Kêu cứu cho học viên Pháp Luân Công VN bị bắt ở TQ

Nghe bài nàyOpens in new window ]

Nhóm 6 nữ học viên Pháp Luân Công Việt Nam từ Trung Quốc trở về sau khi bị bắt giữ, đánh đập tại Bắc Kinh bắt đầu gõ cửa các cơ quan ngoại giao giải quyết vụ việc của họ cũng như yêu cầu trả tự do cho 6 nam đồng tu mà họ cho đang còn bị giam giữ tại Trung Quốc. Gia Minh cập nhật thông tin.

Gõ cửa các cơ quan ngoại giao

Sau khi về đến Việt nam được bốn ngày, vào sáng ngày 11 tháng 9, nhóm sáu nữ học viên pháp luân công cùng bốn đồng tu khác đã đến tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trình bày vụ việc của họ và sáu đồng tu nam khác mà theo họ còn đang bị công an Bắc Kinh giam giữ.

Bà Hồng, một trong những người thuộc nhóm trở về, cho biết thông tin liên quan như sau:

Sáng nay chúng tôi có 10 người cùng đi, trong đó có sáu người chúng tôi và 4 người cùng học Pháp chung. Thân nhân của những người còn bên Trung Quốc chưa có ai đi cùng. Chúng tôi đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và người bảo vệ nối máy cho nói chuyện với anh Ngọc, Cục Quản lý Người Việt Nam. Anh ta bảo để lại đơn, tư liệu gồm ảnh của nhóm 12 người cùng đi. Anh ta sẽ xem xét, rồi điện sang Đại sứ Quán Trung Quốc để hỏi xem và sẽ trả lời sau càng sớm càng tốt.

Những người đầu tiên gặp tại Phòng số 2, Đại sứ quán Trung Quốc nói là bên phía Việt Nam phải sang Đại sứ quán Trung Quốc, họ nói với chúng tôi phải bay sang Bắc Kinh trình với Đại sứ quán VN rồi phía Việt Nam làm việc với Trung Quốc

Bà Hồng

Những người đầu tiên gặp tại Phòng số 2, Đại sứ quán Trung Quốc nói là bên phía Việt Nam phải sang Đại sứ quán Trung Quốc, họ nói với chúng tôi phải bay sang Bắc Kinh trình với Đại sứ quán Việt Nam rồi phía Việt Nam làm việc với Trung Quốc. Tôi nói không có ai làm ăn như các anh cả, vậy đại sứ quán của các anh đặt tại Việt Nam không có giá trị gì sao! Làm ăn như thế chúng tôi không chấp nhận. Sau đó chúng tôi cầm đơn đi ra ngoài đứng ở cửa thì có một ông cùng bảo vệ đi xe về, tôi nghĩ ông này cấp cũng lớn. Ông ta có tiếp nhận hồ sơ và nói sẽ gửi về bên Đại sứ quán Trung Quốc. Ông ta ghi lại số điện thoại của chúng tôi và nói sẽ trả lời sau. Chúng tôi hỏi tên nhưng ông không cho, số điện thoại cũng không.

Sức khỏe của sáu người vẫn còn mệt mỏi, bị đánh cũng bị đau, cô người nhỏ cũng ốm đau; nhưng vấn đề này nhỏ, vấn đề là 6 người còn lại bên kia. Bây giờ cũng chưa biết gia đình họ ở đâu.

Theo văn bản được nhóm sáu nữ học viên Pháp Luân Công từ Trung Quốc trở về công khai trên mạng Internet gọi là ‘Đơn kiện-thỉnh nguyện cho 6 đệ tử Pháp Luân Công Việt Nam hiện đang bị cảnh sát giam giữ ở Bắc Kinh- Trung Quốc’ thì những người đó gồm các anh Vũ Hồng Tố 44 tuổi, Phạm Xuân Giao 40 tuổi, Nguyễn Tăng Lượng 33 tuổi, Nguyễn Doãn Kiên 31 tuổi, Nguyễn Văn Kiệm 30 tuổi,Phạm Văn Hảo 27 tuổi.

Vợ của anh Nguyễn Doãn Kiên cho biết gia đình đã nhận được tin và cũng đang theo kênh ngoại giao để có thể đưa anh này trở về Việt Nam:

Thông tin chính xác 6 người đàn ông chưa về Việt Nam, 6 người nữ đã về. Chi tiết thế nào chưa biết thế nào nên chưa thể bình luận. Gia đình cũng có động thái để liên lạc, liên hệ thế nào; chứ tình hình chưa tiến triển gì nhiều.

Trả lời của ngoại giao Việt Nam

Vào chiều ngày 10 và sáng ngày 11 tháng 9, chúng tôi gọi điện đến Phòng Chính Trị Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh để tìm hiểu thông tin mà nhóm 6 nữ học viên Pháp Luân Công thông báo; một viên chức tại đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh cho biết vẫn chưa nhận được tin tức gì theo như điều mà chúng tôi trình bày. Hướng giải quyết được đưa ra như sau:

Thông tin hôm qua anh nói chúng tôi chưa được biết. Nếu có thông tin như vậy hai bên sẽ phối hợp để giải quyết.

Theo trình bày trong ‘Đơn kiện-thỉnh nguyện cho 6 đệ tử Pháp Luân Công Việt Nam hiện đang bị cảnh sát giam giữ ở Bắc Kinh- Trung Quốc’ thì nhóm học viên Pháp Luân công Việt Nam gồm 13 người bắt đầu chuyến đi sang Trung Quốc từ hồi đầu tháng 7. Một người về nước trước và đoàn còn lại 12 người cho đến ngày 6 tháng 9 khi bị bắt tại một khách sạn ở Bắc Kinh.

Trong thời gian chừng 2 tháng họ đã đi qua được 15 tỉnh của Trung Quốc trước khi đến Bắc Kinh.