Việt Long tường trình những sự kiện liên quan đến buổi lễ này đồng thời nêu ý kiến của cựu đại tá hải quân Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự tòa đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, cùng luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hài lòng về buổi lễ
Đầu năm 1988 Trung Quốc đã chiếm đóng một số bãi và đá của quần đảo Trường Sa, những nơi mà Việt Nam đã công bố chủ quyền từ lâu.
Quân Ủy Trung Ương tại Hà Nội nhận định rằng theo đà này Trung Quốc sẽ chiếm giữ Gac-Ma để khống chế đường tiếp vận cho các đảo có quân đội Việt Nam trú đóng từ thời trước chế độ Việt Nam Cộng Hòa chuyển tiếp sang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Rõ ràng là họ hy sinh cho đất nước, dũng cảm đánh lại bọn xâm lược, thì cái đó không những ta phải hài lòng, hoan nghênh mà còn phải tôn trọng cơ.
Ô. Quách Hải Lượng
Hải quân Việt Nam được lệnh đóng giữ các đảo Gac ma, Collins và Lansdowne để giữ lấy thủy lộ tiếp vận huyết mạch, trong khi Trung Quốc đã tăng gia hoạt động trong vùng biển này với 12 tàu chiến lớn nhỏ.
Tàu chiến Việt Nam đến đảo Len-Đao, đổ bộ và cắm cờ lúc rạng sáng 14 tháng 3 năm 1988. Trong khi đó chiến hạm Việt Nam là HQ-604 và tàu tiếp vận HQ-505 cũng tiến về Gạc-Ma, thả neo, chuẩn bị chiếm lĩnh. Tàu Trung Quốc chạy đến áp sát tàu Việt Nam, gọi loa đuổi đi.
Đêm 13 tháng 3, công binh và bộ đội chiến đấu Việt Nam từ tàu tiếp vận đem vật liệu đồ bộ lên đảo, cắm cờ, tổ chức phòng thủ theo lệnh trung ương. Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi đảo, không được, bèn khai hỏa tấn công. Các tàu Việt Nam chống trả, nhưng Trung Quốc với ưu thế vượt trội về hỏa lực, đã bắn chìm tàu HQ-604, bắn cháy tàu HQ 505 và chiếm mất Gạc-Ma, đồng thời bắn chìm tàu HQ 605 ở đảo Len-Đao. Tàu Trung Quốc chỉ bị hư hại với một số thủy thủ tử thương.
Mất Gac-Ma nhưng Việt Nam vẫn giữ được bãi đá ngầm Collins.
Chúng tôi hỏi ý kiến Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tuỳ viên quân sự của Việt Nam tại Trung Quốc, về lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân hy sinh tại Trường Sa, ông nói:
Ô. Quách Hải Lượng: "Không phải riêng tôi mà tất cả mọi người Việt Nam đều hài lòng cả. Rõ ràng là họ hy sinh cho đất nước, dũng cảm đánh lại bọn xâm lược, thì cái đó không những ta phải hài lòng, hoan nghênh mà còn phải tôn trọng cơ."
Hỏi rằng vì sao đến nay Việt Nam mới tổ chức lễ tưởng niệm cho các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải của tổ quốc, Đại tá Quách Hải Lượng cho biết:
Ô. Quách Hải Lượng: "Tất nhiên cấp chỉ huy có một tiểu ban nhất định nhưng là vì con người mà nên nó còn tùy thuộc ý thức, nhận thức, và còn có vấn đề khác biệt thỉnh thoảng ngăn cản. Thực ra nếu thực hiện được càng sớm thì càng tốt hơn, nhưng mà bởi vì chắc là nó có vấn đề gì đó nên chưa thấy được, thế nhưng bây giờ thấy được là tốt rồi, hoan nghênh. Năm ngoái, năm trước cũng đã có kỷ niệm và cũng đã có địa phương họ làm nhiều thứ khác để kỷ niệm đấy."
Chúng tôi cũng hỏi ý kiến luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, ông phát biểu:
Ô. Lê Hiếu Đằng: "Thật ra cái buổi lễ này là dự kiến cũng đã một thời gian rồi. Theo báo chí cho biết là, nhưng mà không biết sao lại bị ngưng lại, nhưng bây giờ thì đã được tổ chức. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu rất là đáng mừng, vì người Việt Nam mình hy sinh ngay cả năm 1974 với đảo Hoàng Sa, cũng như sau này những chiến sĩ hải quân Quân Đội Nhân Dân của mình hy sinh ở Trường Sa, ở đảo Gạc-Ma, đều cần phải có lễ tưởng niệm cả.
Tôi nhấn mạnh, kể cả những quân đội của chế độ Sài Gòn, tức là Việt Nam Cộng Hòa, hy sinh năm 1974, thì năm ngoái chúng tôi cũng đã tổ chức kỷ niệm chung cho các chiến sĩ đã hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam rồi, thì năm nay dường như binh chủng hải quân họ đứng ra, họ chính thức làm lễ tưởng niệm đó. Tôi nghĩ đó là điều hết sức là tốt. Và điều này nói lên rằng nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam cần phải nhớ ơn đến những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa – Trường Sa, vì sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”
Cần đưa vào chương trình hàng năm
Luật gia Lê Hiếu Đằng không quên nhắc đến những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong trận chiến biên giới 1979 với Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn tiếp tục diển tiến như sau:
Việt Long: Thưa ông, vì lý do nào mà đến bây giờ thì Nhà Nước và Quân Dội Nhân Dân Việt Nam mới tổ chức lễ tưởng niệm cho các chiến sĩ ở Trường Sa? Có phải là vào thời điểm này mới tổ chức thì có ý nghĩa hơn hay không ạ?
Ô. Lê Hiếu Đằng: "À, không phải! Tôi cho rằng từ trước tới giờ mình chưa tổ chức, đó là một cái việc mà chúng ta hết sức như tôi thường nói là vô ơn đối với những người đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, bởi vì bây giờ mới tổ chức thì cũng đã rất chậm rồi, nhưng mà dù sao cũng hơn là không.
Những chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 cũng phải được tưởng niệm, cũng phải đưa vào buổi lễ chính thức của nhà nước Việt Nam.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Tôi nghĩ là cái bối cảnh hiện nay, cái mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc tuy là nhận xét chung như vậy, nhưng mà thực tế là Trung Quốc vẫn tiếp tục phá rối, rồi bắt và giam giữ những ngư dân đánh bắt trên ngư trường truyền thống của chúng ta, hay là ngăn cản việc khai thác dầu khí, thì những việc làm đó nó nói lên là nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn ngang ngược muốn biến Biển Đông thành ao nhà của mình, thì cái đó hết sức là vô lý. Không những Việt Nam mà Philippines và các nước Đông Nam Á khác đều rất là phẫn nộ, và họ chống lại chủ trương này của Trung Quốc. Thì cái bối cảnh quốc tế là như vậy còn trong nước thì hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra chống cái bành trướng xâm lược của Bắc Kinh. Và năm ngoái thì chúng tôi cũng đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm, vì vậy mà tôi nghĩ tình hình thế giới cũng như ở trong nước tác động đến một bộ phận trong chính quyền và buộc họ phải tổ chức lễ tưởng niệm đó.
Tôi nghĩ ngay cả những chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 cũng phải được tưởng niệm, cũng phải đưa vào buổi lễ chính thức của nhà nước Việt Nam để mà tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979. Thì như vậy mới là chúng ta nhớ ơn những người nằm xuống, và những gia đình đã có con em, có thân nhân chết trong cuộc chiến tranh đó, cũng như ở Hoàng Sa và Trường Sa, mới đỡ thấy rằng con em mình chết như vậy nhưng mà nhà nước lại không quan tâm. Mà cái không quan tâm này xuất phát từ việc sợ hãi Trung Quốc! Tôi nghĩ rất là vô lý. Lịch sử là lịch sử, do đó cuộc chiến tranh biên giới cũng như cuộc chiến tranh để mà bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, năm 1974 cũng như năm 1988, đều là những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, vì vậy sự hy sinh của các chiên sĩ phải được chính thức tưởng niệm, phải được chính thức tổ chức. Chứ không phải năm này thì tổ chức rồi năm kia lại không. Cần phải đưa vào chương trình tưởng niệm hàng năm của Việt Nam chúng ta.”
Việt Long: Vâng. Thưa ông, như vậy thì liệu năm nay Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam có thúc giục, có kêu gọi nhà nước và quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức một lễ tưởng niệm cho các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong trận chiến biên giới năm 1979 hay không?
Ô. Lê Hiếu Đằng: "Như tôi đã từng nói, cái hệ thống chính trị hiện nay hết sức là hình thức mà một số nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam công nhận là vừa hình thức vừa bị hành chánh hóa , thành ra chưa chắc là họ xuất phát từ nhu cầu của quần chúng mà họ làm những việc đó. Nhưng mà nếu họ không làm thì nhân dân tự đứng ra làm và tôi nghĩ không ai ngăn cản được cái việc đó. Nhưng mà tôi hy vọng rằng Mặt Trận Tổ Quốc với tư cách là một liên minh chính trị, đại diện nhiều thành phần, nhiều giới, nhiều giai cấp, thì sẽ đứng ra tổ chức việc này, thì rất là thuận tiện. Và tôi nghĩ nếu mà Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam không đứng ra tổ chức thì họ tự đánh mất vai trò của họ và đánh mất ngọn cờ dân tộc hiện nay. Và như vậy thì họ tồn tại một cách hình thức, không tồn tại trong lòng người dân Việt Nam hiện nay."
Việt Long: Cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng. Chúng tôi là phóng viên Việt Long của Đài Á Châu Tự Do từ Washington DC. Xin kính chào ông.
Theo dòng thời sự:
- Người dân mong gì ở chính quyền?
- Ngăn chặn tình trạng lạm quyền của công an
- Bộ phim "Một đời người nghiên cứu Hoàng Sa"
- Ngư dân sợ "Nhân tai" hơn "Thiên tai"
- Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân?
- Việt Nam trước mối đe dọa từ Trung Quốc
- Đảng chọn dân hay chọn Trung Quốc?
- Hiểm họa Phương Bắc
- Giới trẻ bàn về mối quan hệ Việt - Trung