Đề án Xử lý Nợ xấu giải quyết được gì?

0:00 / 0:00

Đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia của Ngân hàng Nhà nước không được Chính phủ phê duyệt. Tại sao một đề án được Bộ Chính trị thông qua về nguyên tắc mà nhiều thành viên chính phủ lại thiếu tin tưởng.

Chưa thể giải quyết tổng thể

Nam Nguyên phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Từ Hà Nội trước hết bà Phạm Chi Lan nhận định:

Bà Phạm Chi Lan: Nợ xấu của các ngân hàng hiện nay liên quan rất nhiều đến nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước đối với Ngân hàng. Theo thông tin thì 70% nợ của các ngân hàng thương mại là nợ của các doanh nghiệp Nhà nước; số nợ của các Doanh nghiệp Nhà nước đối với ngân hàng thương mại cũng tăng lên. Cụ thể theo cuộc họp của Thủ tướng với các doanh nghiệp lớn của Nhà nước vào hồi đầu năm nay thì con số đó là hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với 60 tỷ USD rồi!

Như vậy tôi cho là mọi giải pháp giải quyết nợ xấu của ngân hàng phải được gắn với phương cách làm thế nào giải quyết nợ xấu đối với các doanh nghiệp Nhà nước, họ là khách hàng lớn nhất và có lợi nhiều nhất ở khối ngân hàng. Thứ hai nữa, nợ xấu ngân hàng gắn rất nhiều với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đấy cũng là khối nợ rất lớn; chắc là các lãnh vực liên quan với nhau phải được đề cập đến, chứ nội bộ ngân hàng không thôi thì không thể giải quyết đầy đủ.

Nam Nguyên: Thưa, chính phủ chưa thông qua đề án thì chắc các thành viên chính phủ có thể đã nhìn thấy vấn đề này?

Chính phủ chưa thông qua, chắc là Chính phủ chưa thấy yên tâm về các đề án đã được nêu ra, chưa thấy hướng giải quyết tổng thể một cách toàn diện để từ đó giải quyết một cách triệt để hơn. <br/> Phạm Chi Lan

Bà Phạm Chi Lan: Vâng, tôi tin là như vậy. Chính phủ chưa thông qua, chắc là Chính phủ chưa thấy yên tâm về các đề án đã được nêu ra, chưa thấy hướng giải quyết tổng thể một cách toàn diện để từ đó giải quyết một cách triệt để hơn. Tại vì nếu chỉ giữa các ngân hàng thì rất dễ xảy ra tình trạng các ngân hàng giải quyết nợ lẫn nhau hoặc là trong các công ty trực thuộc họ mà thôi. Chứ còn không đề cập đến được các khoản nợ rất lớn từ các khách hàng của họ mang lại. Vả lại kinh tế hiện nay bế tắc không phát triển được thì cũng không phải chỉ là nợ xấu của ngân hàng, nó còn là khối nợ xấu rất lớn của các doanh nghiệp nữa.

Nam Nguyên: Thưa bà theo đề án của Ngân hàng Nhà nước thì Công ty xử lý nợ xấu sẽ phát hành trái phiếu chính phủ để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có thể dùng trái phiếu này để cầm cố vay tái cấp vốn…Lợi hại của việc này? Giả dụ mức phát hành trái phiếu tổng trị giá rất lớn vì khối nợ rất lớn thì vấn đề này sẽ lợi hại như thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Nếu làm như vậy thì rất có thể đẩy gánh nợ xấu từ các ngân hàng thương mại sang cho Nhà nước gánh, sang cho tổ chức phát hành trái phiếu gánh. Và từ chỗ nợ nó nằm ở một số ngân hàng khác nhau thì lại có thể một công ty ôm số nợ lớn hơn rất nhiều. Về cơ bản không giải quyết được gì, có thể nó lại gây thêm gánh nặng nợ xấu lớn hơn và lại còn khó xử lý hơn trong tương lai khi một công ty phát hành trái phiếu để ôm một đống nợ xấu lớn như vậy.

Một khu nhà tại Hà Nội ngưng xây dựng do hết vốn. RFA photo
Một khu nhà tại Hà Nội ngưng xây dựng do hết vốn. RFA photo (Một khu nhà tại Hà Nội ngưng xây dựng do hết vốn. RFA photo)

Hơn nữa đối với các khoản nợ xấu, theo tôi, phương pháp giải quyết chính phải là các công ty có nợ phải chấp nhận tài sản của mình có thể bị bán đi chẳng hạn, thì phải định giá theo giá trị thực tế bây giờ tức là nó thấp hơn rất nhiều so với tài sản lúc họ khai để vay nợ. Nếu bây giờ lại cứ muốn bảo toàn phải bán với cái giá cũ, hoặc phải có lời trong chuyện đó thì đấy là điều không thực tế và sẽ không thể nào giải quyết được. Trong chuyện vay mượn đã có quá nhiều vụ khai khống lên tài sản, thậm chí có cả sự thông đồng giữa ngân hàng với người vay để khai khống lên tài sản của họ để cho vay thật nhiều ra và từ đó gây nên vấn đề. Nếu bây giờ không giải quyết một cách thật minh bạch, thật cụ thể hoặc theo yêu cầu của thị trường thì sẽ rất khó giải quyết tới nơi tới chốn được.

Lợi ích nhóm chi phối?

Nam Nguyên: Thưa bà, ông Nguyễn Bá Thanh trưởng ban nội chính Trung ương cảnh báo cơ chế xử lý nợ xấu như đề nghị dễ bị lợi ích nhóm chi phối, mà hậu quả là nhà nước và người dân phải gánh chịu. Bà nhận định gì?

Bà Phạm Chi Lan: Vâng, đúng vậy đấy cũng là mối lo lớn nhất. Tôi nghĩ là khi chính phủ ngần ngại chưa thông qua giải pháp Công ty Xử lý Nợ xấu thì có thể cũng nhìn thấy vấn đề đó và muốn có cách để ngăn chặn tốt hơn chuyện đó.

Nam Nguyên: Ngân Hàng Nhà nước qua đề án của mình hy vọng xử lý 50% nợ xấu ngân hàng trong hệ thống. Theo các số liệu chính thức thì nợ xấu ở mức 100.000 tỷ, nhưng mức nợ xấu được cho là cao hơn và vẫn còn nhiều tranh cãi. Thưa bà nhận định gì về sự kiện này?

Tôi nghĩ là khi chính phủ ngần ngại chưa thông qua giải pháp Công ty Xử lý Nợ xấu thì có thể cũng nhìn thấy vấn đề đó (lợi ích nhóm chi phối). <br/> Phạm Chi Lan

Bà Phạm Chi Lan: Phải minh bạch và phải đánh giá đúng mức nợ xấu như thế nào. Thực sự con số thống kê nhiều khi đưa ra cũng làm cho chúng tôi bối rối, không biết tin cậy vào con số nào. Chẳng hạn như năm ngoái ai cũng nhớ lúc đầu Ngân hàng Nhà nước công bố nợ xấu tỷ lệ chỉ là hơn 3% thôi. Sau đó Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại nói là 8,6%...Rồi đến lúc ông Thống đốc trả lời trước Quốc hội thì nói là có thể là khoảng 10%. Đến đầu năm nay thì lại đột ngột nói là nợ xấu giảm hơn hai điểm phần trăm xuống còn hơn 6%. Như vậy mọi người rất ngạc nhiên, có thể giảm nợ xấu lẹ như vậy trong khi chưa cần Công ty mua bán Nợ xấu thì có lẽ cần phải xem lại có cần giải pháp ấy hay không.

Ở đây thì cái chính là vì thông tin không chính xác và chưa tạo được sự tin cậy cũng như độ minh bạch của nó thấp, cho nên khó có thể tính toán như thế nào là hợp lý và mức độ nợ xấu đến đâu và do đó phải có giải pháp đến mức nào. Hoặc là Công ty Mua bán Nợ xấu phải có qui mô như thế nào mới có thể xử lý được, cũng như về tiến độ thời gian, giải quyết bao nhiêu phần trăm vào lúc nào chứ nó rất lớn. Bởi vì 50% của 100 ngàn tỷ thì nó khác với 50% của con số ví dụ thực tế lớn hơn 100 ngàn tỷ, nó sẽ khác rất nhiều.

Nam Nguyên: Vâng, nói chung tình hình nợ xấu sẽ phải được giải quyết sớm vì nếu không sẽ ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế. Bà đánh giá gì về cách làm hiện nay?

Bà Phạm Chi Lan: Đúng vậy để nhì nhằng kéo dài thì tình hình nó trầm trọng thêm. Bởi vì trong khi kéo dài không giải quyết được thì những công ty đã mang nợ, có thể chưa đến mức nợ xấu nhưng kéo dài thời gian họ vẫn bế tắc trong sản xuất kinh doanh, họ không làm được nữa thì số nợ xấu của họ sẽ tăng lên và do đó tài sản của họ lại giảm đi nữa. Như trường hợp của Vinashin đã thấy rất rõ, không giải quyết, giải quyết không triệt để thì nó làm cho bây giờ giải quyết càng khó hơn gấp bội so với trước.

Tôi cho là phải cố gắng sớm và minh bạch đưa ra một giải pháp đầy đủ hơn thì mới có thể làm được và phải làm càng sớm càng tốt, càng kéo dài thì càng bất lợi vì rõ ràng là bây giờ nền kinh tế đứng trước những cản trở như về nợ xấu trong các công việc với ngân hàng rồi sự tắc nghẽn của các doanh nghiệp trong phát triển, bao nhiêu thứ nó đang đè nặng lên nền kinh tế.

Nam Nguyên: Cảm ơn bà Phạm Chi Lan đã trả lời đài RFA.