Cơ hội vàng cho VN?
Trong báo cáo thường niên 2014 mang tên "Những ràng buộc đối với tăng trưởng", VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suy giảm nghiêm trọng trong năm nay với mức độ tăng trưởng dự báo giảm từ 1,65% đến 0,92% so với mục tiêu tăng trưởng ban đầu 5,8% mà Quốc hội thông qua cho năm 2014. Theo T.S Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR thì "dự báo là mất hơn 1% tăng trưởng quý giá của chúng ta, tới đây, chúng ta phải chịu đựng khó khăn gian khổ để ứng phó với người láng giềng ứng xử xấu như vậy." Được biết, bản báo cáo trên sử dụng các mô hình và đo ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ Trung Quốc hay từ các doanh nghiệp FDI khác.
Trên thực tế, trong thời gian qua, liên tục báo chí trong nước lẫn nước ngoài đều có những bài phân tích với sự lo lắng của giới đầu tư nước ngoài sẽ rút ra khỏi Việt Nam vì những bất ổn chính trị, khiến kinh tế Việt Nam sẽ chịu những thiệt hại lớn từ góc độ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn nữa, tình hình bất ổn cũng xảy đến sau những vụ bạo động diễn ra ở các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp nước ngoài có vốn FDI tại Vũng Áng, Hà Tĩnh hay tại Bình Dương.
Việt Nam hiện nay có quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế trên thế giới và nếu như Trung Quốc ngừng xuất khẩu các linh kiện đó cho Việt Nam thì Việt Nam cũng có thể tìm kiếm linh kiên thay thế ở các thị trường khác...<br/> - T.S Lê Đăng Doanh <br/> <br/>
Tuy nhiên, mới đây, khi nhận xét về những tác động tiêu cực mà Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt khi xung đột với Trung Quốc xảy ra, T.S Lê Đăng Doanh đã ví von "trong họa có phúc, trong nguy có cơ" bởi theo ông, đây sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam sẽ có một vị thế cân bằng hơn đối với Trung Quốc:
Việt Nam hiện nay có quan hệ thương mại rất là bất bình đẳng với Trung Quốc. Việt Nam xuất khẩu năm 2013 sang Trung Quốc là 13 tỷ 360 triệu đô la, chủ yếu là các sản phẩm nông sản và sản phẩm thô. Trong khi đó Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là 36 tỷ 960 triệu đô la và chủ yếu là các nguyên vật liệu cho may mặc, da giày, và các trang thiết bị cho các nhà máy điện cũng như là các nhà máy khác.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam thì chỉ bằng 1% xuất khẩu của Trung Quốc thôi, còn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm đến 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy cho nên chắc chắn nếu như mà Trung Quốc có những biện pháp cấm vận hoặc hạn chế xuất khẩu sang Việt Nam thì Việt Nam sẽ chịu những thiệt hại tương đối nặng nề trong thời gian nhất định.
Tuy vậy, trong họa cũng có phúc, trong nguy cũng có cơ. Việt Nam hiện nay có quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế trên thế giới và nếu như Trung Quốc ngừng xuất khẩu các linh kiện đó cho Việt Nam thì Việt Nam cũng có thể tìm kiếm linh kiên thay thế ở các thị trường khác, và sau đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục; kinh tế Việt Nam sẽ có một vị thế cân bằng hơn đối với Trung Quốc.
Theo giới học giả, hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên đây sẽ là thời điểm để Việt Nam "giảm phụ thuộc". Nếu nhìn vào cán cân thương mại, giá trị nhập khẩu từ Việt Nam thường gấp đến 2-3 lần giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc và không có dấu hiệu thu hẹp. Hơn thế nữa, mới đây Chính phủ 2 nước dự kiến sẽ tăng kim ngạch hai chiều lên 60 tỷ đô la vào năm 2015 vì thế cán cân thương mại Việt Nam càng bị thâm hụt hơn là điều khó tránh khỏi, do đó, trong "họa có phúc" là xung đột trên biển Đông sẽ là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi nhập siêu từ Hoa Lục và có thêm nhiều bạn hàng khác.
Quan hệ bất bình đẳng với TQ
Trên góc độ đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, có thể thấy, FDI của nước này vào Việt Nam không nhiều so với các nước trong khu vực, Trung Quốc vẫn đứng sau Nhật, Singapore, Hàn Quốc. Đồng thời, khi đầu tư vào Việt Nam, FDI của họ không mang lại nhiều ngoại tệ cho Việt Nam như các đối tác khác, mà họ lại hưởng lợi cao hơn rất nhiều so với những nhà đầu tư nước ngoài: từ chuyện công nhân Trung Quốc tràn ngập các khu làng Việt Nam hay họ đưa sang Việt Nam các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, điều này được thấy rõ nhất qua các dự án đấu thầu trọn gói EPC mà nhiều học giả Việt Nam cảnh báo:
Hầu hết các dự án Việt Nam đưa ra đấu thầu thường rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, trong các công trình lớn thì phải đến 90% là rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, gây ra rất nhiều hệ lụy, trước hết, nó tước đoạt đi những cơ hội của các công ty Việt Nam, tranh việc làm của các công ty Việt Nam.
Thường họ bỏ thầu với giá thấp để thắng thầu, nhưng khi họ thắng thầu rồi họ tìm cách trì hoãn và đội giá lên, nhiều công trình khi chào ban đầu thì thấp hơn nhưng trên thực tế khi thực hiện thì cao vọt hơn hẳn, cao hơn cả những nhà thầu của các nước phương Tây có công nghệ, thiết bị hiện đại hơn.
Hơn nữa, họ thường làm kéo dài tiến độ, càng kéo dài, càng gây tổn thất cho Việt Nam về nhiều mặt, làm cho Việt Nam mất đơn mất kép. Sau khi công trình đã hoàn thành rồi Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào họ như bảo dưỡng, vật liệu thay thế.
Hầu hết các dự án Việt Nam đưa ra đấu thầu thường rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, trong các công trình lớn thì phải đến 90% là rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, gây ra rất nhiều hệ lụy... <br/> - Nhà kinh tế Phạm Chi Lan
Vừa rồi là lời phân tích của nhà kinh tế độc lập Phạm Chi Lan trong một lần trao đổi trước đây với chúng tôi về những thiệt thòi mà Việt Nam thường đối mặt khi làm ăn với Trung Quốc. Cũng theo bà Phạm Chi Lan khi trả lời phỏng vấn truyền thông những ngày gần đây thì xung đột từ vụ giàn khoan HD981 sẽ là động lực và ý chí để Việt Nam giải quyết các vấn đề vốn tồn tại dai dẳng nhiều năm qua như: việc người Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, loại bỏ các nhà thầu Trung Quốc với những dự án FDI hạ giá bất kể chất lượng và không tôn trọng các chỉ tiêu nội địa hóa của Việt Nam.
Nếu xâu chuỗi vấn đề kinh tế với chuyện xâm chiếm lãnh hải, đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam từ mấy năm qua không có gì khởi sắc, có thể thấy dự tính GDP Việt Nam sẽ giảm 1% trong năm nay không phải là không có cơ sở, nhưng “tái ông mất ngựa” trong rủi có may, người ta cho rằng đây sẽ là lúc Việt Nam xem xét lại mình trong vấn đề tái cơ cấu kinh tế, phát huy nội lực, mở rộng giao thương.
Hầu hết các học giả và giới phân tích kinh tế cho rằng Trung Quốc đúng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhưng họ không phải là đối tác duy nhất và bền vững nhất. Việt Nam của gần 30 năm sau thời mở cửa đã có đến 240 bạn hàng quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam tham gia nhiều tổ chức thương mại quốc tế: WTO và trong tương lai là TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN. Vì lẽ đó, mọi người đều cho rằng dù trở ngại kinh tế trước mắt là không thể tránh khỏi, nhưng về lâu về dài, đây lại là liều thuốc để Việt Nam dành lại thế cân bằng thương mại và khẳng định chủ quyền quốc gia, toàn vẹn dân tộc là điều quan trọng hơn bất kể thứ gì.