Lao động bất hợp pháp tại Malaysia có thể bị trả về nước

Malaysia vẫn đang cho tiến hành chương trình đăng ký và kiểm tra kể cả đối với lao động nước ngoài hợp pháp và bất hợp pháp, qua đó nhiều ngàn công nhân không hợp lệ Việt Nam có thể bị gởi trả về nước nếu không tuân thủ qui định của chương trình đang được gia hạn này.

0:00 / 0:00

Với mục đích tăng cường sự quản lý đồng thời ngăn chặn các vấn đề xã hội cũng như tội phạm liên quan tới người nhập cư, chương trình vừa nói , gọi tắt là 6P, bao gồm nhiều việc như lấy dấu tay, phân loại, ân xá, giám sát và trục xuất.

Chính sách hợp pháp hóa của Malaysia

Theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, trong số những lao động nhập cư đã đăng ký, Việt Nam có gần năm chục nghìn lao động hợp pháp và mười hai nghìn lao động bất hợp pháp. Tin cũng nói chính phủ Malaysia tiếp tục thực hiện chương trình này như một cơ hội ân xá, bởi theo lẽ chương trình đã hết hạn từ ngày 31 tháng Tám nhưng được gia hạn tới giờ này.

Như vậy những người nhập cư và làm việc bất hợp pháp mà nếu có đăng ký theo qui định thì hoặc là được chính quyền sở tại lập thủ tục cho về nước hoặc được xem xét để hợp pháp hóa nếu đang có việc làm ở bản địa.

Từ Hà Nội, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước trực thuộc Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội, bà Hoàng Kim Ngọc, giải thích rõ hơn:

Trong số mười hai ngàn đấy không phải toàn bộ là lao động Việt Nam, cũng không phải tất cả đều bị trục xuất. Chủ trương của họ là tất cả những ai mà đang có việc làm thì ra đăng ký để hợp pháp hóa công việc đấy tại vì trước nay là họ làm việc bất hợp pháp.

Trong số mười hai ngàn đấy không phải toàn bộ là lao động Việt Nam, cũng không phải tất cả đều bị trục xuất. Chủ trương của họ là tất cả những ai mà đang có việc làm thì ra đăng ký để hợp pháp hóa công việc đấy tại vì trước nay là họ làm việc bất hợp pháp.

bà Hoàng Kim Ngọc

Công nhân kỹ thuật Việt Nam trong 1 công xưởng nước ngoài (ảnh minh họa)
Công nhân kỹ thuật Việt Nam trong 1 công xưởng nước ngoài (ảnh minh họa) (AFP)

Thế còn đối với những người không có công ăn việc làm mà có nguyện vọng về nước thì họ sẽ cho về. Đây là họ tạo điều kiện và tạo những biện pháp tối ưu rồi.

Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam còn loan rõ là những người ở Malaysia, chưa đăng ký hoặc đã đăng ký rồi, được xếp vào diện phải về nước mà không chịu về khi đến thời hạn 31 tháng Mười này, kể cả người đang có việc làm nhưng không thực hiện thủ tục xin cấp phép lao động, tức là được hợp thức hóa, thì sẽ đối diện với nguy cơ bị bắt giữ một khi chính phủ sở tại phát động chiến dịch kiểm tra bắt đầu tháng Mười Một năm nay.

Tính đến lúc này chỉ mới 180 lao động bất hợp pháp Việt Nam ra đăng ký lấy dấu tay với cơ quan hữu trách Malaysia. Theo phó cục trưởng Hoàng Kim Ngọc thuộc Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, Việt Nam từng khuyến cáo điều này với lao động bất hợp pháp ở Malaysia từ trước:

Nếu mình cố tình không hợp tác thì lúc ấy họ buộc phải có chính sách cứng rắn. Mình đã khuyên từ lâu rồi , báo chí và các phương tiện của mình đã nhắn nhủ qua người lao động cũng như gia đình của người lao động rồi. Ban quản lý lao động của mình ở Malaysia cũng đã hướng dẫn người lao động là những ai có công ăn việc làm thì đăng ký theo hướng dẫn của nước bạn.

Nói chung người Việt mình thì đấy là những người lao động và họ ra ngoài hay ở lại cũng chỉ vì mục tiêu công việc để có thu nhập tốt hơn chứ không làm điều gì xấu. Nhưng theo qui định của bạn và theo thỏa thuận giữa mình với bạn thì không được và họ đành phải trở về thì họ thiệt thòi.

bà Hoàng Kim Ngọc

Nói chung người Việt mình thì đấy là những người lao động và họ ra ngoài hay ở lại cũng chỉ vì mục tiêu công việc để có thu nhập tốt hơn chứ không làm điều gì xấu. Nhưng theo qui định của bạn và theo thỏa thuận giữa mình với bạn thì không được và họ đành phải trở về thì họ thiệt thòi.

Viên chức của Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước còn khẳng định người nhập cư và lao động bất hợp pháp ở Malaysia nên tận dụng cơ hội mà bà gọi là chính sách hợp pháp hóa của Malaysia tạo điều kiện cho người lao động có được công việc ổn định và hợp pháp trên đất nước của họ.

Có thể nói Malaysia là thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu của Việt Nam ở Châu Á, tức chỉ sau Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Nhật Bản. Công nhân Việt Nam sang Malaysia làm việc trong các công trường xây dựng hay trong các hãng xưởng điện tử và công nghiệp nặng.

Ngoài người Việt Nam, Malaysia còn tiếp nhận lao động từ Indonesia, Philippines, Miến Điện, Thái Lan vân vân.

Với số lao động nhập cư bất hợp pháp càng ngày càng cao, từ ba năm qua Malaysia nhiều lần phát động những đợt kiểm tra và những biện pháp xử phạt cứng rắn như bắt giữ hay trục xuất cho tới khi tiến hành chương trình kiểm tra 6P này.