VN miễn thuế hàng nông sản do VN trồng tại Campuchia

Bộ Tài chính Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 201/2012/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng nông sản chưa qua chế biến do phía Việt Nam đầu tư, trồng tại Campuchia nhập khẩu về Việt Nam.

0:00 / 0:00

Nông sản Việt Nam đầu tư trồng tại Campuchia có điểm gì lợi và hại cho cùng chung loại nông sản đang trồng tại Việt Nam?

Gây ứ đọng hàng trong nước?

Thông tư của Bộ Tài chính cho biết hàng nông sản chưa qua chế biến do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, và cá nhân Việt Nam trồng trực tiếp hoặc hỗ trợ đầu tư tại Campuchia như rau, củ, quả, ngô, lúa, cà phê, ca cao...khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ không phải nộp thuế.

Đối tượng áp dụng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng gồm hàng nông sản chưa qua chế biến do các doanh nghiệp Việt Nam trồng trực tiếp hoặc hỗ trợ đầu tư tại Campuchia. Các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ đầu tư bằng các hình thức như bỏ vốn, trực tiếp trồng hoặc đầu tư bằng tiền, hiện vật và được trồng tại các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Việt Nam, được nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất hàng hóa tại Việt Nam.

Thông tư số 201 còn cho biết trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hoá đã được xử lý miễn thuế nhập khẩu, nếu phát hiện hàng không thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu sẽ bị truy thu và xử phạt theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ đầu tư được hưởng chính sách này chỉ có 10 tỉnh có biên giới giáp với Campuchia gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đầu tư vào các tỉnh của Campuchia như Ratanakiri, Mondulkiri, Kratie, Kampong Cham, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Kampot và tỉnh Takeo.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca Cao Việt Nam cho rằng chính sách thuế này sẽ làm ứ đọng hàng hóa trong nước. Ông nói:

“Chính sách thuế mới đối với hàng nông sản trồng tại Campuchia thì không có vấn đề gì tại vì thực ra Campuchia không trồng nhiều cà phê. Thực ra hàng rào thuế quan bao giờ cũng là một võ khí bảo vệ nền kinh tế của mình.

Tôi nghĩ rằng đối với Campuchia thì không có gì lớn. Cả hai nước có nhiều điều kiện tương đồng. Nói chung ngành nông sản cả hai bên tiêu thụ đang khó khăn. Không chỉ riêng cà phê mà mặt hàng khác cũng khó, nông dân đang ứ đọng rất nhiều hàng cho nên đưa hàng sang thêm nữa thì tăng thêm sự ứ đọng. Theo tôi, chính sách thuế này không có gì đặc biệt vì ba nước Đông Dương chúng ta có một chính sách rồi.”

Theo thỏa thuận hợp tác thương mại Campuchia – Việt Nam, Campuchia đã có khoảng 60 loại sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp miễn thuế sang Việt Nam. Các sản phẩm xuất khẩu miễn thuế sang Việt Nam của Campuchia bao gồm tôm, rau quả, thuốc lá và cà phê…v.v.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 10 sản phẩm công nghiệp miễn thuế sang Campuchia.

Gia tăng đầu tư hai nước

Campuchia nhập khẩu rau từ Việt Nam và cung cấp tại chợ Deumkor, Phnom Penh, ngày 27/11/2012. Photo by Quốc Việt
Campuchia nhập khẩu rau từ Việt Nam và cung cấp tại chợ Deumkor, Phnom Penh, ngày 27/11/2012. Photo by Quốc Việt (Campuchia nhập khẩu rau từ Việt Nam và cung cấp tại chợ Deumkor, Phnom Penh, ngày 27/11/2012. Photo by Quốc Việt)

Ông Mao Thora, Quốc Vụ khanh, Bộ Thương mại Campuchia nói rằng quan hệ Campuchia và Việt Nam phát triển không ngừng. Sự phát triển này cũng thông qua sự đóng góp của sự gia tăng của đầu tư thương mại và các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Theo ông, khi nào Campuchia chưa có xưởng chế biến, chưa có luật quản lý sản phẩm nông sản vừa nói thì ít nhiều Campuchia cũng gặp thiệt thòi.

Ông phát biểu:"Trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, trồng tại đây rồi xuất khẩu sang Việt Nam thì chúng ta sẽ gặp thiệt thòi vì hàng nông sản này chưa qua chế biến. Ở đây, có nghĩa chúng ta thiệt thòi về công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, sau này nếu Campuchia có luật quản lý sản phẩm nông sản, có xưởng chế biến đầy đủ thì chúng ta bắt buộc Việt Nam phải chế biến tại chỗ. Chúng tôi sẽ có thỏa thuận này sắp tới.”

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu quy định tại Thông tư này phải có đầy đủ các hồ sơ theo quy định gồm Công văn đề nghị miễn thuế nhập khẩu của doanh nghiệp, trong đó ghi cụ thể số lượng, chủng loại, trị giá hàng hoá nhập khẩu. Đặc biệt là chứng từ liên quan đến việc hỗ trợ đầu tư, trồng nông sản tại các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2012.

Các doanh nghiệp Việt Nam trước khi nhập khẩu hàng hoá phải đăng ký danh mục hàng nhập khẩu miễn thuế tại chi cục hải quan quản lý cửa khẩu thuộc các tỉnh giáp biên giới Campuchia – Việt Nam.

Các trường hợp chỉ mua lại sản phẩm hoặc đầu tư tại các tỉnh của Campuchia không giáp biên giới với Việt Nam không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.

Tiến sĩ Srey Chanthy, nhà phân tích nông nghiệp Campuchia nói xứ chùa Tháp cần phải có sự bứt phá, làm ra các sản phẩm giá trị cao với chi phí thấp nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho dân. Hiện một bộ phận người tiêu dùng thế giới đang có nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm chất lượng cao tuy nhiên người Campuchia vẫn còn phải nhập khẩu các hàng hóa từ Việt Nam.

Bà nói Việt Nam là nước phát triển trong lĩnh vực chế biến. Đây là cơ hội cho Việt Nam phát huy lợi thế khi Campuchia đang dậm chân tại chỗ.

Tiến sĩ Srey Chanthy: "Ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam đang đi trước Campuchia. Điều này khiến Việt Nam thiếu sản phẩm. Việt Nam phải nhập khẩu sản phẩm từ Campuchia nhưng không có nghĩa Việt Nam thiếu đất trồng trọt.

Chính sách mới này vừa giúp ích cho nhà đầu tư Việt Nam vừa tạo điều kiện cho hàng nông sản Việt Nam có mặt trên thị trường quốc tế nhiều hơn.”

Ông Đoàn Triệu Nhạn có nhận xét thêm: "Đúng là Campuchia có nhiều điều kiện để Việt Nam đầu tư vào tại vì đất đai rộng. Chúng tôi rất muốn đầu tư sang Campuchia nhưng chúng tôi nghiên cứu tìm đất trồng cà phê không nhiều mà đất trồng cao su nhiều hơn.

Trong khi đó Lào thì có vùng Champasak trồng cà phê rất tốt, còn lao động rất ít. Chúng tôi rất muốn mở mang vùng đó. Campuchia ngành cà phê ít hơn cao su nên cao su phát triển mạnh hơn.”

Bộ Thương mại Campuchia cho biết ba quý đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia lượng hàng hóa trị giá 2,073 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam 378 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại hai chiều Campuchia – Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2012 đạt 2,451 tỷ USD.

Dự kiến, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2015.