Nông dân Việt Nam không có tiếng nói thực sự đại diện cho mình để bảo vệ quyền lợi. Nếu như dư luận hiện nay nói nhiều về vấn đề công đoàn độc lập của công nhân, thì câu hỏi được nêu lên là 14 triệu nông dân Việt Nam cũng cần thiết một tổ chức hội độc lập của mình.
Cần một hội thực sự không lệ thuộc đảng
Khi vấn đề tiêu thụ nông sản gặp khủng hoảng trong những năm gần đây, tiếng nói đích thực của người nông dân hầu như vắng bóng trên tất cả các diễn đàn. Về mặt hình thức Việt Nam có Hội Nông dân với Trung ương hội ở Hà Nội và mỗi tỉnh, thành, đều có chi hội địa phương. Tuy nhiên Hội Nông dân Việt Nam cũng như các Hội nhà văn, Hội Nhà báo và hàng loạt Hội khác đều cho thấy sự hoạt động không mang tính độc lập, mà theo cách này hay cách khác đều chịu sự lãnh đạo của Đảng.
Nhà báo Lê Phú Khải, bản thân có nhiều năm làm việc ở đồng bằng sông Cửu Long nhận định:
“Nó chỉ là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản, trong đó toàn là đảng viên chủ tịch hội, phó chủ tịch hội, những ông công chức về hưu ra làm hội…Hội Cựu Chiến binh, Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…tất cả những cái đó chả có tác dụng gì, nó chỉ là cánh tay dài của Đảng để giúp Đảng cai trị đất nước kiểm soát xã hội..”
Trong ý nghĩa như lời nhà báo Lê Phú Khải hiện nghỉ hưu ở Saigon, nông dân Việt Nam rất cần các tổ chức hội độc lập để bảo vệ quyền lợi cho mình. Do nông dân không có tiếng nói trong các công đoạn sản xuất, chế biến và tiêu thụ nên họ hoàn toàn bị động, không có thông tin thị trường, các mặt hàng làm ra nhiều khi không biết bán cho ai. Nhà báo Lê Phú Khải nêu ra một thí dụ cụ thể:
Tôi nghĩ rằng những người nông dân VN phải nên hiểu rằng, họ có quyền lập một hội của họ để cạnh tranh với Hội Nông dân danh nghĩa của Đảng Cộng sản này để tự bảo vệ quyền lợi của mình…Tôi kêu gọi người nông dân VN hãy lập hội của mình để bảo vệ quyền lợi của mình chứ không dựa vào cái Hội Nông dân VN này
TS Nguyễn Quang A
“Hiêp hội lúa gạo nó chỉ tích lũy tiền của cho nhà nước thôi, nó tham nhũng giàu ú ụ trong khi nông dân thì nghèo… Thậm chí nguyên chủ tịch Hiệp hội lúa gạo Trương Thanh Phong còn nói là muốn bán gạo hay không, hay là muốn để cho vịt nó ăn…không giúp gì cho nông dân mà còn dọa nông dân như thế…được nhà nước cung cấp tiền lãi suất thấp ‘hắn’ mua gạo dự trữ. Khi nào lúa rẻ ‘hắn’ ép giá, khi nào gạo cao ‘hắn’ bán lấy tiền, Hiệp hội lúa gạo ở đâu cũng giàu có còn nông dân thì vẫn nghèo…trong cuốn sách ‘Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm nhìn lại’ tôi nói rất rõ những điều này và được nhà xuất bản Thanh Niên in nguyên văn không sửa chữa gì cả ”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhà phản biện xã hội dân sự độc lập ở Hà Nội nói rằng người nông dân cần có những tổ chức hội của chính họ. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng những người nông dân Việt Nam phải nên hiểu rằng, họ có quyền lập một hội của họ để cạnh tranh với Hội Nông dân danh nghĩa của Đảng Cộng sản này để tự bảo vệ quyền lợi của mình…Tôi kêu gọi người nông dân Việt Nam hãy lập hội của mình để bảo vệ quyền lợi của mình chứ không dựa vào cái Hội Nông dân Việt Nam này.”
Liên quan đến cuộc khủng khoảng tiêu thụ nông sản đang diễn ra ở Việt Nam, TS Nguyễn Quang A cho rằng cần xét tới nhiều khía cạnh trong đó có vai trò của người nông dân.
“ Tôi không nghĩ rằng người ta đổ cho nhà nước phải thế này thế kia là một điều công bằng. Bản thân những nhà sản xuất rất đáng tiếc trong điều này là nông dân, họ chưa có một sự tổ chức của chính họ. Nếu họ biết cách tổ chức của chính họ thì họ sẽ giảm thiểu được những rủi ro như vậy. Điều nhà nước có thể đáng trách ở đây là không tạo điều kiện hoặc tạo thuận lợi để cho nông dân tự tổ chức mình thành các hợp tác xã, hay các tổ chức gì đó liên kết với nhau, để tìm hiểu rất kỹ thị trường thế giới nó như thế nào và có cách để bảo vệ chính mình.”
Bao giờ mới có được các công đoàn, các hội độc lập?
Cũng dễ hiểu khi Hội Nông dân Việt Nam không tranh đấu cho quyền lợi nông dân, không đòi hỏi quyền tư hữu đất đai cho nông dân vì điều này đi ngược lại chủ trương của Đảng. Đảng và nhà nước cũng chẳng hề che dấu việc các tổ chức hội như Hội Nông dân Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng. Hội Nông dân Việt Nam do Đảng thành lập từ những năm 1930, qua nhiều tên gọi theo từng thời kỳ và với mục đích hậu thuẫn cho Đảng. Hiện nay Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam là ông Nguyễn Quốc Cường, ông cũng đồng thời là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 qui định: " Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định." Thực ra các Hiến pháp trước đó của nhà nước cộng sản Việt Nam cũng đều xác định các quyền này của công dân. Tuy nhiên người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản chưa bao giờ thực sự có những quyền này.
Có lẽ phải mất nhiều thời gian trước khi VN có một Hội Nông dân độc lập toàn quốc, hay Tổng Công đoàn độc lập toàn quốc. Điều này còn tùy thuộc Luật Lập hội mà việc đệ trình Dự thảo luật lên Quốc hội vừa bị đình hoãn ít nhất tới tháng 10/2016
Trong xu thế hội nhập thế giới và các hiệp định thương mại tự do đặt điều kiện, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể phải chấp nhận một hình thức nào đó về việc thành lập các công đoàn độc lập ở cơ sở. Thí dụ dễ hiểu là công nhân ở một nhà máy sản xuất giày chẳng hạn sẽ có quyền thành lập công đoàn độc lập của mình thay vì công đoàn của nhà nước. Công đoàn độc lập này sẽ đại diện công nhân và có thẩm quyền thương lượng trực tiếp với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Nếu người lao động ở các nhà máy có công đoàn độc lập thì câu hỏi đặt ra là tại sao người nông dân lại không có quyền lập tổ chức hội của riêng mình. Đây sẽ là những tổ chức hội độc lập không bị Hội Nông dân của Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối. Các tổ chức hội độc lập của nông dân có khả năng là đầu mối liên kết trong cả chuỗi ngành hàng, nó sẽ giúp người nông dân tìm hiểu thị trường, quyết định sản xuất mặt hàng nào, qui mô như thế nào và thương lượng giá cả nông sản với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ. Xa hơn nữa một tổ chức Hội Nông dân Độc lập sẽ có thể phản biện chính sách một cách có hiệu quả ngay từ trong quá trình soạn thảo.
Có lẽ phải mất nhiều thời gian trước khi Việt Nam có một Hội Nông dân độc lập toàn quốc, hay Tổng Công đoàn độc lập toàn quốc. Điều này còn tùy thuộc Luật Lập hội mà việc đệ trình Dự thảo luật lên Quốc hội vừa bị đình hoãn ít nhất tới tháng 10/2016.
Nhưng ngay trong lúc này dư luận ở Việt Nam rất trông đợi việc hình thành được các công đoàn độc lập ở cơ sở, hay các tổ chức hội độc lập của nông dân ở một địa phương nào đó.