Ngoại giao Việt nam trong cái bóng của đảng

0:00 / 0:00

Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Giáo sư Vũ Tường thuộc khoa chính trị Đại học Oregon, Hoa Kỳ, về sự ảnh hưởng của đảng cộng sản lên nền ngoại giao của Việt nam nhân sự kiện này. Cuộc phỏng vấn do Kính Hòa thực hiện.

Kính Hòa: Câu hỏi đặt ra là có phải rằng cứ mỗi lần có một đại hội quan tọng của đảng cộng sản Việt nam thì lại có một đặc phái viên của đảng cộng sản Trung quốc hay là một đoàn viên chức đảng cộng sản Trung quốc sang Việt nam hay không?

Giáo sư Vũ Tường: Vâng chuyện đó cũng đã xảy ra trong quá khứ, và lần này mình cũng nghĩ là họ làm như vậy.

Kính Hòa: Cũng có ý cho rằng ngoài cái thông lệ đó, nếu đúng như vậy, thì lần này cũng có nguyên do là sự căng thẳng tăng lên trên biển Đông, Giáo sư có nghĩ như vậy không?

Thái độ của Việt nam vừa qua là khá yếu ớt trong vụ kiện ăn theo Philippines. Việt nam không đứng tên chính trong vụ kiện, mà chỉ ăn theo thôi cho nên tôi thấy là yếu ớt

Giáo sư Vũ tường

Giáo sư Vũ Tường: Tôi không nghĩ như vậy, vì cái thái độ của Việt nam vừa qua là khá yếu ớt trong vụ kiện ăn theo Philippines. Việt nam không đứng tên chính trong vụ kiện, mà chỉ ăn theo thôi cho nên tôi thấy là yếu ớt.

Trung quốc họ quan tâm nhiều đến việc Việt nam mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Nga,… hơn là cái vụ kiện vừa rồi.

Kính Hòa: So với quan hệ Trung quốc và ASEAN thì quan hệ Việt nam Trung quốc còn có thêm một kênh là kênh đảng cộng sản. Giáo sư có thấy là cái kênh này có làm cho Việt nam thuận lợi hơn không?

Giáo sư Vũ Tường: Anh hỏi không rõ lắm, dễ dàng đối với ai ạ? Với Trung quốc hay với Việt nam, hay là sao ạ?

Kính Hòa: Tức là Việt nam sẽ dễ dàng sắp xếp các căng thẳng đối đầu với Trung quốc hơn là các nước ASEAN không?

Giáo sư Vũ Tường: Vâng thì nó có thêm một kênh để các lãnh đạo Việt nam nếu họ muốn gây tác động lên chính trị Trung quốc. Họ có thể nghĩ là họ có thêm một kênh ngoài kênh ngoại giao chính thống, thì họ có thêm những cái kênh qua bên đảng hay quân đội thì họ có sự cộng tác khá thân giữa quân đội trung quốc và quân đội Việt nam, hay là bên công an.

Có những quan hệ đó làm các nhà lãnh đạo Việt nam họ có thể tác động nhiều hơn đối với chính sách của Trung quốc.

Nhưng mà tôi nghĩ là cái đó không chắc vì có thể là Trung quốc họ có những mối quan hệ thân về mặt đảng hay quân đội, nhưng khi cần thì chính sách của họ cũng phải theo đuổi những mục tiêu quốc gia của họ.

Kính Hòa: Có thể nghĩ tương tự như vậy về phía Việt nam không? Tức là dù có những quan hệ về mặt đảng như vậy, nhưng Viejt nam sẽ cứng rắn hơn khi đụng chạm tới những quan hệ quốc gia? Chẳng hạn như trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Chí Vịnh cũng khá là cứng rắn đối với mối quan hệ với Trung quốc?

Việt nam có vẻ như là chia ra nhóm ông Thủ tướng, ông Tổng bí thư, v.v…và các nhóm lợi ích khác nhau. Thế nên ở Việt nam quyền lực nó phân tán hơn, vì vậy quyền lợi quốc gia có thể bị các nhóm lợi ích họ khuynh đảo, không được thống nhất như bên TQ

Giáo sư Vũ tường

Giáo sư Vũ tường: Dạ vâng anh có thể nghĩ như vậy. Nhưng hệ thống Việt nam nó phân quyền mạnh hơn hệ thống của Trung quốc, Trung quốc tập quyền hơn, nên mình có thể nghĩ là đối với Trung quốc thì quyền lợi quốc gia được nhấn mạnh hơn, thống nhất hơn đối với quyền lợi của đảng. Còn Việt nam có vẻ như là chia ra nhóm ông Thủ tướng, ông Tổng bí thư, v.v… và các nhóm lợi ích khác nhau. Thế nên ở Việt nam quyền lực nó phân tán hơn, vì vậy quyền lợi quốc gia có thể bị các nhóm lợi ích họ khuynh đảo, không được thống nhất như bên Trung quốc.

Kính Hòa: Điều đó có nghĩa là sức nặng của đảng cộng sản Việt nam nhẹ hơn trong việc ảnh hưởng đến đời sống chính trị cũng như đối ngoại so với bên Trung quốc phải không ạ?

Giáo sư Vũ Tường: Không ạ! Ý tôi không nói là sức nặng của đảng cộng sản Việt nam trong hệ thống chính trị nó nhẹ hơn. Ý tôi nói là ở Việt nam đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhưng nó chia rẽ nhiều hơn. Cho nên quyền lực quốc gia bị phân tán, quyền lợi quốc gia bị các nhóm lợi ích khuynh đảo. Chư không phải cái vị thế của đảng cộng sản Việt nam yếu hơn so với vị thế của đảng cộng sản trung quốc.

Kính Hòa: Xin giáo sư cho câu hỏi cuối là chúng ta đều biết tầm quan trọng của đảng, cũng như những người bên đảng trong vấn đề đối ngoại, theo giáo sư thì hiện nay ở Việt nam những người bên đảng nắm đối ngoại có ảnh hưởng nhiều đến Bộ ngoại giao Việt nam không ạ?

Giáo sư Vũ Tường: Ảnh hưởng nhiều chứ! Họ là những người quyết định các vấn đề ngoại giao chứ không phải Bộ ngoại giao.

Bộ ngoại giao Việt nam thì có thể đề đạt ý kiến, tham gia các cuộc thảo luận, nhưng cuối cùng thì chỉ có trong phạm vi bộ chính trị quyết định với nhau thôi. Và trong bộ chính trị thì những người bên đảng, bên quân đội, hay công an, họ nắm quyền rất lớn và họ chiếm đa số trong bộ chính trị. Cho nên là quan điểm của họ thể hiện rõ nét trong chính sách ngoại giao hơn là của Bộ ngoại giao.

Kính Hòa: Điều đó có nghĩa là nếu ông Phạm Bình Minh là ủy viên Bộ chính trị thì Bộ ngoại giao sẽ có sức nặng hơn?

Giáo sư Vũ Tường: Hơn một chút, nhưng ông Phạm Bình Minh vẫn cô thế trong bộ chính trị. Bộ chính trị họ vẫn theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, mà đa số vẫn là những người bên công an, quân đội, đảng. Ông Phạm Bình Minh mà có vào được bộ chính trị thì có thể là có thêm một tiếng nói tốt nhưng mà cũng chưa đủ so với phía bên kia.

Kính Hòa: cám ơn Giáo sư đã dành thì giờ cho buổi phỏng vấn này.