Hội đồng Giám mục VN gởi thư chung cho tín đồ

0:00 / 0:00

Hội đồng Giám mục Việt Nam trong tuần qua tiến hành hội nghị lần thứ 12. Trước ngày kết thúc hội nghị, một thư chung cũng được gửi cho chừng 8 triệu tín đồ Công giáo tại Việt Nam.

Gia Minh ghi nhận một số ý kiến của thành phần dân Chúa trước những sự kiện đó của hội thánh Công giáo Việt Nam.

Tân chủ tịch và thông điệp mới

Kỳ hội nghị bắt đầu từ ngày 7 cho đến ngày 11 tháng 10 vừa qua, với sự tham gia của chủ chăn của 26 giáo phận tại Việt Nam cùng sự hiện diện của vị đại diện không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam- giám mục Leopoldo Girelli.

Hội nghị lần này bầu ra Ban Thường vụ và chủ tịch các ủy ban trực thuộc Hội Đồng giám mục Việt Nam nhiệm kỳ từ năm 2013 đến 2016. Tổng giám mục Phao lô Bùi Văn Đọc, phó tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, được bầu làm tân chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam.

Trước khi kết thúc hội nghị, các vị chủ chăn của giáo hội Công giáo Việt Nam ra Thư chung gửi cho giáo dân trong cả nước. Bức thư chung với bảy điểm mang chủ đề ‘Hội thánh tại Việt Nam và Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa”

Đánh giá thư chung

Thư chung đề cập đến Phúc âm hóa đời sống gia đình cũng nên truy nguyên, tức nói rõ đó là chế độ vô thần, duy vật và nền luân lý gọi là 'vô đạo đức' của cộng sản. <br/> -LM Phan Văn Lợi

Linh mục Phê rô Phan Văn Lợi, từ Huế sau khi đọc bức thư chung mới công bố của Hội đồng Giám mục Việt Nam đưa ra ý kiến như sau:

“Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm nay với nhan đề ‘Hội thánh tại Việt Nam và công cuộc Tân Phúc Âm hóa’, đặc biệt trong năm 2014 đề cập đến việc gọi là Phúc âm hóa đời sống gia đình. Bởi vì Hội đồng Giám mục Việt Nam thấy rằng đời sống gia đình người Công giáo Việt Nam nói riêng và đời sống người Việt Nam nói chung đang bị băng hoại vì môi trường, vì xu thế của thời đại văn minh vật chất và nhất là ảnh hưởng của chế độ cộng sản đã làm cho những giá trị luân lý bị suy sụp một cách trầm trọng khiến cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi lối sống hưởng thụ, lối sống ích kỷ rồi những khuynh hướng như đồng tính luyến ái phát triển mạnh mẽ làm cho người ta quên đi sự cao quý, cũng như sự độc đáo cảu gia đình và vai trò của gia đình trong vấn đề xã hội. Vì vậy Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc nhở giáo dân cùng với linh mục của họ phải canh tân, Phúc âm hóa đời sống gia đình để từ đó Phúc âm hóa xã hội này.

Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng Thư chung đề cập đến Phúc âm hóa đời sống gia đình cũng nên truy nguyên, tức nói rõ đó là chế độ vô thần, duy vật và nền luân lý gọi là ‘vô đạo đức’ của cộng sản; thế nhưng các giám mục không nói đến. Như thế Thư chung đưa ra ở đâu cũng được cả, theo tôi thư chung nói về tình tình Việt Nam nên làm cho người ta thấy rằng thực sự xảy ra ở Việt Nam, trong hoàn cảnh này.”

Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Courtesy nuvuongcongly.
Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Courtesy nuvuongcongly.

Anh Nguyễn Hữu Vinh, một giáo dân nhiệt thành từ Hà Nội tên thánh Gioan Baotixita, và cũng là một blogger được nhiều người biết đến đưa ra nhận xét về Bức thư chung:

“Thư chung Hội đồng giám mục nói là kỳ họp diễn ra trong khung cảnh Năm Đức Tin, do vậy Thư chung nói về vấn đề của giáo hội: vấn đề giáo lý, đức tin là chính.

Tuy nhiên trong phần đầu tiên của bức thư cũng nói đến vấn đề khi hay biết những khó khăn mà một số cộng đoàn phải đối diện, Thư Chung giải thích là các giám mục hiểu rằng sống đức tin như là một thách đố, và đưa ra một lời khuyên bất cứ người môn đệ nào của Chúa Giê su cũng được mời gọi làm chứng cho tin mừng tình yêu thương của Thiên Chúa và trở thành chất xúc tác cho nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Ngoài những vấn đề liên quan đến giáo hội, những vấn đề liên quan đến xã hội của giáo dân thì tôi thấy có điểm như vậy.

Ngoài ra những phần khác trong 7 phần của Thư chung này nói về vấn đề Phúc âm hóa, vấn đề Tân phúc âm hóa gia đình trong những năm tới, Phúc âm hóa đời sống xã hội… Theo tôi Thư chung của Hội đồng Giám mục năm nay không có điểm gì mới lạ."

Mong đợi của dân Công giáo

Khi được hỏi về kỳ vọng đối với thành phần mới được bầu ra, linh mục Phê rô Phan Văn Lợi bày tỏ:

“Chúng tôi mong đợi Đức cha Bùi Văn Đọc, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, sắp tới là tổng giám mục phó giáo phận Sài Gòn sẽ có hướng năng động và làm cho giáo hội ngày càng nhập cuộc. Bởi vì thật sự lúc này giáo hội phải trở thành men trong bột, mạnh mẽ để đòi công lý do vấn đề hiện nay tại Việt Nam là vấn đề công lý, đó là sự áp bức, bóc lột con người, sự đàn áp về chính trị. Mong rằng giáo hội qua các nhà lãnh đạo của mình sẽ trở thành tiếng nói để làm cho xã hội có công lý hơn, có dân chủ hơn, có tự do hơn.”

Người ta đang cần cái cụ thể hơn khi mà những cộng đoàn ở Vinh, ở Mỹ Yên, ở những nơi khác bị bách hại như thế, thì chúng ta phải làm gì để tránh những điều đó, hiện nay chưa thấy những điều đấy. <br/> -Anh Nguyễn Hữu Vinh

Giáo dân Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Vinh cũng trình bày:

“Giáo dân mong đợi Hội đồng Giám mục là một tổ chức của tôn giáo để bảo vệ giáo hội, để hướng dẫn giáo dân đi đúng hành động về Phúc Âm, về tín điều, tín lý. Tôi cho giáo hội đang chăm chú vào làm việc đó. Còn nếu như phải đấu tranh cho những người chịu sự bất công, những người không có công lý … (dù rằng không phải nhiệm vụ chính nhưng có liên quan) thì phần đó trong thời gian qua có làm được như văn bản góp ý của Hội đồng Giám mục. Riêng trong lá thư chung vừa gửi thì không có vấn đề đó, phản ứng yếu ớt. Ví dụ khi Hội đồng Giám mục nghe được những khó khăn, thử thách mà những cộng đồng phải đối diện chỉ có lời khuyên chung chung là trong bất cứ hoàn cảnh nào người môn đệ của Chúa phải làm chứng cho tình yêu thương và là chất xúc tác để xây dựng nền văn minh tình thương, văn hóa sự sống. Điều đó không sai; nhưng vấn đề người ta đang cần cái cụ thể hơn khi mà những cộng đoàn ở Vinh, ở Mỹ Yên, ở những nơi khác bị bách hại như thế, thì chúng ta phải làm gì để tránh những điều đó, hiện nay chưa thấy những điều đấy!”

Cũng như những người có tín ngưỡng, tin theo một tôn giáo khác nào đó, giáo dân Công giáo luôn tin tưởng và lắng nghe các giám mục. Theo niềm tin và giáo lý được dạy, đó là những vị chủ chăn được Thiên Chúa gửi đến để chăn dắt họ trong cuộc sống trần thế đầy thử thách trước khi về nước Chúa.

Tuy nhiên lịch sử cho thấy có những vị hoàn thành được sứ mạng trao phó, nhưng cũng có những người bị lên án vì quá thiếu sót trách nhiệm.