Ngư dân vô tình hay bắt đắc dĩ vi phạm lãnh hải Thái Lan?

Có thêm ngư dân Việt Nam đi vào lãnh hải của Thái Lan và bị bắt giữ. Tình hình đó khiến cuộc sống họ và gia đình thêm bội phần khó khăn.

0:00 / 0:00

Ngư dân Việt Nam 'đã nghèo còn mắc cái eo'

Hai mươi mốt người trên hai chiếc tàu câu mực số hiệu CM99689TS và CM99362 bị hải quân vùng một và cảnh sát biển Thái Lan bắt hồi ngày 9 tháng giêng vừa qua với lý do xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này. Người và tàu bị đưa về đồn cảnh sát khu vực Sattahip, tỉnh Chon Buri. Hai tài công và 19 ngư phủ bị nhốt trong đồn còn hai chiếc tàu bị neo tại cầu cảng của đồn cảnh sát Sattahip.

Sau khi nhận được tin, một ngày hôm sau chúng tôi đến tại đồn cảnh sát. Ra cầu cảng nhìn xuống hai chiếc tàu câu mực bị neo ở đó, chúng tôi còn nhìn thấy cảnh tượng chén đũa ăn xong chưa rửa kịp, gạo còn để trong nồi, một bao những trái chanh tươi chưa kịp dùng đến, áo quần cái treo trên dây, cái vứt chỏng chơ trên sàn thuyền... Hai bên thuyền những cây sào vút lên trong nắng, trên mái thuyền những mê lưới phơi mực nằm sắp lớp

Khi ra tòa những người này sẽ nhận phán quyết thường ở dạng tiền phạt. Nếu họ có tiền nộp phạt thì được đưa đến trại tạm giữ để trục xuất về nguyên quán. Nếu không có tiền thì phải chịu ở tù theo qui định

Hai mươi mốt con người lao động trên tàu thì bị nhốt trong buồng giam sau song sắt của đồn cảnh sát Sattahip. Tất cả nhóm người Việt bị dồn vào một buồng giam rộng chừng 20 mét vuông.

Sau khi bị bắt các ngư dân Việt được đưa lên tàu của Thái Lan. (hồi ngày 14 tháng 9, 2012) RFA file
Sau khi bị bắt các ngư dân Việt được đưa lên tàu của Thái Lan. (hồi ngày 14 tháng 9, 2012) RFA file (RFA file)

Viên trung úy cảnh sát có tên Sinsamut Boontatsana phụ trách trường hợp các ngư dân Việt nam bị bắt đợt này cho chúng tôi biết cảnh sát đã hỏi cung những người bị bắt và buộc tội họ tội danh như vừa nêu là xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải của Thái Lan. .Thời gian xét hỏi là 48 tiếng. Sau đó Cơ quan cảnh sát sẽ yêu cầu tòa cho lệnh đưa số bị bắt từ buồng giam ở đồn cảnh sát về nhà tù của khu vực, trong khi chờ đợi ra tòa xét xử. Bước tiếp theo là cảnh sát địa phương hoàn tất hồ sơ và chuyển sang cho Văn phòng công tố khu vực tại Pattaya nhằm truy tố những người bị bắt ra tòa.

Khi ra tòa những người này sẽ nhận phán quyết thường ở dạng tiền phạt. Nếu họ có tiền nộp phạt thì được đưa đến trại tạm giữ để trục xuất về nguyên quán. Nếu không có tiền thì phải chịu ở tù theo qui định. Để được trục xuất, thường gia đình phải gửi tiền sang và đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ giúp mua vé máy bay để những người này về lại Việt Nam.

Tòa cũng sẽ phán quyết mức phạt đối với tàu. Nếu chủ tàu mang tiền sang nộp thì có thể chuộc về, còn nếu không thì cơ quan chức năng Thái Lan sẽ hủy tàu.

Khổ lắm, đi đại không biết lọt qua lúc nào

anh Diệp Văn Cường, tài công

Các ngư dân Việt được hải quân Thái Lan phát thuốc. (hồi ngày 14 tháng 9, 2012) RFA file
Các ngư dân Việt được hải quân Thái Lan phát thuốc. (hồi ngày 14 tháng 9, 2012) RFA file (RFA file)

Trong cuộc tiếp xúc với những ngư phủ bị bắt khi còn ở buồng giam ở đồn cảnh sát Sattahip, anh Diệp Văn Cường, một trong hai tài công cho biết lý do phải sang đến lãnh hải của Thái câu mực để rồi bị bắt:

Khổ lắm, đi đại không biết lọt qua lúc nào.

Anh Trần Văn Huy, một trong những thủy thủ trên hai chiếc tàu bị bắt nói rằng bản thân ở vùng sâu làm ruộng quá vất và nên mới ra thị xã Sông Đốc làm nghề đi biển. Đây là lần đầu tham gia và tài công lái tàu đi đâu thì bạn theo đó để làm chứ không biết đi sang vùng biển của Thái Lan:

Chủ kêu xuống tàu làm, là bạn thì tài công lái đi đâu mình đi theo đó.

Hải sản vùng biển VN cạn kiệt

Chúng tôi gọi điện thoại về cho chủ nhân hai chiếc tàu bị bắt là ông Phạn Văn Hớn và Diệp thị Phượng tại thị trấn Sông Đốc, Cà Mau. Cả hai đều thừa nhận là hải sản ở vùng biển Việt Nam hầu như cạn kiệt, tàu thuyền cả năm qua làm ăn thất bát.

Bà Diệp thị Phượng nói:

Có sở phí bỏ xuống chạy. Năm nay biển thất kêu bán cũng không ai mua. Kêu chung cũng không ai chung. Năm nay biển thất dữ lắm.

Ông Phan Văn Hớn cho biết:

Vùng biển của mình, hải sản cạn kiệt lắm rồi. Làm ăn hoàn toàn lỗ, vùng biển của mình cạn kiệt lắm

Ông Phan Văn Hớn

Vùng biển của mình, hải sản cạn kiệt lắm rồi. Làm ăn hoàn toàn lỗ, vùng biển của mình cạn kiệt lắm.

Một trong những người bị bắt là anh tài công Phạm Văn Truyền cho biết từng bị phía Thái Lan bắt cách đây hai năm. Bản thân gia đình phải gửi sang cho anh 6 triệu đồng để mua vé máy bay về nước sau khi ở tù mãn hạn theo số tiền phạt vào lúc đó.

Dù biết bị bắt sẽ rất khổ, gia đình thêm nợ nần; thế nhưng vì bức bách công việc đánh bắt mãi mà không có nên đành phải liều bước đưa chân.

Làm mấy bữa nay không có mực, có cá gì nên tài công chạy đại…

Tuy nhiên đối với những người mới đi lần đầu và bị phía Thái Lan bắt giữ như anh Diệp Văn Cúp hay anh Trần Văn Huy đều nói rằng chuyến này được trả về là ‘cạch’ đến già không đi qua vùng biển Thái Lan nữa.

Những tài công khi được hỏi cũng cho biết khi ra khơi, cơ quan biên phòng đều nhắc nhở không được sang vùng biển của nước khác. Cảnh báo thế thôi, chứ mọi phương tiện nhưng la bàn, định vị thì chủ thuyền phải tự sắm. Ngoài ra một lý do nữa là trình độ của tài công cũng hạn chế như thừa nhận của ông Phan Văn Hớn:

Tài công dốt, lên chạy thôi mới lớp bốn lớp 5…

Về Việt Nam kiếm việc khác làm chứ không làm việc này nữa, bị bắt sợ lắm rồi.

Cũng mong Nhà Nước có hợp đồng với nước này với nước kia để đánh bắt làm ăn, chứ đánh bắt kiểu này khổ lắm

Ông Phan Văn Hớn

Vào chiều ngày 11 tháng giêng, chúng tôi gọi điện đến đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan để hỏi thăm thông tin về vụ bắt giữ mới nhất này, thì nhân viên phụ trách bộ phận công dân nói rằng phía Thái chưa thông tin cho đại sứ quán. Nếu nhận được thông tin thì phía đại sứ quán sẽ tiến hành kiểm tra về vụ việc và có động thái thích ứng. Nhân viên này cho biết:

Tọa độ thế nào phải làm việc với phía Thái Lan, chứ ở vùng chồng lấn thì sao.

Trong khi đó theo trung úy Sinsamut Boontatsana thì lâu nay khi cơ quan chức năng Thái Lan báo cho đại sứ quán Việt Nam về những trường hợp bắt giữ ngư dân Việt xâm nhập lãnh hải của Thái trái phép, đại sứ quán Việt Nam luôn nói là Thái cứ việc xét xử theo luật pháp Thái Lan.

Phần những người đầu tư vào nghề đánh bắt hải sản như ông Phan Văn Hớn thì có đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam nên có biện pháp ký kết với các nước khác để ngư dân Việt đến đánh bắt hải sản tại vùng biển nước họ khi mà hải sản tại Việt Nam bị nói hầu như cạn kiệt tại khu vực phía nam. Ông Phan Văn Hớn có đề nghị:

Cũng mong Nhà Nước có hợp đồng với nước này với nước kia để đánh bắt làm ăn, chứ đánh bắt kiểu này khổ lắm.

Nhìn hai chiếc tàu câu mực có thể nói không được tân trang cuả Việt Nam bị neo tại cầu cảng đồn cảnh sát Sattahip so với những chiếc tàu sáng bóng nước sơn của Thái Lan lướt sóng ra khơi cũng từ khu vực gần cầu cảng của đồn cảnh sát Sattahip, người ta có thể liên tưởng đến hai ngành đánh bắt hải sản của tư nhân hai nước ngay tại khu vực Vịnh Thái Lan.

Theo dòng thời sự: