Global Witness: Cty VN phá rừng ở Lào & Campuchia để trồng cao su

0:00 / 0:00

Tổ chức Global Witness vừa công bố phúc trình về tình hình hai đại công ty của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sang Kampuchia và Lào phá rừng để trồng cao su gây nên những tác hại về môi trường và cuộc sống của người dân địa phương.

Những điểm đáng chú ý trong báo cáo đó là gì? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Những vị vua cao su

Báo cáo có tên “Những vị vua cao su’ (Rubber Barons) dài 49 trang khổ giấy A4 được chính thức công bố vào lúc 7 giờ sáng ngày 13 tháng 5 theo giờ Việt Nam.

Báo cáo chỉ rõ đích danh tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong những tác nhân gây nên cuộc khủng hoảng thu hồi đất đai tại hai quốc gia lân bang là Kampuchia và Lào.

Làm thế nào mà hai tập đoàn này có thể được chính quyền địa phương chuyển nhượng cho những khu đất rừng lớn để chặt gỗ đi lấy đất trồng cao su?

Global Witness nêu ra rằng hai tập đoàn này có mối quan hệ chặt chẽ với tầng lớp chính trị lãnh đạo tham nhũng và giới tài phiệt tại hai quốc gia đó. Chính hai thế lực này là lá chắn vững chắn để HAGL và VRG không bị phạt khi vi phạm các qui định nghiêm ngặt về bảo vệ rừng của nước chủ nhà.

Chúng tôi rất tự tin về những chứng cứ mà chúng tôi thu thập và nêu ra trong báo cáo. Những chứng cứ đó rất mạnh và được thu thập qua những kiểm tra kỹ lưỡng từ cộng đồng. <br/> -Megan MacInnes

Global Witness nhận định rằng do giá cả cao su tăng cao và nhu cầu trên thị trường thế giới đối với mặt hàng cao su cũng mỗi lúc một lớn; đặc biệt là thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng mủ cao su, là những nhân tố khiến những đại công ty như HAGL và VRG tìm sang Kampuchia và Lào để mở rộng đất trồng cao su. Đó là hai nơi mà đất đai còn nhiều trong khi tại Việt Nam thì hầu như không thể mở rộng diện tích cao su được nữa.

Thống kê mà Global Witness đưa ra cho thấy tính đến cuối năm ngoái, Kampuchia đã cho thuê 2 triệu 6 trăm ngàn hecta đất; trong số này gần phân nửa là để để trồng cao su. Lào thì cho thuê ít nhất là 1 triệu 1 trăm ngàn hecta.

Sau khi nhận được giấy phép cho những khu tô nhương, hai tập đoàn HAGL và VRG tiến hành công việc phá rừng lấy đất trồng cây cao su. Việc phá rừng không chỉ nằm trong phạm vi được nhượng mà ra khỏi khu vực đó. Có cáo giác nói HAGL hợp đồng với một tay tài phiệt Kampuchia để khai phá rừng, chế biến gỗ lấy từ khu khai phá đó. Những công ty con của Tập đoàn HAGL dường như đều có mối quan hệ với các quan chức chính phủ của Kampuchia, cũng như hợp tác làm ăn với những nhóm thần thế chuyên đốn gỗ lậu.

Tập đoàn HAGL phá rừng để trồng cao su ở Lào. Courtesy Global Witness.
Tập đoàn HAGL phá rừng để trồng cao su ở Lào. Courtesy Global Witness.

Global Witness nói rằng cơ quan chức năng Lào và Kampuchia cấp giấy phép tô nhượng đất tại quốc gia và họ không tuân thủ luật lệ của chính nước họ. Khi mà cả hai tập đoàn này có những vi phạm luật pháp của nước chủ nhà khi tiến hành hoạt động phá rừng để trồng cao su tại những khu đất tô nhượng như thế, chính quyền sở tại cũng phớt lờ đi, không trừng phạt.

Báo cáo của Global Witness cũng lần đầu tiên phơi bày cho thấy vai trò của những định chế tài chính liên quan hoạt động đất của các tập đoàn như HAGL và VRG tại Kampuchia và Lào.

Theo Global Witness thì Deutsche Bank có cổ phần nhiều triệu đô la trong hai tập đoàn HAGL và VRG. Công ty Tài chính Quốc tế, IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới cũng có khoản đầu tư vào HAGL. Những khoản đầu tư như thế bị lên án là trái ngược lại với những cam kết công khai của cả hai định chế về các mặt đạo đức và phát triển bền vững. Cụ thể IFC hiện đầu tư gần 15 triệu đô la vào một quĩ ở Việt Nam, và quĩ này nắm giữ gần 5% cổ phần của HAGL.

Báo cáo nêu thêm một vài dữ liệu nữa như Deutsche Bank có nhiều mối quan hệ với HAGL, trong đó có 3,4 triệu cổ phần của công ty này trị giá chừng 4,5 triệu đô la. Số cổ phần mà Deutsche Bank nắm tại Công ty Đồng Phú thuộc VRG là 1, 2 triệu cổ phần trị giá 3,3 triệu đô la Mỹ.

Bí mật công ty được cho là một yếu tố quan trọng giúp cho HAGL và VRG che giấu những phần hùn trong các công ty khác, từ đó giúp họ lách qua được những giới hạn mà qui định đề ra.

Tác động

Theo Global Witness thì những hoạt động của hai tập đoàn HAGL và VRG cùng các công ty con, hay dây mơ rễ má trong hoạt động khai thác cao su tại Kampuchia và Lào đang tàn phá cuộc sống của người dân bản xứ và phá hoại môi trường.

Trong thực thế dân chúng địa phương mất đi những diện tích đất và rừng bao la khiến họ phải đối mặt với sự nghèo đói. Những khu rừng thiêng, và đất đai chôn cất của họ của bị phá hủy.

Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề với LHQ để bàn thảo cách thức giải quyết tình hình thu hồi đất không chỉ liên quan hai trường hợp cụ thể HAGL và VRG mà là trên phạm vi toàn cầu. <br/> -Bà Megan MacInnes

Tiếng nói từ phía Global Witness:

Bà Megan MacInnes, tác giả của báo cáo trình bày lại duyên do mà Global Witness biết đến hoạt động của hai tập đoàn HAGL và VRG sang Lào và Kampuchia khai phá rừng ở đó để trồng cao su:

“Khi chúng tôi bắt đầu làm nghiên cứu cho Global Witness về những ‘ông vua cao su’, chúng tôi bắt đầu xem xét đến những tài liệu về những nhà đầu tư cao su lớn tại Kampuchia và Lào. Chúng tôi biết rằng vấn đề các nông trường trồng cao su tại hai nước này đang là một vấn đề ngày càng gia tăng xét về phương diện thu hồi đất, cuộc sống người dân và tình trạng phá rừng. Chúng tôi phát hiện ra Việt Nam là nhà đầu tư lớn về cao su tại cả hai nước Kampuchia và Lào, và những công ty thuộc tập đoàn HAGL và VRG là những đơn vị có vai trò đáng kể nên chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về hai tập đoàn đó.”

Cách thức tiến hành điều tra hoạt động của hai tập đoàn này tại hai nước Kampuchia và Lào được tiến hành ra sao? Bà Megan MacInnes cũng có trình bày:

"Global Witness tiến hành điều tra cho báo cáo 'Những ông vua cao su' trong khoảng thời gian hơn 12 tháng. Hoạt động bao gồm những chuyến đi thực địa đến tại những khu tô nhượng và tại đó chúng tôi nói chuyện với người dân sống gần nơi đó. Chúng tôi sử dụng những tài liệu có sẵn về hai tập đoàn HAGL và VRG. Thế rồi chúng tôi sử dụng các tài liệu liên quan về tô nhượng, về chính sách phát triển cây cao su từ phía ba chính phủ Kampuchia, Lào và Việt Nam."

Đề xuất

Báo cáo của Global Witness cũng nêu rõ hiện còn thiếu những qui định quốc tế nhằm có thể ngăn chặn các công ty và định chế tài chính góp phần gây nên nạn thu hồi đất tại những quốc gia nghèo khó nhất thế giới.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN vận chuyển gỗ ở Campuchia. Courtesy Global Witness.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN vận chuyển gỗ ở Campuchia. Courtesy Global Witness.

Global Witness đề xuất một số hành động cần phải thực hiện. Trước hết nhà cầm quyền hai nước Kampuchia và Lào phải hủy tô nhượng dành cho các công ty được nêu danh là Heng Brother của Kampuchia, CRD, Hoàng Anh Oyadav, Hoang Anh Mang Yang, Krong Buk, Đồng Phú, Đồng Nai, Tân Biên, Hoàng Anh Atapeu, LVFG, HAGL Xekong, và Công ty Việt- Lào. Cả hai chính phủ phải ngưng mọi hoạt động có liên quan đến HAGL và VRG để tiến hành điều tra và khởi tố mọi hoạt động phi pháp khi phát hiện được.

Ngân Hàng Deutsche và Công ty Tài chính Quốc tế IFC cần có những biện pháp khẩn cấp bảo đảm HAGL và VRG tuân thủ những qui định về pháp lý, xã hội và môi trường đề ra. Hai tổ chức tài chính này phải chuyển hết các khoản đầu tư vào HAGL và VRG nếu như hai tập đoàn này không tuân thủ mọi cải sửa trong vòng sáu tháng.

Trong quá trình tiến hành điều tra, người của Global Witness từng đến gặp cả hai tập đoàn HAGL và VRG nêu ra những chứng cứ mà họ có được về tình trạng khai phá rừng để trồng cao su tại những khu tô nhượng ở Kampuchia và Lào; thế nhưng thật dễ hiểu là những bằng chứng không hay cho hai tập đoàn đều bị bác bỏ. Bà Megan MacInnes cũng dự liệu là khi báo cáo ‘Nhưỡng ông vua cao su’ được chính thức công khai, thì hai tập đoàn này cũng sẽ lại bác bỏ; Global Witness biết điều đó nhưng theo như lời của bà Megan Innes thì Global Witness chắc chắn đó là những chứng cứ không thể nào từ chối được và tổ chức này sẽ có những bước tiếp theo:

“Trước hết khi tiến hành làm nghiên cứu, chúng tôi đã liên hệ với HAGL và VRG kể từ tháng 8 năm 2012, trình cho họ những chứng cứ và hỏi biện pháp họ sẽ giải quyết các tình trạng gây nên như thế nào. Cho đến nay họ chưa hề có hành động gì và bác bỏ những vấn đề được nêu ra. Tuy nhiên, chúng tôi rất tự tin về những chứng cứ mà chúng tôi thu thập và nêu ra trong báo cáo. Những chứng cứ đó rất mạnh và được thu thập qua những kiểm tra kỹ lưỡng từ cộng đồng. Những chứng cứ về việc hai tập đoàn này không tuân thủ luật lệ tại Kampuchia và Lào là không thể chối cãi được. Trong những tài liệu công khai được báo tại Thị trường Chứng Khoán London, HAGL cho thấy có những điều không tuân thủ luật pháp tại cả hai nước Lào và Kampuchia, nên chắc chắn họ sẽ không thành công khi bác bỏ những chứng cứ mà chúng tôi nêu ra.

Về những việc sẽ làm sau khi công bố báo cáo, chúng tôi sẽ đến Việt Nam vào đầu tháng sáu này. Chúng tôi hy vọng lúc đó sẽ gặp lại được cả hai tập đoàn để cùng thảo luận về những chứng cứ được nêu ra. Tiếp tục thảo luận những biện pháp mà họ làm để giải quyết những vấn đề gây ra tại Kampuchia và Lào.

Chúng tôi cũng sẽ làm việc về những hoạt động có liên quan đến Deutsche Bank và IFC.

Dĩ nhiên chúng tôi sẽ trình bày vấn đề với Tổ chức Liên Hiệp Quốc để bàn thảo cách thức giải quyết tình hình thu hồi đất không chỉ liên quan hai trường hợp cụ thể HAGL và VRG mà là trên phạm vi toàn cầu. Nêu chú ý là khi so sánh với hai ngành khai khoáng và rừng đã có những qui định chặt chẽ đối với các công ty, thì những ngành công nghiệp như cao su vẫn chưa có những qui định về mặt luật pháp khiến gây quan ngại, do vậy chúng tôi sẽ thúc đẩy những tổ chức quốc tế đưa ra qui định và luật để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai.

Một số đề nghị trước mắt đối với những tập đoàn đang gây ra thảm cảnh cho người dân địa phương khi đất đai bị thu hồi khiến mất phương kế sinh sống là phải bồi thường thỏa đáng cho họ, và các tập đoàn phát triển cây cao su như HAGL và VRG phải tuân thủ các qui định về môi trường và luật pháp trong hoạt động của tập đoàn.”

Xin phép được nhắc lại, Global Witness là tổ chức được thành lập từ năm 1993, trụ sở chính tại London, Anh Quốc. Trong suốt 19 năm qua, Global Witness tiến hành những chiến dịch tiên phong ở những nơi xảy ra các xung đột liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, tham nhũng, môi trường và cả vi phạm quyền con người.

Global Witness tiến hành điều tra và đưa ra ánh sáng tình hình tham nhũng tại những nơi có nguồn tài nguyên phong phú như gỗ, khoáng sản, dầu mỏ, kim cương… Một trong những mục tiêu là ‘giải lời nguyền tài nguyên’, giúp người dân sở tại được hưởng phần công bằng từ nguồn lợi trời cho đó. Ngoài ra việc khai thác phải hợp lý không vì lòng tham mà tận thu đến mức tàn phá như những công ty bị nêu danh trong báo cáo vừa mới công bố của Global Witness.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây.Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.