Thị trường nông thôn: triển vọng và hạn chế
70% dân số 86 triệu của Việt Nam sinh sống ở nông thôn tương đương 60 triệu người. Nếu như trong những năm gần đây một số doanh nghiệp dệt may trở lại với thị trường nội địa thì cũng chỉ nhắm đến người tiêu dùng thành thị. Trong khi đó khu vực nông thôn tràn ngập quần áo và dép nhựa giá rẻ của Trung Quốc thậm chí của Thái Lan.
Những số liệu ghi nhận từ ngành dệt may cho thấy hàng may mặc cây nhà lá vườn tiêu thụ nội địa đạt doanh thu trên dưới 4 tỷ USD so với 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến trong năm 2011. Rõ ràng là một khoảng trống thị trường đang tồn tại với hàng nước ngoài đặc biệt là sản phẩm giá rẻ khó cạnh tranh của Trung Quốc.
Đa số người tiêu dùng ở nông thôn người ta chuộng những sản phẩm rẻ tiền và bền. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam làm hàng xuất khẩu, đòi hỏi nguyên liệu đắt tiền sản xuất bằng công nghệ tương đối phức tạp. Cho nên để thâm nhập vào thị trường nông thôn thì nó có những hạn chế
Ông Diệp Thành Kiệt
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, ông Diệp Thành Kiệt phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM tin tưởng rằng, hàng may mặc Trung Quốc từ chỗ chiếm lĩnh 70%-80% thị trường vùng nông thôn Việt Nam thì nay đã giảm bớt chỉ còn khoảng trên dưới 60%. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quay lại được thị trường nông thôn với tốc độ nhanh hơn. Ông Diệp Thành Kiệt phân tích:
-“Đa số người tiêu dùng ở nông thôn người ta chuộng những sản phẩm rẻ tiền và bền. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam làm hàng xuất khẩu, đòi hỏi nguyên liệu đắt tiền sản xuất bằng công nghệ tương đối phức tạp. Cho nên để thâm nhập vào thị trường nông thôn thì nó có những hạn chế nhất định đặc biệt là vấn đề giá cả.
Thị trường nông thôn hiện nay được trụ bởi một số nhà cung cấp, trước hết trong nước vẫn có những cơ sở sản xuất nhỏ sử dụng công nghệ thấp, việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào đầu ra tương đối không chặt chẽ lắm. Họ có thể mua được những nguyên liệu tồn kho, nguyên liệu đầu tấm đầu khúc của các doanh nghiệp lớn thải ra và họ tự lên sản phẩm để bán về nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ này chiếm một thị phần nhất định. Nhóm thứ hai tham gia không thường xuyên, là các doanh nghiệp xuất khẩu có những lô hàng do khách từ chối vì trễ hàng hoặc không đủ chất lượng, thì nông thôn là nơi họ có thể tiêu thụ tốt. Nhóm thứ ba chiếm lĩnh thị phần còn lại là hàng xuất xứ Trung Quốc.”
Hàng nội địa thua trên sân nhà ?
Báo chí cho rằng hàng Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam kể cả dệt may. Thế nhưng ở vùng Tây nguyên xa xôi có vẻ như người dân vẫn thích hàng may mặc của Việt Nam, theo mô tả của một cư dân Đăklak:
Vùng khác không biết sao chỗ tôi ở họ vẫn sử dụng hàng Saigon may là nhiều nhất. Trên Tây nguyên thì đa số cuộc sống người dân còn thấp cho nên người ta vẫn chọn yếu tố đầu tiên là bền và rẻ còn yếu tố thẩm mỹ thì đứng hàng thứ hai
cư dân Đăklak
-“Dân nhà nghèo mình ở đây xài hàng Việt Nam chất lượng thấp là nhiều, thị trường cho nông thôn tuy không quảng cáo rùm beng là do những hãng cao cấp không chú ý, hàng chất lượng thấp chiếm lĩnh thị trường này, hàng Trung Quốc thì ít thôi…Vùng khác không biết sao chỗ tôi ở họ vẫn sử dụng hàng Saigon may là nhiều nhất. Trên Tây nguyên thì đa số cuộc sống người dân còn thấp cho nên người ta vẫn chọn yếu tố đầu tiên là bền và rẻ còn yếu tố thẩm mỹ thì đứng hàng thứ hai.”
Có thể ý kiến những người dân chúng tôi hỏi chuyện không phản ảnh đầy đủ thực tế tiêu dùng hàng dệt may và giày dép ở nông thôn. Tuy nhiên một nông dân Cần Thơ đã không hết lời cổ vũ cho hàng hóa nội địa mà gia đình ông là khách hàng thường xuyên:
-“So sánh hàng Việt Nam chất lượng cao thì giá phải cao hơn hàng Trung Quốc, Thái Lan bởi vì mẫu mã vừa đẹp vừa phù hợp với thị hiếu của người dân, giày dép của nó qua đây không đẹp bằng hàng mình như của Biti’s, quần áo cũng vậy. Còn hàng sản xuất đại trà ‘bán hàng la’ thì của mình rẻ hơn nó, bán hàng la là người bán hàng ngày chở hàng ra chợ trải miếng ‘da’ bày hàng cho người này người kia mua gọi là bán hàng la”
Đi về những vùng nông thôn sâu ở phía Bắc thì chuyên gia nói là hầu hết dép nhựa là của Trung Quốc, những thứ này vừa rẻ lại tương đối có độ bền. Thị phần của dép Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ khá cao ở nông thôn có thể tới 60%-70%.
Ông Diệp Thành Kiệt
Ông Diệp Thành Kiệt cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, đối với mặt hàng giày dép thị phần của các nhà sản xuất nội địa như thế nào. Ông Kiệt nhận định:
- “Nông thôn chủ yếu người ta đi dép, hiện nay ở những vùng phía Bắc vào những chợ nông thôn sẽ thấy đa số dép nhựa của Trung Quốc. Dép nhựa Việt Nam có giá cao hơn, cũng ở nông thôn nhưng những khu vực thị xã mới bắt đầu có dép của Việt Nam. Đi về những vùng nông thôn sâu ở phía Bắc thì chuyên gia nói là hầu hết dép nhựa là của Trung Quốc, những thứ này vừa rẻ lại tương đối có độ bền. Thị phần của dép Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ khá cao ở nông thôn có thể tới 60%-70%.”
Khẩu hiệu người Việt dùng hàng Việt và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của chính phủ đã giúp các doanh nghiệp trong đó có dệt may, giày dép tăng được thị phần và giảm bớt chi phí so với họat động đơn lẻ. Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Kiệt không phải nhà sản xuất hàng may mặc nào cũng có thể trở lại thị trường nội địa:
nếu tất cả doanh nghiệp dệt may làm hàng tiêu thụ nội địa thì dân số Việt Nam phải tăng gấp 4 lần mới tiêu thụ hết sản lượng. Thế nhưng với năng lực mạnh mẽ như thế mà ngành dệt may lại mất chỗ đứng trên sân nhà và đặc biệt với 60 triệu cư dân nông thôn thì quả thật là một nghịch lý
ông Diệp Thành Kiệt
-“Thị trường nội địa cũng có tính chất cạnh tranh khốc liệt không kém gì thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó còn có vấn đề khắc nghiệt nữa là bản thân doanh nghiệp phải tự xác định được sản phẩm của mình, tự thiết kế sản phẩm, tự làm công tác marketing và tự quyết định bán hàng.”
Phát triển quá nhanh theo hướng gia công làm hàng xuất khẩu đã khiến việc giành lại thị phần nội địa của ngành dệt may không dễ dàng và cũng không hấp dẫn doanh nghiệp. Trong chiến lược phát triển tới 2015, ngành dệt may đặt mục tiêu 8,6 tỷ USD giá trị tiêu dùng trong nước, so với kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 20 tỷ USD. Các nhà họach định chính sách cho rằng cần có sự cân đối hợp lý cho bài toán sản xuất của ngành dệt may.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, thử tưởng tượng nếu tất cả doanh nghiệp dệt may làm hàng tiêu thụ nội địa thì dân số Việt Nam phải tăng gấp 4 lần mới tiêu thụ hết sản lượng. Thế nhưng với năng lực mạnh mẽ như thế mà ngành dệt may lại mất chỗ đứng trên sân nhà và đặc biệt với 60 triệu cư dân nông thôn thì quả thật là một nghịch lý.
Theo dòng thời sự:
- Thêm rào cản cho quần áo giày dép Việt Nam
- Hà Nội phát động chiến dịch "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt"
- Chiến dịch mua hàng dệt may trong nước để hỗ trợ vùng biền đảo
- Người Việt dùng hàng Việt hãy còn là một giấc mơ
- Người Việt "đòi" gì ở hàng Việt
- Doanh nghiệp VN bất lợi trên sân nhà
- Doanh nghiệp thoi thóp trong cơn khát vốn
- Mở cửa thị trường nhưng không muốn cạnh tranh
- "Người Việt dùng thuốc Việt"
- Dệt may hết thời nhân công giá rẻ
- Thời trang Việt Nam