Việt Nam đang cân nhắc thời điểm kiện Trung Quốc

0:00 / 0:00

Mới đây một buổi hội thảo về căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được Trung tâm Wilson Center tổ chức ở Washington DC. Diễn giả từ Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao đã có bài phát biểu tại hội thảo. Trong bài phát biểu của mình ông Hoàng Anh Tuấn đã chỉ trích hành động của Trung Quốc và nói rõ gốc rễ của mọi vấn đề nằm ở yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Nhân dịp này, Việt Hà có bài phỏng vấn ông Hoàng Anh Tuấn về những quan điểm của ông đưa ra tại hội thảo.

Việt Hà: T hưa ông, Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một tháng nay rồi. Mỗi ngày chúng ta đều thấy tin tầu Việt Nam có đụng độ với tàu Trung Quốc, nhìn thấy khả năng Việt Nam và Trung Quốc thoát khỏi bế tắc này thế nào?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan vào là hết sức vô lý, tức là đưa vào vùng thềm lục địa của Việt Nam là một hành động xâm lấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm các thỏa thuận ở trong ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc trong ký kết DOC tức là các bên không làm phức tạp tình hình và giải quyết các vấn đề qua thương lượng hòa bình . Chuyện này phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc. Cho đến giờ Trung Quốc vẫn hết sức hung hăng, tìm cách cản phá, đâm vào các tàu thuyền của Việt Nam xua giàn khoan của Trung Quốc khỏi vùng thềm lục địa của Việt Nam. Cho đến lúc này Trung Quốc vẫn rất hung hăng, vẫn tuyên bố là sẽ rút vào ngày 15 tháng 8 và chưa thấy có dấu hiệu nào là Trung Quốc sẽ rút ra vào trước thời hạn này.

Việt Hà: N ếu Trung Quốc không rút giàn khoan vào ngày 15 tháng 8 như họ đã nói. Theo ông Việt Nam còn giải pháp nào để xử lý vấn đề này hay không?

Trong các giải pháp Việt Nam đang theo đuổi thì có giải pháp tính đến có thể phải đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế. Đây là bước đầu tiên nhưng cũng chưa phải là bước cuối cùng.<br/> - TS. Hoàng Anh Tuấn

TS. Hoàng Anh Tuấn: Giải pháp của Việt Nam như Thủ tướng Việt Nam đã nói và các lãnh đạo khác đã nêu và chúng tôi hoàn toàn nhất trí tức là phải tìm tất cả các biện pháp có thể, cơ hội có thể để giải quyết hòa bình việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra. Trong các giải pháp Việt Nam đang theo đuổi thì có giải pháp tính đến có thể phải đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế. Đây là bước đầu tiên nhưng cũng chưa phải là bước cuối cùng.

Việt Hà: Trong bài phát biểu của ông tại Wilson Center ông có nói đến gốc của mọi vấn đề nằm trên đường lưỡi bò của Trung Quốc. Điều này trùng khớp với vụ kiện của Philippine. Theo ông khả năng tham gia vụ kiện của Philippines thế nào hay là sẽ có vụ kiện riêng của mình?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Việc mà khởi kiện thì có nhiều giải pháp khác nhau. Hiện nay chúng ta đang cân nhắc là đưa kiện Trung Quốc vào thời điểm nào cho thích hợp và kiện cách nào để đạt hiệu quả nhất. Trong đó có biện pháp là có thể đứng ra một vụ kiện riêng hoặc tham gia cùng Philippines. Như chúng tôi đã nói gốc rễ là đường lưỡi bò thì phải làm sao để thế giới thấy đường lưỡi bò là phi pháp và không có cơ sở pháp lý. Thì như thế sẽ góp phần giải tỏa các căng thẳng ở trong khu vực biển Đông.

ASEAN và Biển Đông

Việt Hà: Các học giả đều nhận thấy có sự chia rẽ nhất định trong ASEAN về vấn đề Trung Quốc. Mặc dù trong bài phát biểu ông có nói đến rằng là ASEAN đã mạnh tiếng hơn sau vụ giàn khoan 981 vừa rồi. Nhưng nhiều học giả cho rằng ASEAN chưa mạnh tiếng lắm khi chưa chỉ đích danh Trung Quốc mà chỉ nói quan ngại và kêu gọi các bên đưa ra giải pháp hòa bình. Theo ông thì chúng ta còn phải làm gì để ASEAN mạnh tiếng hơn bênh vực Việt Nam hay Philippines khi trường hợp tương tự xảy ra?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Như chúng ta đã thấy, phải gần 20 năm thì ASEAN mới có một tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông. So với các tuyên bố trước của ASEAN thì có thể nói đây là tuyên bố mạnh nhất của ASEAN về biển Đông cho đến nay. Điểm đặc biệt chú ý là trong tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN thì đặc biệt nhất mạnh ASEAN đặc biệt quan ngại về biển Đông. ASEAN không nêu đích danh nhưng họ nhắm vào Trung Quốc. Gọi là các bên kiềm chế nhưng không thể nói là Việt Nam kiềm chế được mà ám chỉ kiềm chế là vào Trung Quốc. Điểm thứ ba là ASEAN cũng nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp, giải quyết các vấn đề ở biển Đông là phải dựa vào luật pháp quốc tế, công ước quốc tế về luật biển 1982 xong sau đó là dựa vào các văn bản của ASEAN và Trung Quốc như DOC và hướng dẫn giải quyết tranh chấp giữa ASEAN với Trung Quốc theo DOC.

Phải gần 20 năm thì ASEAN mới có một tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông. So với các tuyên bố trước của ASEAN thì có thể nói đây là tuyên bố mạnh nhất của ASEAN về biển Đông cho đến nay.<br/> - TS. Hoàng Anh Tuấn<br/> <br/>

Việt Hà: Câu hỏi cuối cùng thưa ông, vấn đề Hoàng Sa thường liên quan giữa hai nước là Việt Nam và Trung Quốc. Có học giả đã nói rằng có lẽ vấn đề biển Đông để giải quyết cho dễ dàng hơn thì Việt Nam nên song phương với Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, vì Trường Sa có liên quan đến nhiều nước hơn. Vụ giàn khoan này giúp ích gì được cho Việt Nam trong việc lôi kéo các nước tham gia giải quyết vấn đề này?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Trung Quốc nói là giải quyết vấn đề Hoàng Sa là vấn đề song phương. Nhưng ngay cả khi chúng ta đề nghị với Trung Quốc ngồi vào để đàm phán song phương để giảm căng thẳng tình hình và Trung quốc đã khước từ đề nghị của chúng ta. Câu chuyện là song phương nhưng tầm ảnh hưởng của nó là chung, nó ảnh hưởng đến ASEAN, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Tất cả các nước khác họ có lợi ích ở trong việc đảm bảo hòa bình ổn định ở khu vực này, có lợi ích trong việc gìn giữ an toàn hàng hải, và có lợi ích đảm bảo an inh biển thì họ quan tâm, và không muốn căng thẳng này ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định chung trong toàn khu vực.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông.