Nợ công Việt Nam ở mức nguy cấp

0:00 / 0:00

Ngân hàng ADB vừa công bố nợ công của Việt Nam dự báo sẽ tăng tới mức 60%, tức là gần chạm ngưỡng an toàn 65%. Chính phủ Việt Nam luôn đưa ra một con số thấp hơn, trong khi các chuyên gia kinh tế thì cảnh báo về một tỷ lệ được cho là báo động, hơn 100% tổng sản phẩm GDP. Tại sao lại có những con số khác biệt như vậy và khả năng trả nợ của Việt Nam ra sao?

Hồi cuối tháng 3, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Dominic Mellor, đưa ra cảnh báo rằng nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2016 sẽ là 60% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Lý do đưa ra là nguồn thu của Việt Nam bị tác động do việc chính phủ giảm thuế cho doanh nghiệp, miễn thuế cho các doanh nghiệp ưu tiên, dỡ bỏ hàng rào thuế quan và giá dầu giảm.

Chính phủ Việt Nam luôn đưa ra một con số về nợ công thấp hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế và giới quan sát. Theo báo cáo của chính phủ, tính đến cuối năm 2013, nợ công của Việt Nam bằng 54,2% GDP. Con số này tiến dần tới mức 60% vào cuối năm 2014.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo rằng nợ công của Việt Nam đã vượt ngưỡng an toàn 65%. Từ năm 2011, ông Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc, ước tính nợ công Việt Nam đã lên tới 106%.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích về sự khác biệt như sau:

T.S. Lê Đăng Doanh: Việt Nam công bố nợ công nhưng không bao giờ bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước có thể bảo trợ hay là cho vay hoặc bảo lãnh để cho doanh nghiệp nhà nước vay. Thực tế thì một số doanh nghiệp nhà nước như Vinashin nếu như không trả được nợ thì nhà nước đã phải đứng ra trả nợ thay.

Việt Nam công bố nợ công nhưng không bao giờ bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước có thể bảo trợ hay là cho vay hoặc bảo lãnh để cho doanh nghiệp nhà nước vay

T.S. Lê Đăng Doanh

Theo ông Lê Đăng Doanh, tỷ lệ ngân sách dùng để trả nợ công sang năm 2015 khoảng 282.000 tỷ đồng, tương đương 31% tổng thu ngân sách. Trong khi chi thường xuyên ngân sách khoảng 72%. Các con số này cộng lại là hơn 100% tổng thu ngân sách.

Tình hình nợ “đáng báo động”

Nợ công cao hơn tổng sản phẩm quốc nội không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Để so sánh, tính đến năm ngoái, tỷ lệ nợ công của Trung Quốc cũng lên tới 250% GDP, của Mỹ là 260% trong khi đó Nhật Bản đứng đầu thế giới ở mức hơn 400% GDP.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cảnh báo tình hình nợ đáng báo động của Việt Nam hiện nay, theo ông là “trong thời gian qua đã tăng rất nhanh”. Ông nói:

Nguyễn Quang A: Những khoản nợ của Việt Nam thường là ODA, thường là vay trong 20-30 năm, tức là mỗi năm chỉ phải trả một phần, nhưng nó quá lớn thì phần phải trả gốc cộng với lãi có thể lớn tới mức nguồn thu của chính phủ không đủ.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhận định rằng với tình hình nợ công và nợ xấu của Việt Nam hiện nay, khả năng vỡ nợ của Việt Nam là không xa. Ông cho biết:

T.S. Phạm Chí Dũng: Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên tới ít nhất 25 tỷ đôla, tức là khoảng 500 nghìn tỷ đồng. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã phải thừa nhận như vậy vào tháng 11 năm ngoái. Nếu không giải quyết được vấn đề nợ xấu thì không giải quyết được vấn đề chuyển động của nền kinh tế và càng không có tiền để trả nợ nước ngoài. Không nói đâu xa, tới tháng 6 này mà các ngân hàng không bán được ít nhất 60% nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia, dù chỉ trên giấy tờ, thì tình hình càng khó khăn hơn. Công ty này cũng không biết bán cho ai, chỉ biết phát hành trái phiếu thôi.

Nếu không giải quyết được vấn đề nợ xấu thì không giải quyết được vấn đề chuyển động của nền kinh tế và càng không có tiền để trả nợ nước ngoài

T.S. Phạm Chí Dũng

GDP ‘tăng ảo’

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng một quốc gia cần có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có nhiều khoản thu ngân sách thì mới có thể đối phó được tình trạng nợ công vượt quá 65%.

Giữa bối cảnh này, chính phủ Việt Nam cho biết tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý một của Việt Nam là 6,02%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt dấu chấm hỏi về tính xác thực của thông tin kể trên. Bằng chứng họ đưa ra là trong quý một xuất khẩu giảm, giá dầu thế giới giảm tới hơn một nửa, trong khi đó nghỉ Tết ở Việt Nam thì dài và lễ tết nhiều. Ông Phạm Chí Dũng nói:

T.S. Phạm Chí Dũng: Trong bối cảnh giá dầu thô giảm 55%, giá gạo giảm 35%. Chưa bao giờ Việt Nam lại bế tắc về xuất khẩu gạo như hiện nay, làm sao GDP tăng 6,02% được. Trong suốt năm 2014 và trong ba tháng đầu năm 2015, tôi chưa nhận thấy bất kỳ tia sáng nào cho nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chí Dũng cho biết có ba giải pháp cho chính phủ Việt Nam để cứu giúp nền kinh tế. Theo ông đó là phát hành trái phiếu, yêu cầu các doanh nghiệp đóng góp hoặc vay mượn nước ngoài. Tuy nhiên, ông Dũng nói cả ba phương án này đều không có khả năng thành hiện thực.