Chương trình nghị sự của các hoạt động ngoại giao này cũng rất đa dạng, từ kinh tế, đến quốc phòng, chiến lược và đặc biệt là tìm sự ủng hộ trong vấn đề Biển Đông.
Quỳnh Chi tổng hợp một số sự kiện đáng chú ý.
Phát triển kinh tế với châu Âu
Có thể nói, năm 2011 là một năm khá bận rộn của các nguyên thủ quốc gia Việt Nam cùng các giới chức cấp cao nhà nước với các cuộc trao đổi thăm viếng khá dày đặc. Về mặt kinh tế, có chuyến viếng thăm của nữ thủ tướng Đức Angela Markel vào tháng 10; chuyến viếng thăm của Thái tử Đan Mạch Frederik André Henrik Christian vào tháng 11, và chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Thương mại Úc - ông Craig Emerson vào tuần trước.
Phái đoàn tháp tùng cùng bà Angela Markel được đánh giá là khá hùng hậu với 27 quan chức cấp cao của chính phủ Đức, 15 đại diện từ các doanh nghiệp hàng đầu của cường quốc kinh tế số một châu Âu, 5 đại biểu quốc hội thuộc 5 đảng khác nhau trên chính trường Đức cùng hơn 20 đại diện cơ quan truyền thông báo chí.
Các doanh nhân tiên tiến và giàu nhiệt huyết đang tìm kiếm những phương thức mới để mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước.
Bà Pia Olsen Dyhr
“Hiện tại, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu. Và với chuyến viếng thăm hùng hậu này, Việt Nam hy vọng sẽ khởi đầu một bước ngoặc mới cho việc đầu tư nước này vào đây.”
Chuyến viếng thăm của Thái tử kế vị Đan Mạch cũng được đánh giá là quan trọng không kém vì sẽ mang đến khả năng hợp tác về mặt kinh tế và giáo dục hai nước khi thành phần tháp tùng vị thái tử này là đại diện khoảng 80 doanh nghiệp và 30 trường học - cơ sở nghiên cứu khoa học. Có mặt trong chuyến đi, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Đan Mạch, bà Pia Olsen Dyhr nhấn mạnh "các doanh nhân tiên tiến và giàu nhiệt huyết đang tìm kiếm những phương thức mới để mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước".
Mua vũ khí của Do Thái?
Ngoài các hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, các cuộc tiếp xúc mang tính chiến lược cũng được dư luận chú ý.
Đầu tiên, phải kể đến chuyến viếng thăm "khá bất thường" của Tổng thống Israel - Shimon Peres. Sau hơn một năm trì hoãn, ông Shimon Peres đến Việt Nam và trở thành vị tổng thống Israel đầu tiên thăm Việt Nam. Mặc dù lý do của chuyến viếng thăm được cho biết là tập trung về vấn đề thương mại; tuy nhiên, có nhiều nguồn tin từ giới quan sát cho rằng có thể vấn đề mua bán vũ khí cũng nằm trong chương trình nghị sự.
Phát biểu với hãng tin AFP, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích tình hình Việt Nam cho biết mặc dù chưa có gì chắc chắn, nhưng ông nghi ngờ ngành công nghiệp quốc phòng Israel đã bí mật cung cấp vũ khí cho Việt Nam trong nhiều năm.
Ẩn số chuyến viếng thăm của Miến Điện
Ngoài ra, chuyến thăm của tân Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Miến Điện, Đại tướng Min Aung Hlaing, tới Hà Nội vào tháng 11 cũng được cho là có nhiều ẩn số. Chuyến đi được đánh giá “quan trọng” bởi Tướng Min Aung Hlaing là người đứng đầu quân đội quốc gia và hiện đang ngấp nghé ghế chủ tịch luân phiên của khối ASEAN.
Mặc dù Myanmar đã chuyển từ chính quyền quân sự sang dân sự từ cuộc bầu cử năm ngoái, nhưng cuộc bầu cử được cho là giả hiệu và quân đội thực chất vẫn nắm vai trò chủ chốt trong chính sự Myanmar.
Theo truyền thống, những người đứng đầu trong quân đội quốc gia nước này đều chọn Trung Quốc làm nơi xuất hành đầu tiên. Cho nên, việc đến Việt Nam trước đã phá đi thông lệ lâu đời của lãnh đạo Myanmar và có nhiều phân tích cho rằng nước này đang “xích lại” gần Việt Nam.
Chiến lược Anh – Việt
Cũng trong năm qua, hợp tác chiến lược Anh – Việt được nâng lên rõ rệt khi một thỏa thuận “Đối tác chiến lược” được ký làm Anh Quốc trở thành đối tác chiến lược thứ 8 của Việt Nam. Tháng 10 vừa qua, hội đàm đối thoại chiến lược lần đầu tiên của hai nước cũng được thực hiện với trọng tâm nhấn mạnh là vấn đề an ninh của khu vực Biển Đông. Một ngày trước khi đối thoại diễn ra, một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu quốc phòng cũng được ký giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh.
Tìm kiếm ủng hộ Biển Đông
Tuy nhiên, những sự kiện ngoại giao quan trọng và gây chú ý nhất cho quốc tế là vẫn là những cuộc gặp nhằm giải quyết và tìm kiếm sự ủng hộ ở Biển Đông.
Đầu tiên, phải kể đến chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ, ông S. M. Krishna vào tháng chín mà theo báo chí Ấn Độ, là trong bối cảnh "Trung Quốc ngày càng tỏ ra mạnh mẽ tại vùng biển Nam Trung Hoa" và tàu Airavat của Ấn bị gây khó dễ sau khi thăm hữu nghị Việt Nam.
Một tháng sau đó, trong dịp thăm Ấn Độ, lời kêu gọi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông được cho là nhắm tới cả kinh tế và chính trị.
Kết quả của chuyến công du là sáu hiệp định hợp tác giữa Chính phủ hai nước và thỏa thuận hợp tác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí VN với Tập đoàn Dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ tại Biển Đông. Hợp tác khai thác dầu khí này làm cho nhiều nhà ngoại giao Ấn dè dặt, trong khi Trung Quốc giận dữ vì cho rằng đây là khu vực tranh chấp. Có thể thấy, quyết định khai thác dầu khí của Ấn tại lô 127 và 128 ở Biển Đông là một bước tích cực rõ ràng nhất cho ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua.
Tôi thấy đây là hoạt động công khai của Việt Nam về nhiều phía: Đi Ấn Độ, đi Trung Quốc, Nhật Bản rồi Philippines. Nhiều chuyến đi của Việt Nam nằm trong khung cảnh đó. <br/>
Ô. Dương Danh Dy
Ấn Độ không phải là nước duy nhất mà Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ trong vấn đề Biển Đông, các cuộc gặp giữa lãnh đạo Việt Nam với phía Nhật Bản, Indonesia và Philippines cũng được cho là nhằm mục đích tương tự. Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản được cho là sẽ định hướng và trở thành khuôn khổ cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Hôm 26 tháng 10, tại Manila, Chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang đã cùng với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ký bản tuyên bố chung kêu gọi thành lập một “khu vực hòa bình” tại Biển Đông, và giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế.
Nhận định về ý nghĩa chuyến thăm này, ông Dương Danh Dy cho rằng:
"Tôi thấy đây là hoạt động công khai của Việt Nam về nhiều phía: Đi Ấn Độ, đi Trung Quốc, Nhật Bản rồi Philippines. Nhiều chuyến đi của Việt Nam nằm trong khung cảnh đó.
Riêng về quan hệ hai nước thì đây đúng là lần đầu tiên một ông chủ tịch nước Việt Nam đi thăm Philippines, từ bản thân nó đã nói lên ý nghĩa rồi và theo tôi như thế là tốt rất đáng mừng."
Hoa du và hy vọng
Các ký kết và thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước Ấn Độ, Philippines và Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam gặp người tương nhiệm là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Kết quả của chuyến công du kéo dài năm ngày bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 là 6 văn kiện được ký kết giữa hai vị tổng bí thư đảng cộng sản. Trong đó, văn kiện đáng chú ý nhất là "Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
Với văn kiện này, hai vị tổng bí thư đồng ý với nhau 6 điểm mà điểm đầu tiên cho thấy "làm cho biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị hợp tác". Văn kiện được ký kết làm dấy lên nhiều quan điểm trái chiều khi cho rằng, với cương vị Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng khó lòng "danh chính" ký kết những văn bản có giá trị tầm quốc gia. Thay vào đó, những văn kiện ấy chỉ là thỏa thuận giữa hai đảng với nhau. Chính vì "danh không chính" nên "ngôn không thuận". Mặc dù văn kiện khẳng định hai nước sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông trong hòa bình, nhưng không ai dám khẳng định chiến tranh sẽ không xảy ra.
Nhà nghiên cứu biển Đông Nguyễn Đình Đầu cũng không thể chắc chắn về những tuyên bố hòa bình của Trung Quốc:
“Chúng ta không có cái gì để làm chắc chắn được cả mà chỉ hy vọng thôi. Hy vọng là Trung Quốc sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ hòa bình thế giới. Trung Quốc cũng có những hạn chế và trách nhiệm của mình để không gây chiến”.
Hy vọng là Trung Quốc sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ hòa bình thế giới. Trung Quốc cũng có những hạn chế và trách nhiệm của mình để không gây chiến.
Ô. Nguyễn Đình Đầu
Nhìn tổng thể, cách thức ngoại giao của Việt Nam năm vừa qua có những mâu thuẫn khi xét đến vai trò tương xứng trong quy tắc ngoại giao. Song, không thể phủ nhận những dấu chỉ tích cực là việc vươn đến các nước có cùng quan tâm đến tình hình. Xét về tình hình phức tạp ở Biển Đông như hiện nay giữa lúc chưa có một đồng thuận về phương cách giải quyết, cũng như chưa có một quy tắc ứng xử mang tính pháp lý, thì mọi quan hệ ngoại giao của Việt Nam nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của quốc tế là việc làm quan trọng. Nó sẽ vừa hữu ích, vừa thách thức một khi Đảng Cộng sản Việt Nam chịu sự ảnh hưởng quá nhiều về ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Song song đó, thiết nghĩ tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân cũng là điều tối cần thiết. Và dù là đối ngoại hay đối nội, việc minh bạch hóa thông tin và chấp nhận phản biện là điều không thể thiếu.
* Đến khi bài viết này được phát, chuyến viếng thăm của phó Chủ tịch, Tập Cận Bình chưa xảy ra. Đây cũng là một sự kiện ngoại giao quan trọng của Việt Nam trước khi năm 2011 kết thúc. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình sẽ được tường trình trong một bài viết khác. Quynhchi@rfa.org.
Theo dòng thời sự:
- Chuyện hai ông lớn Hoa du và Ấn du cùng lúc
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Philippines
- Việt Nam ủng hộ "vùng hòa bình" ở Biển Đông
- Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel
- Trung Quốc đã đạt được mục đích sau chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng?
- Tổng thống Israel chính thức thăm Việt Nam
- Trung Quốc đáng tin đến mức nào?
- Ý nghĩa chuyến đi thăm VN của Phó Chủ Tịch TQ Tập Cận Bình