thác, cho chế biến cho nuôi trồng cũng được đẩy mạnh. Một mặt nữa du lịch, những người sống ở ven biển mà không có khả năng đi biển thì sẽ được làm những ngành nghề khác như vừa nói. Như thế mới có thể nâng cao đời sống.
Nam Nguyên: Hai mặt hàng chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản hải sản nói chung là tôm nuôi và cá tra từ trước đến nay là không thể kiểm soát được. Trong cuộc tái cơ cấu này sẽ có vấn đề những hộ nông dân nhỏ lẻ phải chuyển nghề hay không?
Ông Nguyễn Tử Cương: Có thể nói là có ba hướng, một hướng là họ vẫn tồn tại. Nhưng họ tồn tại không phải như một cây đũa đơn lẻ, mà họ phải tồn tại đứng sát vào với nhau tạo thành một bó đũa để không bị bẻ gẫy. Đó là những tổ hợp, những nghiệp đoàn, những chi hội, thông qua đó tạo ra sức mạnh trong việc vay vốn ngân hàng, trong việc giao dịch với các doanh nghiệp. Hướng thứ hai, vì một lý do gì đó họ có thể bán ao cho doanh nghiệp và họ trở thành công nhân nuôi cá. Hướng thứ ba là họ bán ao đi rồi họ có nguồn vốn và chuyển sang một nghề khác.
Nhưng hướng thứ ba là hướng không nhiều, bởi vì thông thường người nuôi cá là nông dân có ruộng, có vườn cây ăn trái thì họ có thể dùng tiền bán ao để mua ruộng, mua vườn. Có những cách để giải quyết chứ không đến nỗi là biến những người có ao nuôi nhỏ lẻ trở thành phá sản hoặc vô sản.
Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông Nguyễn Tử Cương đã trả lời Đài chúng tôi.