Niềm tin thị trường của doanh nghiệp

0:00 / 0:00

"Tình hình kinh tế gay go lắm rồi" lời nhận xét của phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại phiên họp của UB thường vụ Quốc hội mới diễn hồi trung tuần tháng tư cho thấy một mảng tối lớn đang bao trùm khả năng hấp thụ và tiếp nhận dòng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, vấn đề niềm tin thị trường của các doanh nghiệp một lần nữa được nhấn mạnh.

Đối mặt thách thức

Trong khi Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng "tiền tệ đã đóng băng, tình hình kinh tế gay go lắm rồi" thì thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội Trần Hoàng Ngân lại nhận xét "kinh tế đã ở giai đoạn cấp bách lắm và sức khỏe doanh nghiệp đã vô cùng kiệt quệ."

Chưa một giai đoạn nào mà cả Chính phủ lẫn các chuyên gia kinh tế lại tỏ thái độ bi quan như vậy, nhất là sau khi Việt Nam vừa hưởng một quãng thời gian tăng trưởng được xem là nhanh và nóng. Có lẽ chính do sự tăng trưởng "nhanh và nóng" không dựa trên những nền tảng thực chất là sức mạnh của doanh nghiệp, mà đến khi gặp khó khăn thì nền kinh tế chững lại, lao dốc và thiếu những lực đẩy để vực dậy. Cùng lúc đó, những vấn đề trầm kha như nợ xấu, tồn kho hàng hóa, bất động sản đóng băng càng khiến cỗ máy kinh tế dường như bất lực.

Vấn đề mấu chốt hiện nay lại là việc xử lý hàng tồn kho, đặc biệt là do nhu cầu thị trường và lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giảm rõ rệt. <br/> -Ông Trần Ngọc Nam

Theo nhận định của ông Trần Du Lịch, đại biểu thành phố HCM trong kỳ họp quốc hội đang diễn ra cho biết hiện giờ mắc nghẽn lớn nhất của nền kinh tế là không hấp thụ được vốn nữa. Ông cho rằng năm ngoái nợ xấu là cục máu đông, thế nhưng bây giờ suy giảm thị trường, suy giảm đầu tư và suy giảm niềm tin thị trường là những vấn đề cốt yếu, vì thế giờ đây làm sao phải khơi dậy niềm tin thị trường.

Có lẽ biểu hiện rõ nét nhất của niềm tin thị trường hiện đang bị bào mòn là do những khó khăn mà các doanh nghiệp liên tục vấp phải, nếu năm ngoái, tiếp cận lãi suất vốn vay từ ngân hàng thì năm nay hàng tồn kho và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp lại đang là những thách thức mà họ phải đối mặt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Nam, một doanh nghiệp kinh doanh thép trên địa bàn Hà Nội chia sẻ về những khó khăn của công ty mình:

Công ty chứng khoán Đại Tây Dương ở Hà Nội, ảnh chụp trước đây. RFA photo.
Công ty chứng khoán Đại Tây Dương ở Hà Nội, ảnh chụp trước đây. RFA photo.

“So với cùng kỳ năm ngoái, những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng như ngành thép bên chúng tôi thì thủ tục vay ngân hàng cũng như lãi suất so với thời điểm năm ngoái thì đã thuận lợi hơn nhiều, lãi suất giảm xuống rõ rệt, khoảng 8-9% năm nay so với 12-14% năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt hiện nay lại là việc xử lý hàng tồn kho, đặc biệt là do nhu cầu thị trường và lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giảm rõ rệt, vì thế nhu cầu trước mắt của chúng tôi là giải quyết hàng tồn kho thì lúc ấy mới quay vòng vốn, nhu cầu sản xuất lên, mới có nhu cầu vay tiền của ngân hàng tiếp.”

Theo những gì ông Nam nhận xét có thể thấy rõ vì sao lời cảnh báo của các chuyên gia về kinh tế Việt Nam bi đát đang hiện rõ. Dòng vốn không chảy vào sản xuất kinh doanh, bị ứ đọng tại ngân hàng. Theo tính toán thống kê, trong quý một đầu năm nay, con số dư nợ tín dụng ngân hàng chỉ tăng 1,4%, trong khi đó huy động tiền gửi tăng 5,5%. Theo dự kiến, mục tiêu tăng tín dụng cả năm sẽ là 14 – 15% để kích thích tăng trưởng GDP 5,5%, tuy nhiên con số này xem ra rất khó để trở thành hiện thực. Rõ ràng sự lệch pha trong nguồn cung và cầu tín dụng, mà một trong những lý do là các doanh nghiệp không mặn mà đi vay tiền, vì có vay được vốn đi chăng nữa thì cũng rất khó khăn để mở rộng sản xuất, đang là thách thức tiếp tục đặt ra.

Nên giảm thuế

Mặc dù, chỉ số niềm tin kinh doanh (CBI) mới được công bố cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đã được cải thiện, tăng 31 điểm, đạt 114 điểm, song chủ yếu niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tăng là nhờ nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thông qua hạ giảm lãi suất và thời gian tới là một số biểu thuế khác nhau. Còn thực tế đang đặt ra lại khả năng hấp thụ nguồn vốn.

Cùng với tâm trạng khó khăn như ở lĩnh vực thép của ông Trần Ngọc Nam, đặc biệt là các sản phẩm không bán được, tồn kho tăng cao, chị Lê Thị Tâm, chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thiết bị máy tính ở Hà Nội cho biết hoàn cảnh kinh doanh hiện thời:

Tình hình doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản cũng như số doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động là khá lớn. <br/> -TS Lê Đăng Doanh

“Tôi nghĩ cái khó nhất của doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi hiện nay là phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn để tiêu thụ hàng hóa, hàng hóa thì ứ đọng, lãi suất thì vẫn phải trả, rồi cộng với bao nhiêu những khoản chi khác của doanh nghiệp như trả tiền cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng, rồi các loại thuế khác, nên thấy rất nản và nhiều lúc cũng bi quan, với tình trạng như vậy, không biết sẽ cầm cự như thế nào.”

Không biết doanh nghiệp sẽ cầm cự như thế nào, có lẽ cũng là tâm lý chung đang tác động đến nhiều cơ sở kinh doanh ở Việt Nam. Điều này đang tác động rất nhiều đến tâm lý kinh doanh và niềm tin vào thị trường của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Trong phiên họp mới đây của UBTVQH hôm 14/5, chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã không khỏi băn khoăn nhận xét “tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100,000 doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục ngàn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%.” Theo đánh giá của Ủy ban thì hiện tại dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét, tổng cầu giảm mạnh và khả năng hấp thụ đầu vào của khu vực sản xuất chưa được cải thiện, trong đó tốc độ giải phóng hàng tồn kho, khơi thông bất động sản và xử lý nợ xấu còn quá chậm khiến sản xuất kinh doanh bị tắc nghẽn.

Nhìn nhận chung về tình hình doanh nghiệp, T.S Lê Đăng Doanh cho biết quan điểm của ông:

Siêu thị Quảng Ngãi ở tỉnh Quảng Ngãi, ảnh chụp trước đây. RFA photo.
Siêu thị Quảng Ngãi ở tỉnh Quảng Ngãi, ảnh chụp trước đây. RFA photo.

“Tình hình doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản cũng như số doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động là khá lớn. Vì vậy tác động về mặt xã hội, đối với việc làm đối với thu nhập của dân, nhất là người nghèo, cần phải được đánh giá đúng đắn.”

Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan lại nhìn nhận sự phá sản của các doanh nghiệp ở một góc độ khác, phải chăng chính chính sách vĩ mô đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà cho biết:

“Lạm phát kiểm soát được, hạ xuống thấp, nhưng đi kèm với nó là tình trạng đình trệ của nền kinh tế và cái chết của doanh nghiệp, cái giá cho sự ổn định như vậy quá lớn và gây thiệt hại nhiều mặt cho kinh tế Việt Nam.”

Vậy làm thế nào để khơi dậy niềm tin kinh doanh, giúp doanh nghiệp hạ giảm hàng tồn kho thông qua các chính sách vĩ mô và nhất là để những doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng để đầu tư mở rộng sản xuất, T.S Lê Đăng Doanh khẳng định:

“Chính phủ phải có các biện pháp hết sức thiết thực để giúp doanh nghiệp, thí dụ có thể dùng vốn nhà nước để xây đường, để tiêu thụ bớt số xi măng và số sắt thép đang tồn đọng. Thí dụ có thể khoanh nợ, giãn nợ và mua lại nợ xấu của các doanh nghiệp thực sự có khả năng xuất khẩu và có công nghệ tốt, để các doanh nghiệp đó có thể tiếp tục hoạt động, có biện pháp mạnh mẽ để cứu để đưa các doanh nghiệp trở lại hoạt động và giảm tác động về mặt xã hội cũng như mặt thu nhập đối với người lao động.”

Bên cạnh những ý kiến như của T.S Lê Đăng Doanh như khoanh nợ, giãn nợ hay mua lại nợ xấu, bà Phạm Chi Lan lại đánh giá việc giảm thuế là việc nên làm lúc này, bà phân tích:

“Hiện nay, chính phủ có đưa ra một số dự kiến chính sách mới, thí dụ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc nghiên cứu giảm thuế VAT, như vậy, cũng đỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.”

Có thể thấy việc hạ giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp đang là việc làm hết sức cần thiết, có thể giúp các doanh nghiệp giảm thiểu những khoản chi phí trong khả năng kiểm soát. Bởi vậy, trong phiên họp ngày 20/5 vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo về việc sử đổi hai dự luật quan trọng là Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng, theo hướng giảm dần các sắc thuế để động viên tinh thần của các doanh nghiệp. Hi vọng, với những giải pháp trước mắt, tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp sẽ được giải quyết, để câu chuyện “dịch phá sản” sẽ không còn là nỗi ám ảnh cho những ai đang muốn làm ăn ở Việt Nam.