Nhóm học viên Pháp Luân Công Việt Nam sang Trung Quốc hồi đầu tháng 7 rồi đi đến 15 tỉnh thành tại đó, trước khi bị bắt ở Bắc Kinh hồi ngày 6 tháng 9 và bị trục xuất về nước. Nhóm 6 người nữ về Hà Nội hôm ngày 7 tháng 9 bằng máy bay của hãng Hàng không Việt Nam. Nhóm 6 người nam bị đưa bằng máy bay xuống miền nam và rồi xe hơi đưa đến biên giới Móng Cái hồi ngày 11 tháng 9 vừa qua.
Gia Minh hỏi chuyện ba người trong nhóm 6 người nam mới trở về gồm ông Vũ Hồng Tố, anh Phạm Văn Hảo và anh Nguyễn Văn Kiệm. Trước hết ông Vũ Hồng Tố nói lại mục tiêu của chuyến đi.
Ông Vũ Hồng Tố: Mục đích của chúng tôi là sang Bắc Kinh để đến Thiên An Môn để giăng các biểu ngữ nói với thế giới là tà Đảng ác với Pháp Luân Công. Chúng tôi chưa giăng được nhưng nhiều người cũng biết được thông tin đó. Chúng tôi được thả ra nhờ sự bảo hộ của Phật Pháp.
Gia Minh: Vì sao 6 người nữ được trả về ngay ngày hôm sau, còn 6 người nam gần 5 hôm sau mới được trả về?
Ông Vũ Hồng Tố: Chúng tôi 6 người nam không có giấy tờ gì, còn 6 người nữ thì họ có giấy tờ.
Gia Minh: Không có giấy tờ làm sao đi được từ Mong Cái cho đến Bắc Kinh?
Ông Vũ Hồng Tố: Như anh biết người Việt Nam qua Trung Quốc không có giấy tờ người ta vẫn đi được. Chúng tôi cũng lần tìm được đường cần đi, và được sự bảo trợ của Phật Pháp chúng tôi có thể qua được những cửa ải mà người thường không thể qua được.
Gia Minh: Vậy đoàn đi qua được những địa điểm nào ở Trung Quốc mà quen thuộc mọi người có thể biết, xin ông nhắc lại?
Ông Vũ Hồng Tố: Chúng tôi đi qua chừng 15 tỉnh, thành của Trung Quốc. Tôi không nhớ rõ, nhờ anh bạn của tôi nhắc lại.
Anh Phạm Văn Hảo: Qua biên giới chúng tôi đến Nam Ninh, qua Quảng Châu, hàng Châu, Quí Châu, Nam Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Trường Xuân... rồi đến Bắc Kinh. Ngay lúc này thì không nhớ hết.
Gia Minh: Thầy giáo Vũ Hồng Tố vừa nói muốn sang Trung Quốc nói lên sự thật về sự đàn áp với Pháp Luân Công, nhưng mục tiêu đạt đến đâu?
Anh Phạm Văn Hảo: Thật ra mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đến Thiên An Môn để giăng biểu ngữ. Biểu ngữ lớn nhất của chúng tôi là 'Chân tướng Pháp Luân Công là tử huyệt của tà đảng Cộng sản Trung Quốc'. Ngoài ra còn có các biểu ngữ khác nữa. Khi đến đó chúng tôi cũng muốn kêu gọi những người đồng tu khác đến. Tuy chưa đạt được mục tiêu đó nhưng khi đến Bắc Kinh chúng tôi cũng đã phổ biến khá rộng rãi. Chúng tôi bị bắt trước khi làm việc đó.
Gia Minh: Hôm vừa rồi chúng tôi có nói chuyện với một trong 6 người nữ và họ cho biết những người nam bị đánh nhiều, vậy ông cho biết bị đánh thế nào?
Anh Phạm Văn Hảo: Lúc đầu mới vào họ đánh rất dữ. Anh Nguyễn Doãn Kiên ngay từ đầu bị đánh đập khá nặng tay. Bản thân tôi bị họ dùng chai nước đánh vào mặt và các bạn tôi cũng bị thế. Sau đó họ đưa chúng tôi đến đồn công an tiếp tục đánh đập và trói tay chúng tôi khá đau. Họ tiếp tục thẩm vấn hỏi nhưng chúng tôi cương quyết không trả lời. Đến 11 giờ họ đưa chúng tôi đến một trại giam và sáng ra buộc chúng tôi phải mặc áo tù nhân. Họ giam chúng tôi ở đó 5 ngày. Trong thời gian đó chúng tôi tuyệt thực, không ăn uống gì. Họ dùng hình thức cưỡng bức ăn uống qua đường mũi. Chúng tôi thật kinh hoàng. Hình thức này chúng tôi trước đây biết được qua mạng là họ sử dụng để bách hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Nay chúng tôi bị thì thấy mức độ như thế nào! Họ buộc chúng tôi ngồi trên ghế sắt và có còng chặn. Họ không làm trực tiếp mà sai những tù nhân khác giữ tay chân chúng tôi rồi lấy ống nhựa đưa vào đường mũi và đưa thức ăn vào cổ họng. Cứ hai ngày họ làm việc đó một lần.
Gia Minh: Sức khỏe của mọi người lúc này thế nào?
Anh Phạm Văn Hảo: Anh Nguyễn Văn Kiệm bị nặng nhất đây.
Gia Minh: Xin anh cho biết trường hợp của anh
Anh Nguyễn Văn Kiệm: Khi họ tràn vào bắt chúng tôi đi ra ngoài tôi la to lên bằng tiếng Trung chống Trung Cộng; họ sợ nên khiêng tôi vào và đánh vào tay tôi đến nay tay bầm tím và còn đau.
Gia Minh: Cám ơn mọi người và chúc khỏe.