Hai trường hợp cúm gà H5N1 và cúm heo H1N1 gây chết người, đồng thời mối đe dọa H7N9 cũng là cúm gia cầm đột biến có thể lây lan từ Trung Quốc, đang là ưu tư lớn cho hai ngành y tế và thú y của Việt Nam.
Không thể lơ là
Ngày 4/4 bé trai Nguyễn Duy Hoàng Huy 4 tuổi quê Đồng Tháp tử vong vì cúm gia cầm H5N1, xét nghiệm bệnh phẩm của Viện Pasteur TP.HCM xác định điều này. Trước đó ngày 30/3 một nam bệnh nhân 46 tuổi người Yên Bái tử vong tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân chết vì nhiễm vi rút cúm heo H1N1. Loại cúm này cách đây ba năm từng gây đại dịch vì lây từ người sang người, nhưng đến nay độc lực không còn nguy hiểm như cảnh báo lúc đầu và trở thành một loại cúm mùa thông thường.
Ngày 9/4 Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát tín hiệu không thể lơ là với nguy cơ cúm gia cầm H7N9 lây lan từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cho tới lúc này, tại Trung Quốc đã có 28 ca nhiễm bệnh trong đó 9 ca tử vong. Vi rút H7N9 hiện nay được cho là đã biến đổi di truyền với độc lực cao hơn. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng vi rút H7N9 không lây từ người sang người.
Trả lời chúng tôi vào tối 10/4 Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM nhận định rằng, Đối với các điều trị hỗ trợ chung, ba tình huống cho ba con vi rút khác nhau H5N1, H1N1 và H7N9 thì cách đối phó cũng gần gần giống nhau, tức là làm thế nào để hỗ trợ cho bệnh nhân vấn đề hô hấp khi viêm phổi nặng, cũng là tương tự. Ở Việt Nam chắc trong vài ngày tới sẽ có hướng dẫn đối với cúm H7 mới, còn đối với H5, H1 và Corona mới thì đã có hướng dẫn. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền tiếp lời:
“Nói chung tôi thấy ba loại cúm H5N1, H1N1 và bây giờ H7N9 thì đều gây triệu chứng về đường hô hấp và đặc biệt nó diễn tiến nhanh đến viêm phổi, gây ra suy hô hấp cấp. Đối với cúm A hiện nay có hai loại thuốc đang lưu hành trên thị trường là Oseltamivir và Zanamivir, chúng ta biết rõ thuốc đáp ứng với cúm H5 và H1 còn với H7 thì chưa có thông tin nhiều, Nhưng tôi nghĩ rằng, nó cũng là cúm A nên nó cũng có tác dụng theo cơ chế chung.
Tuy nhiên đối với những trường hợp bệnh nặng cần những loại thuốc truyền vào đường tĩnh mạch thì Oseltamivir không có dạng đó chỉ có Zanamivir. Nhưng theo tôi biết cái này cũng chưa được lưu hành trên thị trường. Có một vài loại thuốc mới thì cũng chưa lưu hành rộng rãi, việc điều trị đặc hiệu diệt vi rút đang có vấn đề đó, nếu có loại thuốc truyền tĩnh mạch được thì tốt.”
Theo Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, cơ quan chức năng đã nhanh chóng ban hành các biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn khả năng vi rút cúm H7N9 xâm nhập Việt Nam. Tuy vậy ông trình bày kinh nghiệm cá nhân:
“Cả hai loại cúm H5 và H7 cùng xuất phát từ gia cầm (avian flu), cần tránh tiếp xúc với gia cầm, trong suốt quá trình điều trị H5N1 bây giờ thông tin về H7N9 thì đều có tiếp xúc với gia cầm bệnh. Vấn đề đó rất là quan trọng nếu tránh tiếp xúc với gia cầm thì sẽ giảm bớt khả năng lây nhiễm. Ngày hôm nay trên báo chí có thông tin Bộ Y tế có một số biện pháp như đi kiểm tra vấn đề theo dõi tại các cửa khẩu, hay là về mặt cấm nhập khẩu các loại gia cầm từ Trung Quốc và những biện pháp bình thường vẫn làm đối với H5N1 thì bây giờ củng cố thêm.”
Mối nguy từ TQ
Trở lại trường hợp bé trai 4 tuổi tử vong vì cúm gia cầm H5N1 ở Đồng Tháp. Đây là ca tử vong đầu tiên vì H5N1 trong năm 2013 sau hơn 1 năm không có trường hợp nào xảy ra. Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Văn Đăng Kỳ chuyên gia dịch tễ Cục Thú y Việt Nam nhận định về việc tại sao không có ổ dịch tại địa phương, nhưng khi xét nghiệm mẫu 2 con gà còn sống lấy từ điểm kinh doanh gia cầm, nơi bán gà cho gia đình bé trai bị tử vong ở Đồng Tháp thì kết quả dương tính với vi rút H5N1. TS Văn Đăng Kỳ nói:
“Công bố dịch cúm trên đàn gia cầm đúng là không có công bố dịch, công bố dịch trên người cũng không công bố vì bản thân đấy là trường hợp xảy ra từ 29/3 mà hôm nay 10/4 rồi. Thực ra nếu như có dịch cúm thì đều phải công bố, bản thân không có ổ dịch cúm. Trong giám sát thì tỷ lệ dương tính còn cao hơn ở nhiều địa phương. Cục Thú y có chương trình giám sát 40 điểm ở hơn 200 chợ bán gia cầm sống để nắm chắc tình hình, xét nghiệm gia cầm có dương tính là bình thường ở Việt Nam.”
TS Văn Đăng Kỳ đề nghị tăng cường công tác truyền thông, vì từ năm ngoái đến nay dịch cúm gia cầm ít xảy ra và người dân lơ là mất cảnh giác. TS Kỳ nhắc lại người dân nên ăn thịt đã nấu chín, không nên tiếp xúc hoặc tự giết mổ gia cầm, không dùng thịt gà vịt không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh. Còn người chăn nuôi thì phải tuân hành đúng qui định của chính phủ về kiểm soát dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kể từ năm 2003 tới nay cúm gia cầm H5N1 đã cướp đi sinh mạng của 63 người Việt Nam. Nhưng theo các chuyên gia Việt Nam đã có kinh nghiệm sống chung với cúm gia cầm H5N1, khi cả nước luôn duy trì đàn gia cầm 300 triệu con. Điều lo ngại bây giờ là với đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài 1.400 km và 5 cửa khẩu lớn, sự lây truyền chủng cúm H7N9 đã đột biến và đang gây nguy hiểm ở Trung Quốc thực sự là nguy cơ cao.