Kinh tế Việt Nam nửa cuối năm: Điểm đáng chú ý

Với nhiều lo lắng hơn là lạc quan trong nửa đầu năm, liệu kinh tế Việt Nam nửa cuối năm sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn và những chính sách điều tiết của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng.

0:00 / 0:00

Bước sang quý 3 với những kết quả ảm đạm, trong đó, tình trạng công ty phá sản, giải thể lên tới gần 30,000, hàng tồn kho ứ đọng chiếm quá một phần tư tổng lượng hàng hóa, dòng tín dụng cho các doanh nghiệp bị nghẽn mạch và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên tới 9 - 10%, kinh tế Việt Nam được ví là “vừa nín thở vừa bước qua khó khăn.” Mục tiêu lớn là tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm đã không đạt được chỉ tiêu 6 - 6,5%, vì thế, nửa cuối năm, gánh nặng đạt được mục tiêu này chắc chắn rất nhiều thách thức.

Thế nhưng, trên bình diện khác, mục tiêu lớn nhất là khống chế lạm phát về một con số xem ra khả quan, khi chỉ số giá hàng tiêu dùng giảm mạnh, đồng thời, Chính phủ cũng đã bắt đầu áp dụng những bước cắt giảm lãi suất, khơi thông dòng vốn.

Lạc quan cho doanh nghiệp

Siêu thị ở Hà Nội. RFA photo.
Siêu thị ở Hà Nội. RFA photo.

Hẳn thắc mắc mà nhiều người đang tự đặt ra là liệu 6 tháng cuối năm, đám mây u ám bao trùm lên các doanh nghiệp có được cải thiện hay không? Đặt câu hỏi này với TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng phân tích của Viện Kinh tế – Xã hội Hà Nội, chúng tôi được ông cho biết:

“Bức tranh về doanh nghiệp thì trong vòng 1-2 tháng nữa, trong quý 3 vẫn có thể còn khó khăn do nối tiếp của quý 1 và quý 2, nhưng sang quý 4 thì sẽ khá hơn, sáng sủa hơn, do gắn liền với xu hướng hạ thấp nhanh lãi suất cho vay, cũng như việc mở rộng đầu tư công hay giải ngân các dự án trước đây đang bị đình trệ. Cùng với nữa là xu hướng các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Nên triển vọng cuối năm, đặc biệt là quý 4 sẽ có nhiều dấu ấn và động thái chuyển sáng tốt hơn so với những quý đầu năm.”

TS Nguyễn Minh Phong

Tuy nhiên, theo phân tích của TS Nguyễn Minh Phong, để doanh nghiệp có được viễn cảnh lạc quan hơn, thì biện pháp tháo gỡ khó khăn phải đến từ cả hai phía, vừa từ Nhà nước và vừa từ chính bản thân các doanh nghiệp. Nhà nước phải giảm 3 gánh nặng chính cho doanh nghiệp đó là nghĩa vụ tài chính hay những khoản thuế đóng góp, gánh nặng lãi suất, để doanh nghiệp có vốn làm ăn và gánh nặng về thể chế chính sách. Theo giới phân tích, trong 4 tháng trở lại đây, Chính phủ liên tục giảm cả lãi suất huy động lẫn cho vay, và gần đây nhất là quyết định hạ lãi suất những khoản vay cũ xuống khoảng 15%, thì đây là một tín hiệu đáng mừng.

Trong khi đó, bản thân phía doanh nghiệp cũng phải “tự cứu mình” bằng cách “cắt lỗ,” rà soát lại các sản phẩm bị ứ đọng và phải thay đổi tư duy chụp giật, lấy việc an toàn và hiệu quả làm tiêu chí đầu tiên trong vấn đề xác định những hoạt động trong tương lai.

Giảm lãi suất, mở rộng tín dụng

Ngân hàng nhà nước Việt Nam. RFA
Ngân hàng nhà nước Việt Nam. RFA (RFA)

Trong khi nguồn tín dụng, vốn vay vẫn đang là rào cản chính đối với các doanh nghiệp, thì ở chiều ngược lại, ngân hàng lại không dám cho vay tiền ra vì lo sợ nợ xấu tiếp tục tăng cao. Vòng luẩn quẩn doanh nghiệp thiếu tiền kinh doanh, ngân hàng thừa tiền nhưng mất lòng tin vẫn chưa được giải quyết. Theo TS Nguyễn Minh Phong để khắc phục điều này, Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng giảm lãi suất cho vay và mở rộng tín dụng ở những lĩnh vực trọng điểm, trong khi vẫn tiếp tục kiểm soát sát sao hoạt động này ở những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản hoặc chứng khoán:

“Tiền thì nhiều nhưng ngân hàng không dám cho vay vì sợ nợ xấu tiếp tục tăng lên, các doanh nghiệp không dám vay vì sợ trả lãi suất cao cũng như những hợp đồng sản xuất mới, và nợ xấu trên thực tế thay vì 3,3% hay 3,5% như thông báo trước đây, thì Thống đốc nói lên tới 10%. Nếu tiếp tục cho vay như cũ, theo cả định hướng cơ cấu cũng như mức độ lãi suất như cũ thì chắc chắn sẽ tiếp tục tích lũy các nợ xấu này.

Ngân hàng Nhà nước vừa rồi tiến hành điều chỉnh khá mềm dẻo và đúng hướng, giảm lãi suất cho vay, nới rộng cho vay ở những lĩnh vực khác, tiếp tục thắt chặt cho vay ở những lĩnh vực không cần thiết và tăng cường kiểm soát hơn những ngân hàng có nợ xấu cao.”

Chưa rơi vào giảm phát

Hàng hóa chất cao trong một siêu thị ở Hà Nội hôm 11/6/2012. RFA photo
Hàng hóa chất cao trong một siêu thị ở Hà Nội hôm 11/6/2012. RFA photo (Hàng hóa chất cao trong một siêu thị ở Hà Nội hôm 11/6/2012. RFA photo )

Ngoài phải giải quyết hai mảng chính là tín dụng nghẽn mạch và nợ xấu gia tăng, thì vấn đề lạm phát cũng vẫn là trọng tâm chính trong chính sách vĩ mô nửa cuối năm nay. Mặc dù, lần đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng âm trong vòng 38 tháng, nhưng theo nhiều nhà phân tích thì nền kinh tế vẫn chưa rơi vào giảm phát. Lạm phát 6 tháng đầu năm so với cuối năm ngoái, tăng chỉ dưới 3%, tuy vậy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì vẫn còn ở mức trên 12%, hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng giảm trong đầu năm chủ yếu gắn liền với tổng cầu trong nước sụt giảm.

Vấn đề đang làm Chính phủ đau đầu chính là lượng tiền tín dụng và lượng tiền ngân hàng Nhà nước bơm ra nhiều, nhưng không vào đến doanh nghiệp, không vào đến người dân, vì thế nó không góp phần vào làm tăng khả năng thanh toán của người dân cũng như của doanh nghiệp, khiến tình trạng ứ đọng hàng hóa và người dân thì thắt chặt chi tiêu do bị sức ép về thất nghiệp hoặc giảm thu nhập. Những lý do này, khiến cho hàng hóa không tăng lên chứ không phải là bị giảm. Rõ ràng, nếu so với các nước khác CPI chỉ ở mức 2%, thì Việt Nam vẫn ở mức cao. Chưa kể còn một số mặt hàng như điện, nước, tiền giá thuê nhà và một số mặt hàng khác cơ bản vẫn có xu hướng gia tăng. Vì lẽ đó, nếu cho rằng Việt Nam rơi vào giảm phát có lẽ còn quá sớm.

Cần chú ý gì?

Ngân hàng Vietcombank ở Hà Nội. AFP Photo/ Hoang Dinh Nam.
Ngân hàng Vietcombank ở Hà Nội. AFP Photo/ Hoang Dinh Nam.

Vậy những chính sách vĩ mô trong nửa cuối năm sẽ được Chính phủ tập trung hướng tới cũng như Việt Nam cần phải lưu ý gì khi thực hiện các biện pháp này, TS Nguyễn Minh Phong kết luận:

“Chúng tôi cho rằng có những điểm cần phải hết sức lưu ý. Một là, chống cực đoan về chính sách đặc biệt là từ thắt chặt sang nới lỏng một cách tùy tiện, những luồng vốn trong tháng tới phải được chuyển vào đúng đối tượng và trong đúng địa bàn, với các điều kiện cần thiết để đảm bảo tăng trưởng chứ không phải nuôi dưỡng hoạt động đầu cơ hay những ấp ủ nguy hiểm bùng nổ trong thời gian qua.

TS Nguyễn Minh Phong

Thứ hai nữa, là phải đặc biệt chú ý khắc phục lợi ích nhóm hay tư duy nhiệm kỳ và cả duy ý chí từ giờ cho đến cuối năm.

Thứ ba nữa, cần phải giảm thật nhanh 3 gánh nặng cho doanh nghiệp, gánh nặng về mặt nghĩa vụ tài chính, gánh nặng lãi suất, gánh nặng về mặt thể chế, những gánh nặng trung gian, những chi phí bôi trơn gắn liền với nhũng nhiễu của quan chức, bộ máy, cũng như những thủ tục. Đó là những điểm nhấn từ nay cho đến cuối năm, nếu làm tốt như vậy, thì nửa cuối năm sẽ tốt hơn nửa đầu năm.”

Có thể nói kinh tế Việt Nam năm nay là một trong những năm rất khó khăn, vẫn còn rất lớn sức ép của đề án tái cấu trúc nền kinh tế cũng như vấn đề liên quan đến xử lý lợi ích nhóm và chống tham nhũng. Thêm vào đó, khu vực tư nhân phải đóng vai trò là động lực và trở thành ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Kết luận trên của nhiều vị chuyên gia cao cấp chắc chắn là lời nhắc nhở về món nợ mà Chính phủ Việt Nam còn dang dở khi kết thúc năm nay.

Theo dòng thời sự: