Nguy cơ H7N9 rình rập Việt Nam

0:00 / 0:00

Kể từ khi bị phát hiện lần đầu tiên trên người ở Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua, virut cúm gia cầm H7N9 hiện đã trở thành mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, nước có đường biên giới bộ dài với Trung Quốc, nơi hàng hóa được mua bán vận chuyển qua lại tấp nập mỗi ngày. Mối đe dọa của H7N9 tại Việt Nam được các chuyên gia y tế trong và ngoài nước đánh giá ra sao? Người dân cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm virut H7N9? Đó là chủ đề trong trang tạp chí sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách.

Nguy cơ lây lan sang Việt Nam

Những tháng đầu năm nay, Việt Nam phải đối mặt với một loạt nguy cơ dịch cúm từ cúm heo H1N1 đến cúm gia cầm H5N1 và gần đây nhất virut cúm gia cầm H7N9 mới được phát hiện ở Trung quốc hồi tháng 3 vừa qua.

Trong một hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm A H7N9 tổ chức ở Hà Nội vào trung tuần tháng 4 vừa qua, giới chức y tế Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lây lan của H7N9 vào Việt Nam. Báo chí trong nước trích lời của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định:

Dịch bệnh cúm A H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch rất cao ở Việt Nam. Nguyên nhân là do chủng virut mới cúm A (H7N9) chưa từng gây bệnh cho người có nguồn gốc từ gen virut cúm gia cầm… Bên cạnh đó tình hình tại Trung Quốc liên tục gia tăng, diễn biến phức tạp, rải rác nhiều tỉnh gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lây truyền và không chế dịch. Đặc tính của virut cúm A dễ biến đổi, tính thích nghi cao nên nguy cơ lây nhiễm từ người sang người là có thể xảy ra. Vấn đề vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới hết sức phức tạp khó có khả năng ngăn chặn, việc giao lưu đi lại của người dân giữa hai quốc gia là rất lớn, trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch.

H7N9 hiện đã trở thành mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, nước có đường biên giới bộ dài với Trung Quốc, nơi hàng hóa được mua bán vận chuyển qua lại tấp nập mỗi ngày.

Lây nhiễm virut H7N9 trên người được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3 tại Thượng Hải. Chỉ sau chưa đầy 2 tháng, đã có đến 130 trường hợp được xác định nhiễm H7N9 tại Trung Quốc, trong đó có 31 trường hợp tử vong. Dịch H7N9 đã phát hiện tại 39 thành phố thuộc 10 tỉnh thành của Trung Quốc.

Một nhân viên kiểm dịch lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm tại Trung Quốc hôm 07/4/2013. AFP
Một nhân viên kiểm dịch lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm tại Trung Quốc hôm 07/4/2013. AFP (AFP)

Ông Glenn Thomas, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết WHO rất quan ngại về loại virut này:

Glenn Thomas: hiện những gì mà chúng ta thấy là một loại virut cúm gia cầm lần đầu tiên phát hiện trên người. Điều này làm nó khác biệt với các loại khác mà chúng ta đã biết trước đó.

WHO mới đây nhận định H7N9 là một trong các dòng virut cúm gây chết người nguy hiểm nhất hiện nay và có thể lây nhiễm sang người nhanh hơn các loại virut cúm khác được biết từ năm 2003 đến nay.

Tại Việt Nam hiện vẫn chưa phát hiện được các trường hợp nhiễm virut H7N9 trên người nhưng từ đầu năm đến nay, đã phát hiện các trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) và cúm heo H1N1. Đã có một trường hợp tử vong do nhiễm cúm H5N1 trong năm nay tại Việt Nam. Bác sĩ Takeshi Kasai, Giám Đốc WHO tại Việt Nam cho biết:

BS. Takeshi Kasai: các trường hợp người nhiễm H5N1 là rất hiếm xảy ra và thường chỉ xảy ra rải rác. Bệnh thường được phát hiện ở các nơi có lây lan loại loại virut này, chủ yếu là trong gia cầm. Nó thường được phát hiện trên người do đã có tiếp xúc hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm trong quá khứ. Loại virut này đã lây lan rộng ra nhiều vùng ở đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam. Đó là lý do tại sao chúng ta đôi khi vẫn phát hiện thấy các trường hợp nhiễm bệnh rải rác…. đây là lần đầu tiên chúng tôi xác định có các trường hợp người nhiễm H7N9, chúng tôi vẫn không biết chắc chắn là những người này nhiễm virut từ đâu. Cho đến lúc này vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy H7N9 đã lây truyền từ người sang người. Cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy virut đã được phát hiện bên ngoài vùng Đông Trung Quốc. Chúng tôi cũng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm H7N9 ở Việt Nam.

Thịt bày bán tràn lan trên phố phường thường không qua kiểm dịch. AFP
Thịt bày bán tràn lan trên phố phường thường không qua kiểm dịch. AFP (AFP)

Bác sĩ Kasai cũng đánh giá cao những nỗ lực phòng chống cúm gia cầm H7N9 tại Việt Nam, nhưng ông cũng nhìn nhận những thách thức nhất định:

BS. Takeshi Kasai: đối phó với các dịch bệnh này không dễ dàng, đặc biệt là nếu nó đến từ thiên nhiên, từ động vật. Chúng ta cần một hệ thống giám sát hiệu quả để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh. Điều này đòi hỏi khả năng chẩn đoán bệnh từ bác sĩ, và các cơ sở y tế phải thông báo kịp thời đến giới chức y tế về các trường hợp nhiếm bệnh. Các giới chức y tế cũng phải đánh giá được những nguy cơ và đưa ra quyết định, truyền đạt quyết định đó đến cộng đồng theo cách dễ dàng và dễ hiểu nhất. Thông tin liên lạc là điểm quan trọng, các dịch bệnh như chúng ta đang nói đòi hỏi nỗ lực từ bệnh viện, từ các giới chức y tế mà còn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng. Đó cũng chính là các thành thức mà các nước đang phát triển và một số nước phát triển đang phải đối mặt.

Bộ Y tế Việt Nam mới đây cho biết cần khoảng 115 triệu đô la để đối phó với virut cúm H7N9.

WHO mới đây nhận định H7N9 là một trong các dòng virut cúm gây chết người nguy hiểm nhất hiện nay và có thể lây nhiễm sang người nhanh hơn các loại virut cúm khác được biết từ năm 2003 đến nay

H7N9 nguy hiểm ra sao?

Mặc dù các chuyên gia y tế vẫn chưa thể khẳng định nguồn gốc chính của virut H7N9 nhưng đã có nhiều nghiên cứu tại các chợ gia cầm ở Trung Quốc chỉ ra những nghi ngờ của nguồn gốc virut này từ gà và chim bồ câu. Phát ngôn viên của WHO, ông Glenn Thomas cho biết:

Tranh cổ động chống cúm heo H1N1. h1n1.net image
Tranh cổ động chống cúm heo H1N1. h1n1.net image (h1n1.net image)

Glenn Thomas: vào lúc này đang có các nghiên cứu ở Trung Quốc ở nhiều loại động vật, chủ yếu là gia cầm và chim bồ câu, trong các chợ gia cầm. Vào lúc này, họ thấy virut H7N9 ở gà và một số môi trường xung quanh. Đã có những lo ngại là virut cũng có thể tìm thấy ở chim cút nhưng vẫn chưa chắc chắn. Chúng tôi tin rằng là virut này chưa được tìm thấy trên lợn. Nhưng chúng tôi vẫn cần thêm các nghiên cứu khác nữa. Việc nghiên cứu tìm hiểu nguồn chính của bệnh vẫn là ưu tiên chính.

Đến lúc này các chuyên gia của WHO vẫn khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự lây nhiễm H7N9 trực tiếp từ người sang người. Ông Glenn Thomas nói tiếp:

Glenn Thomas: vào lúc này, chúng tôi không có xác nhận là virut này đã truyền từ người sang người. Đã có những trường hợp những người trong cùng gia đình mắc bệnh nhưng vẫn không có thông tin chắc chắn là virut đã truyền từ người sang người. Có thể là họ đã bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với cùng nguồn bệnh.

Tuy nhiên, hôm 17 tháng 4, WHO cho báo chí biết có một số trường hợp người xét nghiệm dương tính với H7N9 dường như không có tiếp xúc nào với gia cầm. Phát ngôn viên của WHO, Gregory Hartle cho biết dù không có bằng chứng rõ ràng về sự lây nhiễm H7N9 từ người sang người nhưng cũng có thể những người này đã nhiễm virut từ bụi tại các chợ ẩm ướt, hoặc cũng có thể từ nguồn động vật khác không phải gia cầm, mà cũng có thể từ người sang người.

Chúng tôi vẫn chưa biết cách điều trị tốt nhất với H7N9 là gì. Cho đến lúc này, đã có các thông tin từ các phòng thí nghiệm xác nhận loại thuốc chống virut cúm mà chúng ta thường biết đến dưới cái tên Tamiflu có thể điều trị khá hiệu quả cho cả H7N9 và H5N1

BS. Takeshi Kasai

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học quốc tế và Trung Quốc cho thấy virut này có thể biến đổi nhanh chóng làm cho nó có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Theo các nhà khoa học ở Thẩm Quyến một loại protein kết nối H7N9 với các tế bào chủ có thể thay đổi nhanh gấp 8 lần so với virut cúm gia cầm thông thường.

Người nhiễm H7N9 thường không có biểu hiện bệnh ngay lập tức. Thời gian ủ bệnh có thể lên đến 14 ngày trước khi có các dấu hiệu bệnh. Các triệu chứng nhiễm H7N9 bao gồm sốt, ho, khó thở.

Hiện cũng không có vacxin phòng ngừa đối với cúm H7N9. Bác sĩ Takeshi Kasai cho biết việc chữa trị hiệu quả nhất bây giờ đối với H7N9 vẫn là thuốc Tamiflu

BS. Takeshi Kasai: Đối với việc chữa trị, chúng tôi vẫn chưa biết cách điều trị tốt nhất với H7N9 là gì. Cho đến lúc này, đã có các thông tin từ các phòng thí nghiệm xác nhận loại thuốc chống virut cúm mà chúng ta thường biết đến dưới cái tên Tamiflu có thể điều trị khá hiệu quả cho cả H7N9 và H5N1.

Theo các chuyên gia, biện pháp phòng chống bệnh tốt nhất bây giờ đối với mỗi người vẫn là giữ vệ sinh cá nhân. Ông Glenn Thomas, đại diện WHO đưa ra lời khuyên:

Glenn Thomas: chúng tôi vẫn đưa ra các hướng dẫn cơ bản giống như đối với các bệnh dịch trước kia, đó là giữ vệ sinh tay sạch sẽ. Đảm bảo là bạn rửa sạch tay sau khi chế biến thức ăn. Nếu bạn bị ốm, nếu có các dấu hiệu giống cảm cúm hay viêm họng thì nên nhớ che miệng và mũi khi ho hay nhảy mũi để tránh lây lan. Cũng nên nhớ là chỉ nên ăn các thực phẩm thịt đã nấu chín vì chỉ khi nấu chín thì virut mới bị tiêu diệt.

Mặc dù đến lúc này virut H7N9 vẫn chưa được phát hiện ở Việt Nam nhưng theo giới chức WHO rất có thể đã có những trường hợp nhiễm H7N9 chưa được phát hiện ở đâu đó do hệ thống giám sát và phát hiện sớm bệnh tại nhiều nơi chưa đầy đủ.

Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Việt Hà thân mến tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình thứ tư tuần tới.