Có nên truyền hình trực tiếp?
Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia là ông Khieu Kanharith, thành viên Ban lễ tang quốc gia cựu Quốc vương Norodom Sihanouk cho biết người Khmer đang sống ở miền Nam Việt Nam sẽ có cơ hội xem trực tiếp truyền hình Việt Nam chuyển tiếp buổi lễ hỏa táng thi hài ông Sihanouk tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 2 năm 2013.
Đài truyền hình Việt Nam sẽ truyền trực tiếp buổi lễ bao gồm đám rước thi hài từ trong Hoàng cung ra trước Cung điện và đưa thi hài trên khoảng đường kéo dài từ 5 đến 6km. Dự kiến, sẽ có khoảng hai triệu người Campuchia tham dự lễ rước và hỏa táng phải mặc tang phục màu trắng trong khi người nước ngoài có thể sử dụng trang phục lịch sự phù hợp với nghi thức lễ tang.
Theo ông Khieu Kanharith, Đài truyền hình Việt Nam xin chuyển tiếp từ Campuchia về Việt Nam với mục đích cho người Khmer Krom được xem nghi thức lễ tang, và người Việt Nam hiểu biết về truyền thống của Campuchia.
Ô. Khieu Kanharith
Ông phát biểu: "Tôi đã chính thức nhận lời đề nghị của Đài truyền hình Việt Nam để được phát sóng trực tiếp lễ hỏa táng vì người Khmer đang sống ở miền Nam của Việt Nam muốn xem. Tôi chính thức đồng ý với Việt Nam. Đài truyền hính Việt Nam sẽ truyền đến người Khmer Krom theo yêu cầu của họ.
Do đó, tôi yêu cầu các cộng tác viên, kỹ thuật viên và phóng viên Đài truyền hình quốc gia phải có thêm phóng sự về người tham dự. Đặc biệt, người dân Việt Nam muốn biết và thấy truyền thống của Khmer.”
Cựu quốc vương Norodom Sihanouk băng hà tại Bắc Kinh vào ngày 15/10 sau nhiều năm điều trị vì bệnh ung thư. Thi hài của ông được đưa về Phnom Penh vào ngày 17/10 bằng chuyên cơ với hàng chục ngàn người dân Campuchia tham gia lễ đón.
Trong thập niên 60, ông Sihanouk từng tuyên bố thừa nhận tất cả người Khmer mặt dù sống ở Việt Nam, Thái Lan hay Campuchia vẫn là người Khmer. Ông luôn quan tâm và giúp đỡ không phân biệt đối xử với người Khmer Krom, Khmer sống ở Thái Lan hay tại Campuchia. Ông là người được đánh giá là có nhiều ảnh hưởng đến nền chính trị xứ chùa Tháp cũng như sự kính trọng của người Khmer Krom ở Việt Nam.
Thầy giáo Thạch Lâm, phát biểu từ tỉnh Trà Vinh: "Chúng ta muốn xem Truyền hình từ Campuchia nhưng Việt Nam không cho phép. Bây giờ nhà vua băng hà thì Việt Nam kêu chuyển trực tiếp buổi lễ hỏa táng cho người Khmer Krom xem. Cái đó có hai ý nghĩa:
Thứ nhất, Việt Nam muốn cho người Khmer ở Kampuchia Krom biết sẽ không có người nào đòi lại đất đai của Campuchia. Người Khmer ở Việt Nam sẽ không còn người vận động sáp nhập lãnh thổ nữa.
Thứ hai, họ muốn cho thấy Campuchia và Việt Nam có quan hệ đoàn kết chặt chẽ hơn. Như thế họ muốn truyền trực tiếp cho người Khmer Krom biết bây giờ ông vua này đã mất rồi. Người Khmer Krom đừng có hy vọng đòi lại.”
Song song đó, các Tăng sinh của Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ cho rằng chính phủ Việt Nam cần cởi mở hơn nữa trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, báo chí, bày tỏ ý kiến, lập hội. Chính phủ cần nới lỏng người Khmer để họ có thể xem truyền hình cáp từ Campuchia còn hơn lấy lòng chính phủ xứ chùa Tháp khi Việt Nam biết lãnh đạo xứ này đang đổi hướng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Nam Trung Hoa hay biển Đông.
Tăng sinh Danh Cường nhận xét: "Mình ở đây sống, mình không thể nói về nguồn gốc, lịch sử dân tộc. Nhưng là người Khmer Nam Bộ, mình rất mong muốn và yêu cầu Đảng và Nhà nước Việt Nam nới rộng vòng tay và luật pháp cho người Khmer được nghe và thấy hình ảnh từ Campuchia. Đặc biệt, chuyển Đài truyền hình từ Campuchia sang qua để cho anh em ở Đồng Bằng Nam Bộ được xem. Đây là vấn đề tốt để mình học hỏi những kiến thức, nét văn hóa dân tộc và cách sắp xếp…"
Động cơ chính trị?
Cho đến lúc này, Giám đốc các Đài Phát thanh-Truyền hình ở khu vực miền Nam vẫn chưa nhận được giấy thống báo và chỉ đạo từ Bộ Thông tin truyền thông về việc chuyển tiếp lễ hỏa táng nói trên.
Trả lời phỏng vấn RFA, Ông Nguyễn Minh Hưng, Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Sóc Trăng cho biết:
Thầy Thạch Lâm
“Nếu có thông báo của Bộ Thông tin truyền thông thì chúng tôi sẽ dựa trên thông báo chỉ đạo đó. Chúng tôi sẽ thông báo trên Đài truyền hình Sóc Trăng trước một thời gian. Còn nếu Bộ Thông tin yêu cầu chuyển tiếp, thì chúng tôi sẽ phát trên kênh một hoặc kênh hai để cho bà con xem.”
Quốc Việt: Vâng! Theo ông người Khmer ở Nam Bộ có muốn biết hay quan tâm đến lễ hỏa táng này không?
Nguyễn Minh Hưng: "Tất nhiên là người ta biết. Còn quan tâm thì không biết rõ. Bởi vì quan tâm là phải có thăm dò, phải hỏi ý kiến của Ban Dân tộc cũng như Ban Tôn giáo của tỉnh Sóc Trăng."
Quốc Việt: Vậy, Đài truyền hình Việt Nam có cần chuyển tiếp không?
Nguyễn Minh Hưng: "Theo tôi không cần trực tiếp đâu. Mình thu lại rồi phát sau cũng được. Phát sau trong chương trình thời sự."
Tuy nhiên Tăng sinh Danh Cường bác bỏ sự lo lắng trên: "Hiện giờ các Đại sứ quán Việt Nam đã có trụ sở ở hầu hết các nước trên thế giới. Đặc biệt, phóng viên của Việt Nam thường thường trú ở các nước trên thế giới, cho nên những thông tin ảnh hưởng đến chính trị thì Việt Nam cũng được nắm rõ. Nếu có chi tiết nào hoặc nội dung nào ảnh hưởng hay phản đối tới chính trị của nước Việt Nam thì họ sẽ biết trước mình và có thể tháo gỡ trước."
Còn phó Giáo sư tiến sĩ Sombo Manara, nhà nghiên cứu lịch sử của Campuchia thuộc Trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh cho rằng cựu Quốc vương Norodom Sihanouk là người giành độc lập cho Campuchia trong năm 1953. Ông giúp Campuchia thống nhất đất nước, tự do, dân chủ. Vốn là người ôn hòa, ông chủ trương đưa Campuchia theo đường lối trung lập. Ông cũng rất quan tâm đến người Khmer Krom đang sống ở miền Nam Việt Nam.
Theo ông, việc Đài truyền hình Việt Nam muốn chuyển tiếp lễ hỏa táng sắp tới có hai yếu tố quan trọng bao gồm công tác truyền thông của Đài truyền hình Việt Nam, nước láng giềng và động cơ chính trị.
Cựu Quốc vương Norodom Sihanouk có 6 người vợ và 14 người con. Ông thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, đồng thời rất đam mê âm nhạc và điện ảnh. Ban lễ tang sẽ rước thi hài của ông đến trước Wat Phnom (chùa Núi) để 90 vị sư cầu siêu và sau đó tiếp tục cầu siêu ở trước Tượng đài độc lập. Đài truyền hình quốc gia Campuchia sẽ truyền hình trực tiếp và sẽ có rất nhiều Truyền hình địa phương và quốc tế chuyển tiếp buổi lễ hỏa táng.
Theo dòng thời sự:
- Campuchia: chính phủ cần giải thích việc đổi đất với VN
- TT Hunsen: Ngừng nhượng đất kinh tế cho doanh nghiệp
- Khmer Krom tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền
- Campuchia hủy bỏ một dự án theo phong cách Việt Nam
- Campuchia muốn gia tăng hợp tác với VN về nhiều mặt
- Chính phủ Phnom Penh chuẩn bị cấp đất cho dân
- 76% dân chúng Campuchia tin đất nước đang đi đúng hướng?
- Campuchia – Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư
- Cựu TT. Thái Samak ủng hộ Campuchia đăng ký ngôi đền Preah Vihear?
- TT. Hun Sen sẽ giải thích trước QH về biên giới Việt -Miên
- Việt Nam – Cambodia hợp tác phát triển các tỉnh biên giới