Mẹ Việt Nam anh hùng có cần xây tượng hơn 400 tỷ đồng?

Dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, với chi phí dự kiến đến lúc này là 411 tỷ đồng, đang tạo nhiều dư luận khác nhau đối với người địa phương cũng như nhiều phía khác trong nước.

Tượng đài kinh phí từ 81 tỷ lên thành 411 tỷ đồng?

Với chi phí xây dựng dự tính 81 tỷ năm 2007, hôm thứ Năm tuần này ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam loan báo quyết định xin bổ sung 330 tỷ, nâng tổng số vốn để xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lên thành 411 tỷ, tăng gấp năm lần kinh phí phê duyệt lúc đầu.

Đây là tượng đài sẽ được xây ở khu vực núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Khởi công từ tháng Bảy 2007, hiện tượng đài đã hoàn tất một phần của khối lượng mẫu.

Tượng đài được thủ tướng chính phủ ký duyệt đưa vào danh sách công trình văn hóa cấp quốc gia, tạc bằng đá hoa cương, nguyên mẫu từ người được vinh danh mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, có chín đứa con trai đều chết trong cuộc chiến.

Với chi phí xây dựng dự tính 81 tỷ năm 2007, hôm thứ Năm tuần này ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam loan báo quyết định xin bổ sung 330 tỷ, nâng tổng số vốn để xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lên thành 411 tỷ <br/>

Ông Cả, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam, cho biết:

Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương và có đề nghị, sau đó được chính phủ đồng ý cho xây với qui mô như vậy. Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng là công trình quốc gia, lấy nguyên mẫu của bà mẹ Nguyễn Thị Thứ chứ không phải chỉ là tượng đài của tỉnh không thôi, cho nên nó có ý nghĩa tất lớn đối với quốc gia và đối với truyền thống của người dân xứ Quảng, đồng thời nó cũng góp phần vào lãnh vực văn hóa và du lịch của địa phương.

Về vấn đề kinh phí xây dựng tăng quá cao so với dự kiến ban đầu, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam giải thích rằng với một công trình quí mô cấp quốc gia, được quyết định đổi từ chất liệu sa thạch sang hoa cương, cộng với sự trượt giá vật liệu những năm qua, thì đương nhiên giá thành xây dựng phải tăng lên:

Đồng thời qui mô của nó cũng có sự thay đổi từ việc xây thêm bảo tàng bên trong, cho nên kinh phí có tăng lên và chúng tôi đang chờ được trung ương hỗ trợ. .

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng là công trình quốc gia, lấy nguyên mẫu của bà mẹ Nguyễn Thị Thứ chứ không phải chỉ là tượng đài của tỉnh không thôi, cho nên nó có ý nghĩa tất lớn đối với quốc gia và đối với truyền thống của người dân xứ Quảng

Ông Cả, phó chủ tịch UBND Quảng Nam

Một cán bộ Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch ở Quảng Nam, không cho biết tên, nói với đài Á Châu Tự Do rằng đứng về góc độ văn hóa thì tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng là việc cần thiết phải làm vì văn hóa

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, với chi phí dự kiến đến lúc này là 411 tỷ đồng. Source Đà Nẵng.Gov
Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, với chi phí dự kiến đến lúc này là 411 tỷ đồng. Source Đà Nẵng.Gov (Source Đà Nẵng.Gov)

bao gồm cái nghĩa cử đối với người đã cống hiến cho đất nước những gì lớn lao nhất của cuộc đời mình.

Vẫn theo lời ông, là thế hệ đi sau thì phải cố gắng làm một cái gì đó để tri ân, mà tri ân thì phải gắn với một công trình vĩnh cửu, và trong điều kiện khó khăn hiện giờ nếu không thực hiện ngay được thì cũng phải tìm cách để làm cho được.

Cốt ở ý nghĩa không cần to lớn

Ý kiến của người dân Quảng Nam về tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng như thế nào? Một người trung niên ở Tam Kỳ cho rằng tượng đài là một ý nghĩa cần thiết nhưng không vì thế mà phải tốn mấy trăm tỷ đồng và cũng không chắc công trình có thu hút nỗi khách du lịch không:

Rất quí để người sau có thể nhớ lại công ơn của người đi trước, nhưng nếu chi phí lớn quá trong khi dân còn nghèo là điều không nên. Với số tiền như vậy thì nên giúp đỡ cho những người mẹ Việt Nam anh hùng đương còn sống mà đương trong hoàn cảnh khó khăn thì nó có ý nghĩa hơn và người dân sẽ hoan nghênh hơn là một tượng đài lớn ở một tỉnh nghèo.

Một cư dân khác ở Duy Xuyên:

Bốn trăm mốt tỷ đồng so với tầm cở quốc gia đâu có chi là lớn, nhưng so với tình hình khó khăn bây giờ là nó lớn. Mình đang nợ nước ngoài tới 32 tỷ (đô la). Chừ đối với tượng đài thì đắt tiền hay không đắt tiền là cái mình phải hỏi mẹ mình. Mình phải hỏi mẹ ơi sau này con muốn xây cho mẹ cái tượng thiệt to vì sự hy sinh lớn lao của mẹ, hoặc con xây cho mẹ cái mộ thiệt là lớn khi mẹ mất. Thì mẹ mình nói không bao giờ mẹ muốn.

<i>Rất quí để người sau có thể nhớ lại công ơn của người đi trước, nhưng nếu chi phí lớn quá trong khi dân còn nghèo là điều không nên. Với số tiền như vậy thì nên giúp đỡ cho những người mẹ Việt Nam anh hùng đương còn sống mà đương trong hoàn cảnh khó khăn thì nó có ý nghĩa hơn</i> <br/>

Người mẹ khi đã hy sinh không bao giờ muốn đền đáp lại hết, họ chỉ muốn con mình nên người, có ăn có họ, đừng làm điều bậy bạ bức hại dân lành là mẹ sung sướng rồi.
Chứ chừ có xây mười cái tượng to bà mẹ hy sinh vì chiến tranh đưa con ra chiến trường rồi lấy cái tiền khổ cực của dân xây là điều không nên. Xây to là xây cho mình chứ không phải cho người đã mất. Mình phải phân tích mục đích xây bức tượng là gì cái đã. Xây bức tượng mà người dân họ phát triển êm ấm hơn, vì lợi ích thiết thức của dân thì nên xây. Xây để tuyên truyền thì không nên vì ai hy sinh ai đấu tranh ai gian khổ thì vẫn có trong lòng người dân rồi.

Phóng viên báo địa phương không muốn nên tên, phân tích rằng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ra đời trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công:

Cắt giảm đầu tư công thì có cần thiết phải đầu tư như vậy không, đó là quan điểm thứ nhất.

Quan điểm thứ hai, nhà báo nói tiếp, việc bổ sung kinh phí cho tượng đài mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã dược duyệt trước khi có nghị định 11 của chính phủ về cắt giảm đầu tư công cho nên nó không ảnh hưởng.

báo chí khi đưa tin này thì ngoại trừ vấn đề chi phí vấn đề đầu tư mà nếu không khéo thì có thể làm tổn thương đến tình cảm của một bộ phận người dân, trong đó những người đã hy sinh quá nhiều như bà mẹ Nguyễn Thị Thứ.

Phóng viên báo địa phương

Nhưng về ý kiến là trong lúc dân còn nghèo mà lại xây tượng đài hoành tráng, nhà báo này lập luận là không nên giữ quan điểm cực đoan về hướng nào. Theo anh, bốn trăm mười tỷ để giải quyết cái nghèo cho tỉnh Quảng Nam thì có thể giải quyết được một phần, thế nhưng với một tượng đài không chỉ cho Quảng Nam mà cho hình tượng những người mẹ có con cái hy sinh thì cũng là một tôn vinh cần thiết chứ không phải vì nghèo mà không làm.

Quan điểm thứ ba, ký giả trình bày tiếp, báo chí khi đưa tin này thì ngoại trừ vấn đề chi phí vấn đề đầu tư mà nếu không khéo thì có thể làm tổn thương đến tình cảm của một bộ phận người dân, trong đó những người đã hy sinh quá nhiều như bà mẹ Nguyễn Thị Thứ.

Được biết từ 2007, giới hữu trách bộ, ngành, trung ương của tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần họp bàn và nhiều lần sửa sang điều chỉnh tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng nâng công trình từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia .

Người phác thảo tượng đài, họa sĩ Đinh Gia Thắng, cho biết thực ra lúc trước dự toán ban đầu đã cho thấy kinh phí cao hơn nhiều:

Tức là ngay từ đầu dự toán đã là 130 tỷ rồi. Từ giữa 2006 thì một đơn vị tư vấn đã tính toán ít nhất cũng phải mức đó, nhưng mà tỉnh Quảng Nam thì chỉ đạo là làm sao không chế ở mức hơn 80 tỷ là cùng thôi, mức độ của một công trình cấp tỉnh thôi.

Sau đó, qua rất nhiều buổi họp rồi tại cuộc họp tháng Tư năm 2007 thì ý kiến chung là nên đưa tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng của Quảng Nam thành biểu tượng bà mẹ tổ quốc:

Thì cái mức Quảng Nam đặt ra hơn 80 tỷ thực sự là không khả thi với mặt bằng một trăm năm mươi mấy nghìn mét vuông , cả một công viên khổng lồ với bao nhiêu hạng mục như thế thì 80 tỷ đầu tư cho cơ sở hạ tầng không thôi chưa chắc đã đủ.
Đây là một công trình phải thi công nhiều năm, có nhiều đặc thù về kỹ thuật, cả một quần thể rất phức tạp, rồi bảo tàng trong lòng tượng mẹ nữa, cho nên con số 80 tỷ không khả thi. Định mức một dự án như thế là bốn trăm mốt tỷ rồi đấy, nên là dư luận thắc mắc.

Được biết một viện bảo tàng, còn gọi là nhà tưởng niệm, với tên tuổi và hình ảnh khoảng năm chục ngàn phụ nữ, sẽ được thiết kế bên trong khối tượng mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là những người được Hà Nội vinh danh là những phụ nữ tiêu biểu trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.