EU và Hoa Kỳ lên án tình hình nhân quyền Việt Nam

0:00 / 0:00

Hồi trung tuần tháng tư vừa qua, Nghị viện Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ lại có lên án về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam; tuy nhiên Việt Nam luôn bác bỏ những lên án như thế.

Thực tiễn

Hiện còn một số người có các hoạt động vì tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đang bị giam giữ.

Chúng tôi xin phép nêu lên hai trường hợp mà gia đình đang rất lo lắng. Đó là trường hợp của ông Ngô Hào ở tại tỉnh Phú Yên. Ông này bị bắt từ hồi ngày 28 tết, tức ngày 8 tháng 2 vừa qua. Đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ một văn bản nào từ phía cơ quan chức năng. Trong khi đó, một người con của ông Ngô Hào, là Ngô Minh Tâm theo học tại Sài Gòn, cũng bị cơ quan an ninh làm việc liên tục từ thời gian sau tết cho đến nay.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, vợ của ông Ngô Hào, vào ngày 23 tháng 4 vừa qua cho biết thông tin liên quan:

“Từ đó đến nay không có thông tin gì hết. Gia đình hỏi cơ quan chức năng thì cơ quan chức năng nói ông bị vi phạm như vậy nên không được gặp. Họ không cho mình biết thông tin gì, hay lý do gì hết. Hằng tháng họ chỉ cho gửi đồ ăn vào thôi, ngoài ra mình không biết gì hết. Từ ngày bắt đi rồi, họ không hỏi, không nói gì với gia đình hết trơn hết trọi. Chỉ có cháu Tâm bị điều tra tới, điều tra lui. Người ta điều tra những điều mà cháu có liên quan đến ba cháu. Hồi trong tết chưa bắt ba cháu, cháu cũng bị gọi…Khi tết về nhà, hai cha con ai cũng bị bệnh hết. Cháu mệt mỏi nói làm việc gì mãi, không học gì được. Nay công an ngoài quê vào là, việc, củng cố hồ sơ. Tôi ở nhà rất đau khổ, thấp tha thấp thỏm, sợ không biết nó có bị bắt hay không.”

Một trường hợp khác nữa là gia đình luật sư Lê Quốc Quân. Ông này bị bắt giam từ ngày 27 tháng 12 năm ngoái với cáo buộc trốn thuế. Trước đó một người em của ông này là doanh nhân Lê Đình Quản cũng bị bắt. Rồi một người bà con là Nguyễn Thị Oanh làm việc trong công ty cũng bị mời đi thẩm vấn.

Anh Lê Quốc Quyết, em của luật sư Lê Quốc Quân, cho biết về tình hình của luật sư Lê Quốc Quân, doanh nhân Lê Đình Quản hiện nay và một người thân làm việc trong công ty là cô Oanh như sau:

“Hôm thứ hai tôi đi gửi đồ thì tiếp tục bị cắt (thăm nuôi) lần thứ hai. Đợt trước bị cắt một lần rồi, nhưng cắt một kỳ thôi, còn đợt này cắt hai kỳ liên tục. Tôi hỏi lý do gì thì họ nói vi phạm nội qui trại. Đòi văn bản thì họ không đưa ra, họ chỉ nói trong báo ra ‘vi phạm’ thôi. Họ nói vi phạm nội qui. Luật sư trong lần tiếp xúc gần đây nhất là thứ năm tuần rồi, luật sư được biết anh Quân phản đối việc mặc áo tù, và thứ hai phản đối bản cáo trạng vì anh cho là ra một cách vội vã và hoàn toàn vu khống cho anh, nên anh phản đối bản cáo trạng. Việc phản đối bản cáo trạng thì không liên quan nội qui trại mà chỉ liên quan việc phản đối mặc áo tù thôi. Mặc dù đã có cáo trạng, nhưng chưa có lịch xử anh Quân. Luật sư tiếp tục bị cản trở: chưa tiếp xúc được hồ sơ, chưa photo được hồ sơ, với lại đặc biệt mỗi lần lên Viện Kiểm Soát, họ lại chuyển lên tòa; lên tòa họ lại đòi chứng nhận ‘lung tung’. Luật sư Hà Huy Sơn đến giờ vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận của tòa; luật sư Trần Thu Nam không biết thế nào!; hình như có giấy chứng nhận rồi.

Trường hợp của Quản, luật sư đã tiếp xúc được lần thứ hai. Quản đã bị giam gần 6 tháng rồi. Và hình như phải gia hạn thêm hai tháng nữa. Quản thông báo với luật sư là chưa ký nhận giấy gia hạn tạm giam, và gia đình cũng chưa nhận được gì. Oanh mang thai được 29 tuần, và đúng cách đây một tuần, Oanh thấy cháu không đạp nữa, đi khám thì tim thai ngừng rồi. Vào đúng một tuần, hôm nay mới đưa cháu ra được. Bác sĩ chưa kết luận về nguyên nhân; nhưng rõ ràng cháu bé có vấn đề không chịu được nên mất trong bụng mẹ như vậy. Oanh mang thai đến tháng thứ ba thì bị giam và giam đến hai tháng sau mới thả ra.

Có một việc rất đau lòng đó là tôi vừa đi đưa tang cháu bé con của Oanh về. “

Lên án

Trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân được nêu ra trong phúc trình thường niên của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ hồi ngày 19 tháng 4 vừa qua; theo đó tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm qua xấu đi chứ không tiến triển gì.

Theo phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì cơ quan chức năng Việt Nam đã hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến, thông qua những qui định luật pháp mơ hồ về an ninh quốc gia để bỏ tù những người bất đồng chính kiến, sách nhiễu những người hoạt động và gia đình của họ. Tất cả những việc làm đó của cơ quan chức năng Việt Nam bất chấp yêu cầu tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hôm ngày 12 tháng tư vừa qua, đại diện phía Việt Nam và Hoa Kỳ cũng gặp nhau trong vòng đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 17. Lẽ ra hoạt động này đã diễn ra hồi cuối năm ngoái, nhưng bị hoãn lại cho đến ngày 12 tháng tư vừa rồi.

Phái đoàn Hoa Kỳ dự đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ tại Hà Nội muốn được gặp hai người từng công khai lên tiếng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Nguyễn Văn Đài, thế nhưng cả hai người đã bị ngăn chặn.

Vào ngày 18 tháng 4, Nghị Viện Liên Minh Châu Âu thông qua nghị quyết lên án nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền, quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Nghị quyết được sự nhất trí của 6 chính đảng, chỉ có một đảng là đảng cực tả bỏ phiếu trắng.

Bác bỏ

Ngay sau khi có nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu và phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền của Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bác bỏ cho rằng cả hai có cái nhìn sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một bài xã luận đăng vài ngày trước khi diễn ra kỳ đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 17, nêu ra câu hỏi liệu ông Daniel Baer không thấy rằng nếu xem xét vấn đề nhân quyền tại Việt Nam qua nhãn quan của những người Mỹ gốc Việt chống Cộng có phải là cực đoan hay không!

Cũng như những lần khác khi được hỏi về việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến, cơ quan chức năng Việt Nam cũng như các quan chức đều cho rằng những người đó vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong khi ấy, thì những người trong cuộc đều cho rằng họ hành xử các quyền công dân đã được qui định trong Hiến pháp Việt Nam.