Thuế xăng tăng mạnh: Người dân nói gì?

Đề xuất của Bộ Tài Chính về Dự thảo nới khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng thuế đối với xăng dầu lên mức cao nhất là 8000 đồng/lít, gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thị trường xăng dầu Việt Nam trải qua 22 lần điều chỉnh giá cả trong năm 2016, trong đó có đến 13 lần tăng giá. Vừa bước sang năm 2017, Bộ Công Thương-Tài Chính điều chỉnh các mặt hàng xăng dầu theo chu kỳ vào ngày 4 tháng Giêng và đợt điều chỉnh đầu tiên trong năm mới này được đánh giá là tăng mạnh. Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính vừa trình Dự thảo nới khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng thuế xăng dầu lên mức cao nhất là 8000 đồng/lít, để lấy ý kiến.

Đài RFA tiếp xúc với một số người dân trong nước và được cho biết họ phải trả khoảng 7 loại thuế và chi phí cho một tít xăng, bao gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức và chi quỹ bình ổn. Hiện tại, mức thuế và phí cho một lít xăng tính theo giá cả bán lẻ chiếm hơn 8.500 đồng. Và nếu thuế xăng dầu đẩy lên cao gấp 2-3 lần, ở khung cao nhất là 8000 đồng/lít thì mức thuế phí sẽ chiếm hơn 13.000 đồng. Bạn trẻ Nguyễn Peng, cư ngụ tại Sài Gòn, nói về sự bức xúc khi phải trả thuế xăng dầu theo như Dự thảo của Bộ Tài Chính đề ra:

Vấn đề gần Tết giá xăng lên một cách rõ rệt, dẫn đến tăng chi phí giá cả trong việc đi lại những Tết, tác động đến nhiều gia đình.<br/> - Bạn trẻ Nguyễn Peng

“Vấn đề gần Tết giá xăng lên một cách rõ rệt, dẫn đến tăng chi phí giá cả trong việc đi lại những Tết, tác động đến nhiều gia đình; ví dụ những gia đình giàu có thì không sao nhưng các gia đình nghèo thì sẽ khổ nữa. Trước mắt dịp Tết này ảnh hưởng rất nặng nề. Kéo dài thì em nghĩ sẽ tăng lên nữa. Cho nên việc phản đối quyết liệt của tuổi trẻ tụi em là kêu gọi các bạn trẻ lên tiếng phản đối cho người dân.”

Hồi hạ tuần tháng 9 năm ngoái, tại phiên thảo luận bàn tròn về kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với các chuyên gia Ngân hàng Thế giới-World Bank, Thứ trưởng Bộ tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tuyên bố chú trọng tăng thu thuế bảo vệ môi trường và sẽ tiếp tục thúc đẩy thu loại thuế này trong năm tới vì lợi ích kinh tế lẫn chính trị. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn còn khẳng định đối tượng thu và phương thức thu cũng “được lòng dân hơn”.

Tuy nhiên, đa số người dân trong nước phản đối mạnh mẽ đối với Dự thảo đề nghị nới khung thuế bảo vệ môi trường bằng việc tăng thuế xăng dầu. Họ dẫn giải số thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng liên tục và ổn định trong vòng 3 năm qua. Mức thu thuế bảo vệ môi trường qua các năm 2014 là 11.970 tỉ đồng, năm 2015 là 27.020 tỉ đồng và năm 2016 là 40.168 tỉ đồng. Trong khi mức chi cho việc bảo vệ môi trường quốc gia lần lượt là gần 10 ngàn tỉ đồng, hơn 11 ngàn tỉ đồng và khoảng 12.200 tỉ đồng trong 3 năm.

Ảnh hưởng của giá xăng

Mua bán tấp nập trước Tết nguyên đán. Ảnh chụp 23/1/2017 tại Hà Nội.
Mua bán tấp nập trước Tết nguyên đán. Ảnh chụp 23/1/2017 tại Hà Nội. (AFP photo)

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số các bạn trẻ tại Việt Nam phản đối Dự thảo vừa nêu với khẩu hiệu “Phản đối tăng giá xăng” hay “Tăng giá xăng là hút máu dân” và vào chiều ngày 18 tháng 1, một nhóm nhỏ các nhà hoạt động xã hội đến trước cửa Bộ Tài Chính biểu tình ôn hòa cùng các biểu ngữ trên tay. Một bạn trẻ trong nhóm chia sẻ chọn xuống đường vì họ buộc phải sống tại một trong những quốc gia có môi trường ô nhiễm nhất thế giới mà phải còng lưng đóng thuế bảo vệ môi trường một cách phi lý:

“Trong số những người xuống đường nhận biết được giá dầu trên thế giới đang có xu hướng giảm mà giá xăng trong nước càng ngày càng tăng. Và hiện giờ giá xăng trong nước đã chênh với giá xăng trên thế giới khoảng tầm 8000 đồng/lít. Trong khi đó, Nhà nước vẫn nói dùng số tiền chênh giá đó để vào quỹ bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế đâu có thấy họ bảo vệ môi trường gì đâu, Formosa vẫn thải chất độc và môi trường vẫn ô nhiễm. Vì sự vô lý quá lớn đó mọi người cần xuống đường để gióng tiếng nói về thứ nhất là sự lươn lẹo của phía nhà cầm quyền nói không đúng sự thật và thứ hai là đồng tiền đó không biết trôi đi đâu về đâu mà những đồng tiền đó không phải từ trên trời rơi xuống mà là mô hôi nước mắt của người dân lao động.”

Không chỉ dân chúng phản đối Dự thảo nới khung thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài Chính, các doanh nghiệp cũng đồng loạt lên tiếng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và theo họ Nhà nước cứ tận thu bằng hình thức thu thuế thì nền sản xuất trong nước sẽ bị triệt tiêu trong tương lai gần.

Về phía các chuyên gia kinh tế, họ cho rằng khá bất ngờ khi tiếp nhận thông tin về Dự thảo của Bộ Tài Chính. Tiến sĩ Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, nhận định với báo giới trong nước nếu sắp tới thuế bảo vệ môi trường lại tiếp tục tăng thì sẽ tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp cũng như gây bức xúc cho người tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu lên quan điểm của ông với RFA:

Đây là một lý do nhưng lý do này có thực hiện hay không; hay là chỉ viện lý do để có những biện pháp tài chính tăng thu ngân sách? <br/> - Chuyên gia Bùi Kiến Thành <br/>

"Vấn đề đánh thuế trên xăng gọi là thuế môi trường, ý nghĩa là muốn dùng các nguồn thu thuế đó để dùng vào việc bảo vệ môi trường. Đây là một lý do nhưng lý do này có thực hiện hay không; hay là chỉ viện lý do để có những biện pháp tài chính tăng thu ngân sách? Số thu ngân sách này có minh bạch trong việc bảo vệ môi trường hay không? Đó là câu hỏi đầu tiên. Vấn đề thứ nhì là khi giá xăng tăng thì tự nhiên làm tăng chi phí sinh hoạt của mỗi gia đình, của mỗi người dân cũng như làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Trong đó, chi phí sản xuất tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Và như vậy sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đối với hàng hóa của nước ngoài nhập vào Việt Nam cũng như đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu. Do đó sẽ gây ảnh hưởng cho nền kinh tế Việt Nam về năng lực sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh đối với nền kinh tế quốc tế."

Trong khi các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế tỏ ra lo lắng mức thuế, phí theo như Dự thảo của Bộ Tài Chính đề xuất tăng gấp 3 lần so với mức hiện tại, đã chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá xăng dầu, sẽ gây tác động nặng nề lên nền kinh tế của Việt Nam thì những người dân Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc nói rằng Nhà nước muốn làm sạch môi trường trước hết phải có “cái đầu sạch” cũng như góp ý với Chính phủ nên đánh thuế tối đa đối với mặt hàng xe hơi và xe gắn máy để dân chúng di chuyển bằng phương tiện xe đạp như thời bao cấp; như vậy có phải môi trường được trong sạch hơn không?