Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 15 cho đến 19 tháng 9 này sẽ có chuyến thăm chính thức Nhật Bản.
Gia Minh hỏi chuyện ông Âu Minh Dũng, ủy viên ngoại vụ Hiệp hội Người Việt Tỵ nạn tại Nhật Bản, về chuyến đi này. Trước hết ông Âu Minh Dũng đưa ra nhận định vế mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản hiện nay.
Ông Âu Minh Dũng: Rất tốt; thứ nhất vì chính phủ Nhật muốn lôi kéo Việt Nam về phía Nhật Bản, Mỹ để chống lại Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.
Gia Minh: Điều này được thể hiện qua việc gì?
Ông Âu Minh Dũng: Thể hiện qua việc là gần đây chính phủ Nhật đã viện trợ cho Việt Nam 5 chiếc tàu tuần duyên, nhưng mới giao 1 chiếc thôi còn 4 chiếc nữa. Đó là điều mà chính phủ Nhật Bản muốn Việt Nam tăng cường kiểm soát không cho Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Hiện nay chính phủ Nhật Bản đang điều chỉnh Hiến pháp để cho Tự vệ đội Nhật Bản có thể đi hành quân ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, như có thể đi hành quân chung với quân đồng minh trên Biển Đông. Chính phủ Nhật muốn Việt Nam ủng hộ dự luật đó; còn nếu không củng hộ cũng đừng phản đối.
Đó là lý do mà thủ tướng Abe đã mời ông Nguyễn Phú Trọng; lời mời được ông Abe nhờ ông Nguyễn Tấn Dũng chuyển lời khi ông Dũng sang Nhật dự hội nghị các nước Mekong hồi đầu tháng 7. Với sự hiện diện của ông Trọng, Nhật Bản muốn cho Trung Quốc thấy có những liên hệ tốt đẹp với Việt Nam, bằng chứng là người đứng đầu Việt Nam sang Nhật Bản.
Gia Minh: Nhật Bản là nước có nguồn vốn ODA cho Việt Nam rất lớn; nhưng qua một số dự án có 'tai tiếng' về tham nhũng. Vấn đề đó đối với dư luận tại Nhật nay còn chú ý đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA tại Việt Nam ra sao không?
Nhật đã viện trợ cho Việt Nam 5 chiếc tàu tuần duyên, nhưng mới giao 1 chiếc thôi còn 4 chiếc nữa. Đó là điều mà chính phủ Nhật Bản muốn Việt Nam tăng cường kiểm soát không cho Trung Quốc xâm phạm lãnh hải VN
Ông Âu Minh Dũng
Ông Âu Minh Dũng: Thật ra chính phủ Nhật Bản không mờ hồ gì về chuyện Việt Nam tham nhũng, hối lộ. Tiền viện trợ ODA vào túi quan chức, người ta biết hết, biết nhiều lắm; nhưng người ta để đó, không nói. Người ta muốn làm sao ngoài bề mặt về chính trị kéo Việt Nam vào liên minh chống Trung Quốc ở Biển Đông; như vậy là được rồi, còn chuyện tham nhũng, hối lộ thực ra đó là chuyện của Việt Nam. Nếu Việt Nam không chống được tham nhũng, hối lộ thì mất một số tiền. Khi những vụ việc bị lộ ra, bị quốc hội chất vấn thì chính phủ Nhật cũng trình bày với người dân Nhật.
Nếu Việt Nam theo Trung Cộng quá đáng thì Nhật sẽ trình bày vấn đề, còn nếu Việt Nam chống lại Trung Cộng bành trướng ở Biển Đông thì Nhật sẽ bỏ qua. Thực tế là như vậy.
Gia Minh: Lâu nay cử tri Nhật có chất vấn và những người tại Nhật bị tố cáo đã bị xử lý kỷ luật thích đáng, phải không?
Ông Âu Minh Dũng: Quan chức Nhật bản không có tham nhũng trong những vụ ODA của Việt Nam. Đó là những hãng của Nhật chuồi tiền hối lộ cho Việt Nam. Giám đốc của những hãng đó đã từ chức, tự từ chức chứ không phải bị từ chức. Và hãng bị phạt một số tiền theo điều kiện luật kinh tế chứ không bị đi tù; theo luật kinh tế ít có trường hợp bị đi ở tù. Rồi hãng cũng bị mất tiếng vì làm ăn không tốt; có hai ba hãng từng bị giảm thương vụ hàng năm như thế. Công chức và dân biểu Nhật Bản không dinh dáng gì vào ba vụ PMU18 hay ODA gì hết.
Nói thật ra chính phủ Nhật cũng rất cần những vụ biểu tình của mình. Lý do thứ nhất nếu khi nói chuyện với những nhà lãnh đạo cộng sản VN có những trục trặc gì thì họ sẽ nói 'ngay cả dân các ông còn biểu tình chống đối các ông, huống gì chúng tôi
Ông Âu Minh Dũng
Gia Minh: Trở lại với cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản, ngoài những người đến sau năm 1975 vàn những người đi học trước đây và ở lại, sau này có nhiều công nhân sang hợp tác lao động; gần đây có nhiều vụ việc và gần nhất là vụ chém nhau giữa đường; dư luận Nhật lên tiếng thế nào về cộng đồng người Việt ở Nhật?
Ông Âu Minh Dũng: Cộng đồng người Việt mang tiếng từ lâu rồi: đi ăn cắp, ăn trộm, đủ thứ chuyện xấu, chỉ thua Trung Quốc một điều là chưa ăn cướp mà chỉ mới ăn cắp, ăn trộm thôi! Tiếng thì đã xấu quá rồi. Còn vụ mới chém giết nhau dưới Osaka khiến 1 người chết và bị thương 3, 4 người. Cũng là người Việt với nhau. Trong mấy ngày qua, tin tức trên truyền hình Nhật lên hoài, một ngày lên hai, ba lần. Dân Nhật chỉ lắc đầu thôi và người ta nhiều khi cũng trách chính phủ Nhật một chút là cho những người từ các nước Đông Nam Á, kể cả Trung Quốc, vào Nhật làm cho xã hội 'đảo điên'.
Riêng Việt Nam thì mang tiếng từ lâu rồi.
Gia Minh: Là người gốc Việt sống lâu nay ở Nhật bị mang tiếng như vậy, thì cộng đồng có những hoạt động ra sao để giúp ngăn chặn tình trạng có thể nói 'nhục quốc thể' đó?
Ông Âu Minh Dũng: Thật ra tôi chỉ lên tiếng khi có phóng viên Nhật hỏi cảm tưởng của bản thân thì cũng giải thích một số vấn đề cho họ hiểu rằng 'dân tộc Việt Nam chúng tôi không phải như vậy, chỉ có một số ít, con sâu làm rầu nồi canh'.
Bất cứ cộng đồng ở đâu cũng không có thực quyền để ngăn cấm, chỉ có khuyên. Ở Nhật có một tờ báo của Hiệp hội Người Việt tại Nhật đăng lên những bài về những tệ nạn như thế và khuyên đồng bào nên giữ thanh danh cho Việt Nam. Khuyên là một việc còn người ta có nghe theo hay không là việc khác.
Gia Minh: Khi gặp những phái đoàn từ Việt Nam sang, những hội đoàn của người Việt có những đề xuất thế nào không?
Ông Âu Minh Dũng: Mỗi lần ví dụ như lần này ông Nguyễn Phú Trọng sang, đương nhiên đồng bào họp để tổ chức biểu tình phản đối việc đàn áp nhân quyền, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, cộng thêm tội tham nhũng, hối lộ. Mình đi biểu tình phản đối trong khuôn khổ cho phép của pháp luật Nhật Bản.
Nói thật ra chính phủ Nhật cũng rất cần những vụ biểu tình của mình. Lý do thứ nhất nếu khi nói chuyện với những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam có những trục trặc gì thì họ sẽ nói ‘ngay cả dân các ông còn biểu tình chống đối các ông, huống gì chúng tôi’; Còn nếu mọi chuyện êm đẹp thì họ lơ chuyện biểu tình của mình đi.
Chuyện biểu tình là việc mình phải làm để cho dư luận Nhật biết chính quyền Việt Nam hiện nay là như vậy.
Gia Minh: Cám ơn ông Âu Minh Dũng về cuộc phỏng vấn.