Người Việt bước vào chính trường Ba Lan

0:00 / 0:00

Ngày 16 tháng 11 năm 2014 tới đây sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của cộng đồng người người Việt tại Ba Lan, đó là lần đầu tiên có 7 người Ba Lan gốc Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng các cấp quận, thành phố và tỉnh ở địa phương.Thông tín viên Tường An trao đổi với một vài ứng cử viên cũng như cư dân Ba Lan và gửi về bài tường thuật sau đây

Ứng cử vào Hội đồng các cấp quận, thành phố và tỉnh

Với khoảng 40.000 người Việt định cư tại Ba Lan từ gần nửa thế kỷ nay, công đồng người Việt tại đây được coi là một cộng đồng khá khép kín và ít quan tâm đến tình hình chính trị của bản xứ. Sự kiện cùng một lúc 7 người Ba Lan gốc Việt với độ tuổi từ 22 đến ngoài 60 ứng cử vào Hội đồng tự quản địa phương từ cấp quận tới thành phố và tỉnh phải nói là một sự kiện đặc biệt đánh thức sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại đây cũng như người dân bản xứ.

Danh sách 7 ứng cử viên Ba Lan gốc Việt gồm 1 ứng cử viên cấp tỉnh, 2 ứng cử viên cấp thành phố và 4 ứng cử viên cấp quận.

Ông Ngô văn Tưởng, một ứng cử viên tự do,cựu biên tập viên của báo Đàn Chim Việt, ông đã tốt nghiệp đại học đóng tàu, hiện là thông dịch viên hữu thệ, cho biết lý do ông chọn thời điểm này để tranh cử vào Hội đồng thành phố sau hơn 30 năm sống tại Ba Lan :

« Trước hết là mặc dù khoảng thời gian ở lại Ba Lan rất nhiều nhưng thời gian mà tôi có quốc tịch Ba Lan chỉ mới có 7 năm thôi, Ba Lan là một nước có nền dân chủ thực sự và có bầu cử tự do. Khi có quốc tịch Ba Lan thì tôi luôn luôn tích cực để đi bầu và luôn luôn nghĩ rằng có một ngày nào đó thì tôi sẽ đứng ra ứng cử »

Sống và làm việc tại thủ đô Warszawa hơn 20 năm, ông Ngô văn Tưởng đã tham gia vào các công việc thiện nguyện như soạn thảo những bộ luật về người nước ngoài, hợp pháp hoá cho những người di cư bất hợp pháp cũng như tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội tại địa phương. Ông tin rằng nếu trở thành uỷ viên của hội đồng thành phố, ông có thể mở rộng tầm hoạt động của mình hơn, ông Tưởng nói :

Số lương cử tri gốc Việt Nam rất là ít, để mà trúng cử, chúng tôi không chỉ hy vọng vào số cử tri người Việt mà cái quan tâm lớn trước hết là số cử tri người Ba Lan. Sự có mặt của chúng tôi đã gây được sự chú ý của truyền thông Ba Lan.

ông Ngô văn Tưởng

« Những hoạt động trong lãnh vực văn hoá, xã hội này của tôi đã có từ hơn chục năm nay, nếu tôi trúng cử thì tất cả những hoạt động của tôi sẽ được tiếp tục và có hiệu quả lớn hơn và ở mức độ rộng lớn hơn so với khi tôi chỉ làm một người hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ. Tôi chắc chắn rằng nếu tôi trúng cử thì sự hoạt động của tôi sẽ còn được mở rộng nhiều hơn nữa »

Với khoảng 1 triệu 700 ngàn dân, thành phố Warszawa chỉ chọn 60 uỷ viên trong tổng số 1000 ứng cử viên, trong đó có 2 ứng cử viên người Việt gốc Ba Lan. Với tỉ số 2/1000 người chạy đua vào chiếc ghế ủy viên Hội đồng thành phố, cuộc vận động hứa hẹn nhiều gay go. Người Việt sống tại thủ đô chỉ khoảng 20.000 người mà số người Việt có quốc tịch Ba Lan để được đi bầu lại còn ít hơn nữa. Vì thế, để được ngồi vào chiếc ghế uỷ viên, ngoài việc tin tưởng vào sự ủng hộ của cộng đồng gốc Việt, vẫn phải dựa vào số phiếu của người bản xứ, ông Ngô văn Tưởng nói :

« Số lương cử tri gốc Việt Nam rất là ít, để mà trúng cử, chúng tôi không chỉ hy vọng vào số cử tri người Việt mà cái quan tâm lớn trước hết là số cử tri người Ba Lan. Sự có mặt của chúng tôi đã gây được sự chú ý của truyền thông Ba Lan. Tôi và một số người nữa cũng thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình, truyền thanh. Đó cũng là một yếu tố tích cực cho công đồng Việt Nam ở đây nói riêng và cộng đồng di dân tại thành phố Warszawa nói chung»

Sự hội nhập của người Việt vào xã hội Ba Lan

Ba Lan chấm dứt chế độ Cộng sản sau khi Công đoàn Đoàn kết Ba Lan thắng lớn bằng một cuộc bầu cử bán tự do năm 1989. Với một nền dân chủ hãy còn phôi thai, việc cùng một lúc có 7 người Việt ra ứng cử mà một sự kiện không nhỏ gây sự chú ý của truyền thông Ba Lan. Là một người Việt gốc Ba Lan và lại là một phụ nữ, hoạt động nhiều trong lãnh vực nhân quyền. Điều đó sẽ là ưu hay khuyết điểm khi ứng cử vào hội đồng quận Śródmieście, chị Tôn Vân Anh, một ứng cử viên tự do, không thuộc đảng phái nào, cho biết :

7 ứng cử viên người Ba Lan gốc Việt đều là những gương mặt quen thuộc với cộng đồng, từng tham gia các sinh hoạt văn hoá xã hội và giúp đỡ người Việt tại địa phương. Dó đó, việc có người đồng hương tham gia ứng cử vào sinh hoạt chính trị của thành phố cũng là niềm tự hào cũng như được sự ủng hộ của người Việt sống tại đây

« Việc chúng tôi ra tranh cử đã là một sự kiện gây chú ý đối với dư luận Ba Lan, bởi vì Ba Lan từ trước đến nay là nước ít có người nước ngoài đến nhập cư và cũng là một nước tiến triển chậm hơn nếu nói về đa văn hoá so với các nước Tây Âu. Bởi vì đây là một sự việc mới mẻ nên chúng tôi không biết rằng nó sẽ mang lại nhiều điểm tích cực hay tiêu cự đối với công việc vận động của chúng tôi.Thế nhưng riêng tôi thì tôi tin tưởng rằng : thứ nhất, tôi là một phụ nữ, thứ hai tôi đã phần nào là gương mặt quen thuộc đối với dư luận Ba Lan khi tôi đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam hay là bảo vệ người Việt Nam di cư tới Ba Lan thì dư luận Ba lan đã được làm quen với tôi, đó một phần là một thuận lợi, thế nhưng người ta vẫn có thể đặt câu hỏi là một người hoạt động nhân quyền thì những vấn đề địa phương như vĩa hè, bảo vệ cây xanh và những vấn đề liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của người dân liệu tôi có đủ khả năng, điều kiện cũng như lòng nhiệt tình để gánh vác công việc mà họ cho rằng mới mẻ với tôi hay không ? »

7 ứng cử viên người Ba Lan gốc Việt đều là những gương mặt quen thuộc với cộng đồng, từng tham gia các sinh hoạt văn hoá xã hội và giúp đỡ người Việt tại địa phương. Dó đó, việc có người đồng hương tham gia ứng cử vào sinh hoạt chính trị của thành phố cũng là niềm tự hào cũng như được sự ủng hộ của người Việt sống tại đây, chị Thuý Hoà, một cư dân Warszawa cho biết cảm tưởng :

« Thì rất là hãnh diện… !! Thực ra, đại diện ứng cử ở đây như là anh Tưởng đều có một quá trình rất là dài, rất là lâu. Các anh ấy từ thời còn là sinh viên, sau đó ở lại đây công tác và làm việc và sinh sống. Đối với những gương mặt đi bầu cử thì rất là quen thuộc. Hơn nữa những người Việt sang đây không biết tiếng thì các anh ấy cũng giúp đỡ rất là chân tình và nhiệt thành, tôi nghĩ rằng ở đây đều ủng hộ hết và đấy là tin vui cho cộng đồng nói chung »

Cũng như chương trình vận động của các ứng cứ viên khác, các ứng cử viên người Việt gốc Ba lan cũng đã gặp gỡ nhiều truyền thông Ba Lan, gặp gỡ cử tri, thu thập chữ ký , gần đây các ứng cử viên xuất hiện nhiều trên truyền thông Ba Lan, do đó gây được sự chú ý của người dân bản xứ. Chị Thuý Hoà hãnh diện cho biết :

« Những người bạn Ba Lan người ta cũng rất ủng hộ cho người Việt mình tham gia tranh cử. Ngay cả những người hàng xóm ở đây, người ta thấy trên News , người ta đi ngang qua đây người ta cũng giữ lại để hỏi chuyện. Người ta bảo là hôm nào cũng muốn gặp anh Tưởng để nói chuyện, người ta bảo rất là hay việc người Việt tham gia tranh cử »

Đã có quốc tịch Ba Lan, ngày 16 tháng 11 tới đây, chị Quyên chắc chắn sẽ dùng lá phiếu của mình để thực hiện quyền công dân trong một xã hội dân chủ, chị bày tỏ niềm hân hoan khi nghe biết danh sách ứng cử lần này sẽ có mặt người Việt tham gia :

« Rất vui mừng ! Các cụ đã nói rồi « Một người làm quan cả họ được nhờ » Nếu như một trong những ứng cử viên ấy mà được đắc cử thì là tốt quá ạ. kể cả 7 người trúng cử được thì càng hoan nghênh thôi, nhưng cái điều thì chắc chỉ trong mơ thôi… »

Chiến dịch vận động này không những chỉ để dành lá phiếu mà còn thể hiện rằng người VN dần dần hội nhập vào xã hội Ba Lan và không ngại ngần dấn thân trong mọi lãnh vực xã hội, chính trị của người dân bản xứ và...ngoài lá phiếu ủng hộ mình còn có thể thể hiện rằng người VN mang đến nhiều giá trị dân chủ thực sự trong cuộc sống hàng ngày cùng với người Ba Lan

chị Tôn Vân Anh

Mặc dù chỉ là Hội đồng cấp địa phương nhưng cơ quan này cũng có một quyền lực khá cao, có thể quyết đinh những gì liên quan đến địa bàn của mình như thuế má, trường học …Tất cả những uỷ viên của Hội đồng cơ sở này hoạt động chuyện nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp và có một khoản phụ cấp nhất định để hoạt động. Chị Quyên tin rằng khi đắc cử, họ sẽ làm được nhiều việc giúp ích cho cộng đồng :

« Thiệt tình thì người Việt ở đây cũng có nhiều cái bất cập. Tôi nghĩ rằng căn bản là có tiếng nói riêng của người Việt ở trong thành phố. Tôi tin chắc rằng nếu họ đắc cử thì họ sẽ giúp ích được nhiều cho người Việt thì dụ như hoạch định chính sách gì đó trong thành phố mà chắc chắn nó sẽ giúp cho người Việt nhiều cũng như là người ngoại quốc ở Ba Lan này »

Khó để có một con số chính thức về số người Việt sống tại Ba Lan vì có khá nhiều người Việt sống bất hợp pháp tại đây. Sinh hoạt người Việt phát triển rất nhanh và tại đây khá sôi nổi, từ nhà hàng, báo chí, chùa chiền đến những sinh hoạt văn hoá xã hội hiện diện thường xuyên đã nói lên sự sinh động của cộng đồng người Việt tại đây. Do đó, sự góp mặt của người Việt trong chính quyền địa phương là điều cần thiết. Dù thắng hay thua trong việc tranh cử vào Hội đồng địa phương, việc các ứng cử viên gốc Việt mạnh dạn ra ứng cử cũng nói lên cộng đồng Việt Nam tại đây đã đủ mạnh để hội nhập vào cộng đồng bản xứ như chia sẽ của chị Tôn Vân Anh :

« Chiến dịch vận động này không những chỉ để dành lá phiếu mà còn thể hiện rằng người Việt Nam dần dần hội nhập vào xã hội Ba Lan và không ngại ngần dấn thân trong mọi lãnh vực xã hội, chính trị của người dân bản xứ và một chiến dịch vận động như thế này thì ngoài lá phiếu ủng hộ mình còn có thể thể hiện rằng người Việt Nam mang đến nhiều giá trị dân chủ thực sự trong cuộc sống hàng ngày cùng với người Ba Lan và tôi cũng tin trưởng rằng là chiến dịch đó dù kết thúc thế nào thì cũng đã thành công khi mà chúng tôi quyết định ra ứng cử »