Tôn trọng nhân quyền?
Trong buổi hội luận kéo dài hơn một tiếng đồng hồ hôm thứ Ba vừa qua, khi được yêu cầu cho biết Việt Nam đã có những tiến bộ nào đáng ghi nhận trong lĩnh vực nhân quyền, nhất là về tự do tôn giáo, ông Phạm Bình Minh nói rằng đã có rất nhiều thay đổi trong 20 năm qua:
Hãy nhìn vào nước Anh vài tuần hay vài tháng trước, chính họ cũng đã thông qua một luật hay quy định để control các vụ đốt phá tại London.
Phạm Bình Minh
“Tôi biết một số người trong phòng này đã đến Việt Nam và đã thấy những thay đổi ở Việt Nam, đặc biệt là từ 1975 đến nay, một điều chưa từng thay đổi đó là cam kết bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nếu các bạn nhìn vào chính sách của Việt Nam, chính sách chúng tôi luôn tập trung vào điều kiện sống tốt hơn cho người dân, đồng thời đi cùng đó là quyền con người, đó là cam kết của chúng tôi. Tất nhiên có những cách tiếp cận khác nhau với quyền con người, vì thế mà hàng năm chúng tôi có các cuộc đối thoại với các nước khác về quyền con người trong đó có Hoa Kỳ.”
Tiếp tục bị chất vấn về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, nhất là việc công an thường mạnh tay trấn áp các tiếng nói bất đồng với chính phủ, ông Phạm Bình Minh đã viện dẫn vụ bạo loạn ở nước Anh hồi đầu tháng 8 khiến sau đó chính quyền phải dùng các biện pháp bị xem là mạnh tay để trấn áp, để chống đỡ cho tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam:
“Như quý vị đều biết, Việt Nam tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, cũng giống Hoa Kỳ… cả quyền chính trị và kinh tế đều bao gồm trong hiến pháp Việt Nam.
Nếu đề cập đến một vài cá nhân thì đúng là cũng giống như nhiều nước, bất cứ ai vi phạm hiến pháp, luật pháp thì họ phải bị xử lý, chịu án tù. Tôi nhớ gần đây chúng tôi có đối thoại với Anh, họ có nói đến việc chúng tôi control các cuộc biểu tình, nhưng hãy nhìn vào nước Anh vài tuần hay vài tháng trước, chính họ cũng đã thông qua một luật hay quy định để control các vụ đốt phá tại London.
Cho nên nếu bạn có vấn đề về an ninh thì bạn phải có biện pháp, cho nên đó là bình thường, nhưng chúng tôi tôn trọng nhân quyền trên mọi khía cạnh vì chúng tôi là thành viên của công ước quốc tế về nhân quyền.”
Về vấn đề chính quyền Việt Nam bị tố cáo đàn áp tín đồ Công giáo qua vụ Cồn Dầu hồi tháng 5/2010 đã khiến Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm, giáo dân lúc đó tố cáo công an đánh chết người trong lễ an táng một cụ bà ở giáo xứ Cồn Dầu Đà Nẵng; ông Phạm Bình Minh trả lời rằng vụ Cồn Dầu là tranh chấp đất đai và chính phủ Việt Nam không đàn áp tôn giao.
Việt Nam vẫn là nước cộng sản
Khi được cử tọa đề nghị cho biết chính sách của nhà nước Việt Nam đối với người Việt hải ngoại, những người phải bỏ nước ra đi sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam nói rằng:
Chúng tôi có đảng cộng sản, trong đại hội đảng chúng tôi đã áp dụng cơ chế thị trường vì nó phù hợp với sự phát triển của Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn là một nước cộng sản.
Phạm Bình Minh
“Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, hiện có nhiều việt kiều đã trở về VN để thăm họ hàng bạn bè và làm ăn, có một số vẫn chưa muốn về vì chúng ta biết là có cuộc chiến việt nam cho nên vẫn còn những hiểu lầm và hận thù cho nên chúng ta hiểu lý do nhưng chúng tôi luôn chào đón họ chở về Việt Nam, tất cả mọi người.”
Cũng trong buổi hội thoại này, khi một cử tọa đặt câu hỏi rằng: “Theo đánh giá của cá nhân ông thì Việt Nam hiện nay thực sự là một quốc gia theo Cộng sản hay Tư Bản?”, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh cười và trả lời:
“Câu này khó đây, chúng tôi có đảng cộng sản, trong đại hội đảng chúng tôi đã áp dụng cơ chế thị trường vì nó phù hợp với sự phát triển của Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn là một nước cộng sản như tên nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Tưởng cũng xin được nhắc lại, người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam có mặt tại New York để tham dự phiên họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Đây là chuyến công du Hoa Kỳ lần đầu tiên của ông Phạm Bình Minh trong cương vị Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam.