Tờ báo Mỹ the New York Times đưa tin nói rằng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, đã rút ngắn chuyến viếng thăm Việt Nam.
Một trong những lý do của việc này được một số nhà phân tích đưa ra đưa ra là Bắc Kinh không hài lòng về chính sách ngoại giao của Việt Nam ngã về các cường quốc như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Lý do cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á cho Kính Hòa đài RFA cuộc trao đổi về chuyện này. Trước tiên ông cho biết.
Trong thời gian qua, sau khi khủng hoảng giàn khoan năm 2014 xảy ra, quan hệ Việt Nam Trung Quốc đã có những cải thiện thể hiện qua những cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai bên. Tuy nhiên, những khúc mắc cơ bản trong quan hệ song phương vẫn còn, đặc biệt là vấn đề biển Đông.
Trong hoàn cảnh đó, hoàn toàn dễ hiểu là Việt Nam tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với các cường quốc chủ chốt trong khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong khi vẫn cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Mục tiêu của Việt Nam là nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam trước Trung Quốc, đặc biệt là trong hồ sơ biển Đông.
Trong thời gian qua những nỗ lực này của Việt Nam đã có những bước tiến triển khá là rõ nét. Thể hiện qua một loạt sự kiện như chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam, tiếp đó là chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ.
Trong thời gian gần đây thì có hai chuyến thăm gây sự chú ý của công đồng quốc tế, là sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Hoa Kỳ. Ông là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Và sau đấy là chuyến thăm cũng của ông Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản.
Trong những chuyến viếng thăm này thì có một điểm đáng chú ý là nội dung về hợp tác quốc phòng giữa hai bên, Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như Việt Nam và Nhật Bản, được nêu bật, đặc biệt là trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hai bên sẽ thảo luận việc để tàu sân bay của Hoa Kỳ vào cảng Cam Ranh. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho Trung Quốc không cảm thấy thoải mái, và rõ ràng là Trung Quốc muốn gây sức ép để Việt Nam không nghiêng quá gần về phía Hoa Kỳ hay Nhật Bản, vì Hoa Kỳ và Nhật Bản là những đối thủ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực này.
Những hoạt động của Việt Nam trên biển đụng chạm tới lợi ích của Trung Quốc và như thường lệ, Trung Quốc sẽ tìm cách để mà ngăn cản các hoạt động này của Việt Nam. <br/> - Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Trong thời gian qua đã có những tiếng nói ở Trung Quốc bày tỏ sự bất bình trước những động thái này của Việt Nam. Ví dụ như trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, có một bài xã luận chỉ trích những hành động ngoại giao này của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu là trong chuyến thăm Việt Nam của ông Phạm Trường Long, phía Trung Quốc nêu lên những vấn đề này. Một số báo đài đã đưa tin là ông Phạm Trường Long khẳng định những đảo trên biển Đông là thuộc Trung Quốc từ thời thượng cổ. Những diễn biến đó cũng như những diễn biến trong quan hệ giữa Việt Nam và các cường quốc như tôi vừa nói, cho thấy là quan hệ song phương vẫn có những mâu thuẫn cơ bản chưa thể giải quyết được.
Bên cạnh đó cũng có những tin tức cho rằng việc này có liên quan đến các hoạt động trên biển giữa hai bên gây ra khúc mắc dẫn tới sự đối đầu. Những thông tin này có lẽ chúng ta cần chờ thêm thời gian.
Một lần nữa chúng ta thấy vấn đề biển Đông là vấn đề mấu chốt dẫn tới căng thẳng.
Kính Hòa: Những thông tin ông nói chưa được kiểm chứng có phải là người ta nói rằng Việt Nam cho phép các công ty nước ngoài tiến hành khai thác ở bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam vào năm 2011 không ạ?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Do chưa có thông tin chính thức nên tôi chưa thể bình luận gì về vấn đề này, nhưng theo tôi hiểu thì trong thời gian qua, Việt Nam có bị một sức ép về việc duy trì tốc độ tăng trưởng nên có bàn luận việc tăng cường khai thác dầu mỏ trên biển Đông.
Những hoạt động của Việt Nam trên biển đụng chạm tới lợi ích của Trung Quốc và như thường lệ, Trung Quốc sẽ tìm cách để mà ngăn cản các hoạt động này của Việt Nam. Vì vậy cũng không có gì khó hiểu nếu như mâu thuẫn trên biển Đông có liên quan đến vấn đề khai thác các nguồn lợi trên biển. Và có lẽ đây là nguyên nhân dẫn tới quyết định của ông Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam.
Thỏa thuận gì giữa VN và TQ
Kính Hòa: Theo thông tin từ Giáo sư Carl Thayer từ học viện quốc phòng Úc thì có khả năng là tướng Phạm Trường Long yêu cầu Việt Nam ngừng việc khai thác dầu ở bãi Tư Chính. Và điều này là phía Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy rằng Việt Nam đã không tuân thủ các thỏa thuận giữa hai đảng.
Ông có bình luận gì về nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, và cái thỏa thuận đạt được giữa hai đảng là gì?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi đồng ý với nhận định của Giáo sư Carl Thayer. Trung Quốc rõ ràng là muốn gây sức ép với Việt Nam để Việt Nam ngừng các hoạt động này. Việc mà họ cho là Việt Nam không tuân thủ thỏa thuận giữa hai đảng, theo tôi có nghĩa là nội dung hai bên không làm phức tạp thêm tình hình.
Cái này nó cũng tùy thuộc vào sự diễn dịch của mỗi bên. Việc Việt Nam hoạt động thăm dò, khai thác dầu trên thềm lục địa của mình, hoàn toàn không làm phức tạp thêm tình hình, vì Việt Nam có chủ quyền trên vùng đó.
Tuy nhiên phía Trung Quốc xem đấy là khu vực tranh chấp, và các hành động như là thăm dò, khai thác dầu đơn phương có thể là hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Kính Hòa: Cũng thông tin từ Giáo sư Carl Thayer thì Trung Quốc đang triển khai 40 tàu và máy bay vận tải đến khu vực khai thác của Việt Nam. Và việc này có khả năng gây ra đụng độ trong vài ngày tới.
Ông nhận định thế nào? Có khả năng diễn ra đụng đọ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không?
Nếu Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình và tiếp tục thăm dò, thì đương nhiên sẽ xảy ra đụng độ với Trung Quốc.<br/> - Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Cái này tôi cũng chưa có thông tin, và chúng ta cần thời gian. Theo tôi hiểu thì các giàn khoan cũng như tàu của Trung Quốc đi từ khu vực đảo Hải Nam xuống cũng cần thời gian. Cho tới lúc này tôi cũng chưa khẳng định được khả năng xảy ra đụng độ hay không.
Tuy nhiên theo như Giáo sư Carl Thayer nhận định, nếu điều đó diễn ra thì nó sẽ là một thử thách rất lớn với quan hệ song phương, có thể ngang bằng hoặc lớn hơn cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014.
Kính Hòa: Nhưng bên cạnh đó, về mặt chính thức, ngoài bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, thì báo chí nhà nước hai bên đều nói về chuyến đi của ông Phạm Trường Long như một sự thành công?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Sự việc đang diễn tiến và những cái đụng độ vẫn chưa xảy ra trên thực tế, cho nên tôi nghĩ là hai bên vẫn đang dàn xếp, hoặc là có các trao đổi để ngăn chận khủng hoảng. Theo tôi nghĩ thì hai bên đều không muốn có sự căng thẳng trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Hai bên đều chưa công bố các thông tin. Ngay cả thông tin ông Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến viếng thăm Việt Nam cũng chưa được các báo chí chính thống của Việt Nam đưa tin. Đấy là một cơ sở cho chúng ta tin rằng hai bên vẫn có mong muốn ngăn chận cái căng thẳng trong thời gian tới để mà giải quyết cho ổn thỏa.
Tuy nhiên tôi nghĩ là sự đụng độ trong thời gian tới có được ngăn chận hay không là một câu hỏi tương đối khó, bởi vì cả hai bên đều khó đưa ra những nhượng bộ. Ví dụ như phía Việt Nam, lâu nay vẫn khẳng định khu vực bãi Tư Chính là thuộc thềm lục địa Việt Nam, và không thuộc khu vực tranh chấp. Nếu bây giờ Trung Quốc đưa các phương tiện tới, ngăn cản những hoạt động thăm dò của Việt Nam thì Việt Nám ẽ xử sự ra sao?
Nếu Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình và tiếp tục thăm dò, thì đương nhiên sẽ xảy ra đụng độ với Trung Quốc.
Trong trường hợp Việt Nam nhường bước, rút các tàu thăm dò của mình thì vô tình mặc nhiên nhìn nhận khu vực đấy ít nhất là khu vực có tranh chấp. Và như vậy sẽ làm phương hại đến các lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Chính vì vậy, trong trường hợp này, tôi nghĩ rất là khó để hóa giải các mâu thuẫn. Vì vậy xác xuất xảy ra căng thẳng nếu Trung Quốc đưa tàu tới đây, sẽ rất là cao.