Quốc hội Việt Nam sẽ không thảo luận Dự luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 11 khai mạc vào 21/3/2016 sắp tới như dự kiến. Lý do vì Chính phủ chưa thể hoàn chỉnh Dự luật và chuyển sang Quốc hội. Như vậy một quyền hiến định của người dân tiếp tục bị trì hoãn từ 70 năm qua.
Nhận định về việc người dân Việt Nam không biết đến bao giờ mới có thể thực hiện quyền phản đối một cách hợp pháp qua Luật Biều tình, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon trình bày quan điểm:
“Ý kiến cá nhân, tôi đã nhiều lần đề nghị là những quyền hiến định không nên để bị treo đến 70 năm mà không có luật và cứ chung chung... Cho nên tôi cho rằng còn có những luật cần phải ra đời trong đó có Luật Biểu tình, Luật Lập hội và quyền được cung cấp thông tin ..v..v.. Đó là một số luật cần phải có để thực hiện quyền dân chủ đầy đủ mà Hiến pháp 2013 cũng đã qui định tiến bộ hơn nhiều so với trước. Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc việc cần phải ra những luật như vậy hết sức cấp thiết…”
Quyền biểu tình cũng như nhiều quyền cơ bản của công dân được qui định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, kể từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới Hiến pháp gần đây nhất 2013. Điều 25 của Hiến pháp 2013 khẳng định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định.
Dự luật Biểu tình đã nhiều lần bị trì hoãn, mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay từ năm 2011 từng xác định Việt Nam cần có Luật Biểu tình để quản lý hoạt động này. Nhu cầu luật hóa một quyền cơ bản của công dân đã được ghi trong Hiến pháp là tối cần thiết, nhất là trong vài năm qua hàng trăm cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã xảy ra ở Việt Nam theo lời kêu gọi của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, hoặc tự phát hoặc bị giật dây không rõ nguồn gốc. Điển hình là các cuộc biểu tình hồi tháng 5/2014 để phản đối hành động của Trung Quốc, đưa giàn khoan Hải dương 981 vào thăm dò khai thác bên trong thềm lục địa của Việt Nam, ngoài khơi Quảng Ngãi.
Ý kiến cá nhân, tôi đã nhiều lần đề nghị là những quyền hiến định không nên để bị treo đến 70 năm mà không có luật và cứ chung chung... <br/> - Luật sư Trần Quốc Thuận
Nếu như có Luật, thì cuộc biểu tình của hàng chục ngàn công nhân vào trung tuần tháng 5/2014 có thể đã diễn ra một cách ôn hòa hơn, không theo cách bị kích động bạo lực, đốt phá hàng trăm công ty của người Hoa ở Đồng Nai, Bình Dương và nghiêm trọng nhất là ở Khu Kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh gây thương vong cho 150 công nhân Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đã phải bồi thường thiệt hại cho các công ty nước ngoài mà phần lớn là Trung Quốc và Đài Loan cả trăm tỷ đồng.
Bên cạnh những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, còn là những cuộc biểu tình của dân oan mất đất, người bị oan sai và đình công biểu tình của người lao động đòi quyền lợi. Người dân bức bách thì cứ rủ nhau biểu tình vì là quyền hiến định, chuyện không có luật là chuyện của Quốc hội.
Đường đi gập ghềnh của Dự luật Biểu tình và sự hoãn đi hoãn lại, đầu năm 2016 cử tri Việt Nam những tưởng Quốc hội khóa 13 trước khi mãn nhiệm sẽ thông qua Luật Biểu tình. Nhưng cuối cùng mọi việc vẫn như cũ, Chính phủ một lần nữa xin hoãn mà không nói rõ khi nào sẽ trình Dự luật qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong phiên họp ngày 17/2/2016 vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chấp thuận đề xuất này và yêu cầu trình Dự luật đúng lịch trình. Cá nhân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phê phán Chính phủ là làm việc thiếu nghiêm túc.
Dầu vậy trong cuộc họp báo, sau phiên họp thường kỳ ngày 29/2/2016 tại Hà Nội của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ông Nguyễn Khắc Định đã cho biết là, sau khi được tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý cho hoãn trình Dự luật Biều tình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chưa hoàn tất Dự luật Biều tình để trình ra kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13 dự kiến khai mạc ngày 21/3/2016 sắp tới. Như vậy việc xem xét Dự luật Biểu tình sẽ thuộc thẩm quyền Quốc hội Khóa 14 sắp tới và bao giờ có Luật là điều chưa rõ.
Bất chấp việc chưa có Luật Biểu tình thực ra từ mấy năm qua đã diễn ra làn sóng biểu tình liên tục ở Trung Nam Bắc.<br/> - TS Phạm Chí Dũng
Thông tin nghị trường cho biết, Ủy ban soạn thảo Dự luật Biểu tình do Bộ Công an chủ trì đã hoàn tất công việc. Tuy nhiên trong nội bộ Chính phủ không có sự thống nhất quan điểm và còn nhiều ý kiến tranh cãi như thẩm quyền cấp phép và chế tài. Bộ Quốc phòng có ý kiến phản đối mạnh mẽ nhất việc ra Luật Biểu tình, vì cho là không nên có sự đổi mới chính trị quá mức. Ngoài ra Bộ Quốc phòng viện dẫn các vấn đề an ninh quốc gia và yêu cầu tiếp tục quản lý việc tụ họp đông người qua Nghị định thay vì Luật. Những chi tiết này được ông Nguyễn Kim Khoa Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội tiết lộ trong phiên họp ngày 17/2/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và báo mạng Một Thế Giới tường thuật lại. Đại biểu Khoa cũng phản bác quan điểm của Bộ Quốc phòng, theo lời ông luật hóa quyền biểu tình là thực thi Hiến pháp chứ không phải là đổi mới chính trị.
TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập một tổ chức xã hội dân sự tự phát, từ Saigon nói với chúng tôi về điều gọi là nguyên nhân chủ yếu của việc trì hoãn Dự luật biểu tình, cho dù Chính phủ có thể soạn thảo nó với thật nhiều thủ tục để hạn chế quyền biểu tình.
“Thực ra vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau chỉ là một lý do rất là bề mặt. Lý do sâu xa thực chất ở Việt Nam có hàng triệu dân oan, hàng trăm ngàn nạn nhân về môi trường. Tất cả những thành phần như vậy họ đều muốn phản ứng đối với nhà nước về những chính sách bất cập và gây hậu quả nghiêm trọng đối với vấn đề sinh kế, mưu sinh và môi trường của họ. Thành thử không có gì ngạc nhiên việc nhà nước rất sợ những thành phần dân oan, nạn nhân môi trường hay gần đây là tiểu thương biểu tình. Bất chấp việc chưa có Luật Biểu tình thực ra từ mấy năm qua đã diễn ra làn sóng biểu tình liên tục ở Trung Nam Bắc. Năm 2015 vừa rồi đã chính thức hình thành phong trào cứu lấy dân oan ba miền, những người này thường xuyên kéo tới trụ sở văn phòng tiếp dân ở Ngô Thời Nhiệm Hà Nội…”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và một số đại biểu đã có nhiều phát biểu mạnh mẽ và được cho là hợp lòng dân trong thời gian gần đây, đặc biệt có ý kiến đòi chế tài những người có trách nhiệm trong việc chậm trễ trình dự Luật Biểu tình.
Nhìn từ bên ngoài có thể thấy sinh hoạt nghị trường bớt nhàm chán hơn, nhưng sự nâng cao vai trò Quốc hội trong sự cân bằng ba nhánh quyền lực Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp để tiến tới thịnh vượng và dân chủ lại là một câu chuyện khác. Vấn đề mà các nhà quan sát coi là một đề xuất hấp dẫn nằm trên vạch xuất phát của con đường thiên lý.