Trước khả năng chính quyền Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về vụ giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, nhiều ý kiến từ giới học giả trí thức cho rằng nhà nước phải nhanh chóng hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng 1958 về việc công nhận lãnh hải Trung Quốc.
Khúc xương mắc nghẹn
Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 từng được coi là một khúc xương mắc nghẹn của Việt Nam. Lúc đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải 12 hải lý tính từ đất liền, kể cả các hải đảo như Tây Sa và Nam Sa tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 14/9/1958, ông Phạm Văn Đồng Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã gởi công hàm ngoại giao tán thành tuyên bố đó của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Sau này Phía Trung Quốc đã sử dụng công hàm Phạm Văn Đồng như một lợi thế trong mọi tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam.
Qua vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 bất hợp pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi, hôm 23/5/2014 lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo chính thức ở Hà Nội để biện giải công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị. Công luận Việt Nam đưa ra rất nhiều ý kiến tranh cãi phản biện về nội dung công hàm Phạm Văn Đồng và về cách thức làm thế nào để vô hiệu hóa giá trị của nó.
Chúng tôi ghi nhận ý kiến mới nhất của học giả Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu biển Đông hiện sống và làm việc ở Sài Gòn. Ông nói:
Hiệp định Geneve 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, rõ ràng là một bên từ vĩ tuyến 17 trở ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; một bên từ vĩ tuyến 17 trở vào là Việt Nam Cộng Hòa. Rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì có tư cách gì mà nói đến. <br/> -Thạc sĩ Hoàng Việt
“Dù là người phát ngôn Bộ Ngoại giao hay là Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thì đều không có giá trị, phải có một Nghị quyết của Quốc hội phủ nhận hoàn toàn công hàm Phạm Văn Đồng thì mới có thể đấu lại Trung Quốc. Còn công hàm Phạm Văn Đồng đúng hay sai thì kiện ra tòa các nhà luật học sẽ chứng minh công hàm đó đúng hay sai ở mức độ nào trong từng thời điểm của lịch sử. Tôi nghĩ rằng tôi không bênh Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhưng như tôi đã thường nói cái ý thức hệ đồng chí anh em nó đã khiến cho những người lãnh đạo Việt Nam đã phải ký cái công hàm này thì đó là cái giá phải trả rất lớn mà đến ngày hôm nay không rút được kinh nghiệm thì Việt Nam sẽ còn trả những cái giá lớn hơn mất trọn biển Đông.”
Một trong các luận điểm được nhiều học giả Việt Nam và nay cũng là luận điểm của giới chức chính phủ Việt Nam để hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng 1958. Đó là miền Bắc vào thời điểm 1954-1975 không có thẩm quyền gì đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do miền Nam tức quốc gia Việt Nam Cộng Hòa quản lý và không thể cho người khác cái gì mà bạn chưa có được. Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông đã kiên trì với lập luận của mình:
“Không có ông nào ở miền Bắc lúc đó có quyền nói về công nhận Hoàng Sa Trường Sa được cả. Bởi vì lúc đó theo Hiệp định Geneve 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, rõ ràng là một bên từ vĩ tuyến 17 trở ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; một bên từ vĩ tuyến 17 trở vào là Việt Nam Cộng Hòa. Rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì có tư cách gì mà nói đến.”
Đề nghị vô hiệu hóa công hàm PVĐ
Ngày 26/5/2014 ông Trương Nhân Tuấn, một người Việt Nam cư trú ở Pháp đã gởi thư không niêm cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh để góp ý là, các luận cứ của giới chức chính phủ và nhiều học giả khác có thể bất lợi và khó thuyết phục về việc công hàm Phạm Văn Đồng 1958 không có giá trị. Ông Tuấn viện dẫn Hiệp định Geneve 1954 xác nhận Việt Nam là nhà nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất và được tái xác nhận theo Hiệp định Paris 1973. Theo Hiệp định Geneve 1954, Việt Nam là một quốc gia nhưng tạm thời bị phân chia, trong khi chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Từ quan điểm này, ông Trương Nhân Tuấn đề nghị vô hiệu hóa công hàm Phạm Văn Đồng.
Trong dịp trả lời Gia Minh đài ACTD, ông Trương Nhân Tuấn phát biểu:
“Trên tinh thần một nước Việt Nam “độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” của các hiệp ước 1954 và 1973, thì bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa), nếu có làm tổn hại đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoảng thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.”
Rất khác biệt với ý kiến của ông Trương Nhân Tuấn, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng một nhà hoạt động xã hội dân sự từ Đà Nẵng nhận định:
“Lẽ ra mình phải làm ngay chuyện này trước, tức là hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng. Thứ hai là phải thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa để chúng ta có tuyên bố chủ quyền liên tục từ 1954 tới 1975 vì chủ quyền Hoàng Sa từ 1954 tới 1975 Việt Nam Dân Chủ Công Hòa ở phía Bắc không có tuyên bố chủ quyền. Cho nên hai điều quan trọng nhất là phải hóa giải cho được công hàm Phạm Văn Đồng, tức là phải tuyên bố rõ với thế giới là công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị, thứ nhất là không được Quốc hội thông qua. Thứ hai là trong hoàn cảnh VNDCCH phía Bắc đã không sở hữu quần đảo Hoàng Sa này. Và thứ ba để có một tuyên bố chủ quyền liên tục, để tiến tới kiện thì phải có tuyên bố với thế giới, có văn bản thừa nhận chính quyền VNCH. Phải có những tiền đề rồi sau đó cùng với các nước ASEAN, cụ thể là những nước có tranh chấp như Philippines, Malaysia, Indonesia. Những chuyện về các hòn đảo thì mình bàn trước đi để thống nhất tạo một cái luật chơi.”
Công luận Việt Nam, từ báo chí chính thức đến các diễn đàn xã hội đều cho thấy nhà nước Việt Nam phải đặt ưu tiên số một về việc hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng, còn làm thế nào để vô hiệu hóa nó thì sự tranh cãi vẫn đang tiếp tục. Liệu Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc hay không trước khi thực sự hóa giải được công hàm Phạm Văn Đồng 1958.