Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc. Trong đó các sắc tộc thiểu số phần lớn sống nhờ vào nông nghiệp và đất rừng. Chính sách công hữu về đất đai có tác động ra sao đối với các sắc tộc vùng đất Tây Nguyên?
Thiểu số tại quê hương mình
Trong buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam tại quốc hội Hoa Kỳ hôm 11 tháng 4 năm 2013, trong số những nhân chứng, nạn nhân hoặc đại diện nạn nhân có đại diện của các sắc tộc miền núi Tây Nguyên. Vùng đất chiến lược này của Việt Nam là địa bàn cư trú của nhiều sắc tộc thiểu số, mà hiện tại cuộc sống bị xáo trộn rất nhiều, và do đó tiềm ẩn những bất ổn xã hội. Một trong những nguyên nhân tạo nên tình hình bất ổn tiềm ẩn đó cũng giống như nguyên nhân đã gây nên tiếng súng Đoàn Văn Vươn ở cách đó rất xa, đó chính là chế độ công hữu đất đai, cốt lõi của tư tưởng Marxism ở Việt Nam mấy mươi năm nay.
Dưới chế độ công hữu đất đai, toàn bộ đất Tây Nguyên bao gồm rất nhiều rừng và đất canh tác bị biến thành tài sản quốc gia, mà không ai biết rằng đất và rừng đó là của những làng xã, dòng họ của người thiểu số từ rất lâu đời.
Nhà văn Nguyên Ngọc, một người rất am hiểu vùng đất Tây Nguyên, viết trong tham luận của ông rằng người bản địa ở Tây Nguyên khai thác đất và rừng rất khoa học, ông mô tả việc đó trước 1975 như sau:
Các dân tộc Tây Nguyên là đa số ở Tây Nguyên nhưng bây giờ biến thành thiểu số ngay trên quê hương họ. <br/> -Nhà văn Nguyên Ngọc
" Ở Tây Nguyên không có đất và rừng vô chủ, tất cả đều là sở hữu cụ thể, rành mạch của từng làng. Sở hữu của làng – cũng tức là không gian làng – gồm ít nhất: rừng đã biến thành đất thổ cư – tức nơi cư trú của làng; rừng được dành làm rẫy luân canh; rừng "sinh hoạt", nơi dân làng tìm lấy các vật dụng cho đời sống hằng ngày; rừng thiêng, không ai được động đến, thực tế là rừng đầu nguồn... Sở hữu đó là cơ sở vật chất, là nền tảng kinh tế của làng, tạo nên không gian sinh tồn của làng, tức có nó thì làng mới sinh tồn, mới tồn tại."
Anh Phan, một người làm công việc sinh hoạt cộng đồng trước 1975, có nhiều quan hệ với cộng đồng người Banar ở Kontum cho biết:
“Từ thời Pháp, khi người ta lên Tây Nguyên này người ta vẫn tôn trọng cái quyền quản lý đất đai của người dân tộc. Thời Ngô Đình Diệm rồi thời ông Thiệu cũng tôn trọng. Người dân tộc họ sống nhờ rừng, cho nên họ rất biết cách bảo vệ rừng, họ phá cái vùng nào đáng phá, còn rừng đầu nguồn thì không bao giờ họ động tới.”
Ngay sau 1975 toàn bộ đất và rừng Tây Nguyên bị “quốc hữu hóa.” Song song đó, nhà nước Việt Nam thực hiện một cuộc di dân vĩ đại từ miền đồng bằng lên và từ miền Bắc vào. Nhà văn Nguyên Ngọc viết rằng:
“Các dân tộc Tây Nguyên là đa số ở Tây Nguyên nhưng bây giờ biến thành thiểu số ngay trên quê hương họ.”
Chợ lao động ở Tây Nguyên
Đất đai Tây Nguyên bị sung vào các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp của nhà nước. Sau khi chính sách này thất bại, đất đai được chia ra theo nhân khẩu, và cho cả những người mới tới. Nhà văn Nguyên Ngọc viết tiếp:
"N gười dân tộc tại chỗ mất đất, trắng tay, chính là sau khi chính sách giao đất giao rừng được thực hiện (năm 1991). Đất giao để sản xuất không đủ để luân khoảnh quay vòng theo lối canh tác truyền thống, nhanh chóng bạc màu, phải bán rẻ, rốt cuộc rơi vào tay người nơi khác đến."
Chị Jam, một người Banar ở thị xã Kontum nói:
“Nhà mình ngày xưa nhiều đất nhất trong làng, bây giờ thì thiệt thòi rồi.”
Nhiều người mới tới lại làm những công việc khác như buôn bán, trong khi người bản địa chỉ biết có canh tác và săn bắn thì không có đất.
Và sự thiếu đất canh tác này đã dẫn tới những hiện tượng mà theo nhà văn Nguyên Ngọc là chưa từng có:
" Người dân tộc tại chỗ thiếu đất trầm trọng hoặc không còn đất sản xuất là phổ biến và ai cũng biết. Đã xuất hiện những hiện tượng chưa từng có ở Tây Nguyên trước đây, như chợ lao động tại cây me đầu làng Plei Tơ Nghia, Kontum, nơi những trai tráng Ba Na không còn đất canh tác ngồi vất vưởng suốt ngày chờ bán sức lao động làm bất cứ công việc tạm bợ rẻ tiền nào cho các chủ người Kinh..."
Thỉnh thoảng mình gặp những cụ già, các cụ lâu lâu lại nhìn trời nhìn đất rồi nói rằng đất này là của mình, mình sẽ lấy lại. <br/> - Anh Phan
Ở Kontum, theo anh Phan thì:
"Khiếu kiện thì chưa nhưng có những hành động bộc phát như là giành, tức là người ta sử dụng những cái đơn giản như cuốc rựa để giành (đất)."
Nhưng cách không xa thị xã Kontum, tại các huyện như Sa Thầy, Đak Hà, hồi năm 2010 đã có những vụ bất ổn lên đến 300 người (theo trang Điện Tử của báo Gia Lai). Nguyên nhân sâu xa chính là sự thiếu đất canh tác, cuộc sống bị đảo lộn và bần cùng. Chúng tôi cố gắng liên lạc với các viên chức tại Kontum, để hỏi về tình trạng thiếu đất của người Banar nhưng rất tiếc là không được.
Những người Banar hiền lành ở Kontum như anh Ur nói rằng:
“Rất là bực bội nhưng nhà nước họ quản lý hết đất đai của mình rồi, mình không biết như thế nào.”
Nhưng sự chịu thôi ấy là cả một sự bực dọc tiềm ẩn, anh Phan cho biết:
“Thỉnh thoảng mình gặp những cụ già, các cụ lâu lâu lại nhìn trời nhìn đất rồi nói rằng đất này là của mình, mình sẽ lấy lại.”
Sư bực dọc ấy đã từng bùng phát vào năm 2001, rồi năm 2004, đến nỗi lúc ấy nhà nước Việt Nam phải điều động quân đội lên Tây Nguyên, mọi con đường lên vùng đất đó bị cắt đứt.
Tiếng bom Đoàn Văn Vươn đã nổ. Tây nguyên cũng đã chẳng lạ gì với cung nỏ dáo mác. Quả bom Tây Nguyên mà nổ thì không chỉ có đất đai mà còn thêm cả sắc tộc, rất khó lường.