Vụ tai nạn trong ngành dệt may Bangladesh với 1.127 người chết là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước cạnh tranh bằng lao động giá rẻ. Phải chăng công nghiệp dệt may và da giày Việt Nam có chính sách tốt hơn và an toàn hơn.
Cần giám sát chất lượng công trình
Theo TS Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì việc một công trình xây dựng lớn bị đổ sập sau khi đưa vào sử dụng là hiếm thấy. Trong chiều dài ký ức của mình ông nhớ lại vụ sập một Nhà hát ở Hà Đông gần Hà Nội vào tháng 4/1980.
“Nhà hát trong đợt biểu diễn nhưng Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất thì đình chỉ mấy ngày không có các hoạt động, cũng may trong lúc ấy dàn kèo trên mái bị gãy sập xuống nhưng may không có ai bị thiệt mạng. Vụ này là lớn nhất”
TS Phạm Sỹ Liêm nói với chúng tôi là giám sát chất lượng công trình của Việt Nam theo qui định xây dựng chung, chứ chưa đặt ra những điều kiện đặc biệt cho các công trình phục vụ đông người. Ông nhấn mạnh:
Ở Bangladesh là sập nhưng ở Việt Nam vấn đề cháy mới là nguy hiểm, nếu những lối thoát hiểm mà quá chật chội không đủ điều kiện cũng gây hại không kém. <br/> -TS Phạm Sỹ Liêm
“Tai nạn xảy ra ở Bangldesh đưa đến cho chúng ta một cảnh giác. Tôi tin rằng Bộ Xây dựng sẽ rút kinh nghiệm để kiểm tra lại không những về mặt quản lý mà cả trong thực tiễn xây dựng có những thiếu sót gì. Ở đây có một chuyện, ở Bangladesh là sập nhưng ở Việt Nam vấn đề cháy mới là nguy hiểm, nếu những lối thoát hiểm mà quá chật chội không đủ điều kiện cũng gây hại không kém nhất là những chỗ đông người. Cho nên vấn đề cứu hỏa của các công trình cần phải được hết sức quan tâm. Vừa rồi là bị sập nhưng trên thế giới nhiều tòa nhà bị cháy làm chết hàng trăm người cũng đã xảy ra, không phải ở những nước như Bangladesh mà ngay ở Nga cháy những hộp đêm mà lại thiếu lối thoát nạn.”
Việt Nam an toàn hơn?
Việt Nam có ngành công nghiệp dệt may da giày thu dụng 2 triệu công nhân với kim ngạch xuất khẩu 2012 trị giá 17,2 tỷ USD. Trong khi đó Bangladesh có 3,6 triệu công nhân ngành may, kim ngạch xuất khẩu quần áo trị giá 20 tỷ USD, xếp thứ nhì thế giới. Tai họa của ngành may mặc Bangladesh và sự lạm dụng lao động ở nước này đã khiến ngành may mặc Việt Nam được đánh giá khá tích cực.
Được biết giá gia công trung bình một sản phẩm may mặc ở Việt Nam là 6 USD trong khi ở Bangladesh chỉ khoảng 2,5 USD. Do vậy công nhân may Bangladesh có mức lương tối thiểu 38 USD/tháng so với mức gần 100 USD/tháng của công nhân may Việt Nam. Trên thực tế, không ít thợ may công nghiệp lành nghề hưởng lương 5-6 triệu đồng một tháng chưa kể các phúc lợi khác. Vụ sập tòa nhà 8 tầng với nhiều xưởng may ở gần Dhaka thủ đô Bangladesh hồi cuối tháng 4 với số công nhân thiệt mạng được xác nhận hơn 1.100 người, đã làm cho ngành dệt may các nước Á châu trở thành đối tượng để so sánh. Thông tấn xã Pháp AFP ghi nhận giới chuyên gia đánh giá Việt Nam là điển hình cho một công nghiệp dệt may lành mạnh, kỷ luật tốt và mức lương tương xứng. Nhiều thương hiệu lớn như H&M, Mango và Zara đều có sản phẩm Made in Vietnam.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp Hội Da giày Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, các xưởng dệt may Việt Nam được thiết kế xây dựng chỉ 1 hoặc 2 tầng nên an toàn hơn:
“Chúng tôi cho rằng trước hết về phần xây dựng cơ bản nhưng bên cạnh đó phần quan trọng nhất là những giải pháp để cho an toàn cho người lao động đã được thực hiện. Đây không phải cá nhân tôi nói hay người lao động nói mà là đánh giá của rất nhiều thương hiệu trên thế giới họ đã đưa ra khi họ đến Việt Nam. Một trong những lý do chọn lựa là vì Việt Nam là một trong những nước thực thi các chính sách về lao động, chính sách về an toàn và trách nhiệm xã hội tương đối là cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, đặc biệt như với Bangladesh chẳng hạn.”
Trong dịp nói chuyện với chúng tôi, ông Diệp Thành Kiệt nói rằng nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam cạnh tranh bằng giá rẻ hơn, thi nhau xuống giá hoặc làm ăn gian dối không tạo điều kiện cho người lao động thì cuối cùng cái giá phải trả sẽ rất là lớn.
“Đã đến lúc Việt Nam không thể sử dụng chính sách giá rẻ, lao động giá rẻ, tất cả những gì giá rẻ để cạnh tranh với các nước, mà Việt Nam phải cạnh tranh bằng một giải pháp bền vững trong đó điều thứ nhất là phải chứng minh cho thế giới là mình làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, trong đó hàm lượng chất xám ngày càng cao và người lao động được làm việc trong những môi trường ngày càng an toàn và ổn định.”
Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2013 đạt 19 tỷ USD so với mức 17,2 tỷ của năm 2012. Chỉ tiêu này được đặt ra trước khi có tai họa cho ngành dệt may Bangladesh và khiến nước này có thể bị mất nhiều hợp đồng với khách hàng phương tây. Tuy vậy doanh nghiệp không hy vọng có sự chuyển dịch mạnh vì giá gia công của dệt may Việt Nam đắt gấp 3 lần Bangladesh.