Không bỏ lúa vụ ba mà còn tăng diện tích

0:00 / 0:00

Trái ngược với khuyến cáo của giới khoa học và thực tế làm lúa không thể làm giàu, Bộ Nông Nghiệp-Phát triển Nông thôn kiến nghị tiếp tục mở rộng diện tích lúa vụ ba lên 1 triệu héc-ta trong 7 năm sắp tới.

Sản xuất trong mùa lũ

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục làm lúa vụ ba trong đê bao khép kín hoặc những nơi thích hợp. Đây là một phần nội dung dự thảo về quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Hồi đầu tháng 9 đã có những thông tin là sẽ giảm sản lượng lúa từ năm 2014 và những năm tiếp theo. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần sản xuất lúa vụ ba, song hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các hoa màu khác. Nhưng đến nay thì đã thấy rõ hơn về việc quan điểm ủng hộ cây lúa vẫn còn chi phối tư duy các nhà tham mưu chính sách.

Như vậy, trên thực tế đồng bằng sông Cửu Long sẽ chưa giảm sản xuất lúa nói chung và vẫn làm hai vụ lúa chính gồm đông xuân hè thu và vụ thứ ba là thu đông. Riêng vụ xuân hè cũng là vụ ba ở một vài nơi, thì không được khuyến khích.

Tất cả những thứ này người ta không thấy, họ chỉ thấy có thêm hạt lúa, nhưng theo tôi làm lúa với bất cứ giá nào thì không phải là thông minh lắm. <br/> -GS Võ Tòng Xuân

PGS-TS Phạm Văn Dư, cục phó Cục trồng trọt phát biểu từ Cần Thơ:

“Vấn đề giảm diện tích vụ ba thì thật ra chúng tôi không đề ra cái đấy. Vụ ba vẫn là vụ chúng tôi nghĩ rằng nó cho chất lượng lúa gạo tốt nhất chỉ thua đông xuân. Thứ hai là nó có thể làm giống cho vụ đông xuân khá tốt.”

Vấn đề tăng thu nhập cho nông dân qua làm ba vụ lúa một năm được Bộ NN-PTNT đưa vào dự thảo quy hoạch. Theo đó qua điều tra vùng Tứ gíac Long Xuyên và Đồng Tháp Mười vào thời điểm 2009, nếu một héc-ta trồng hai vụ lúa thì người nông dân có lãi từ 20,6 triệu đồng tới 21,2 triệu đồng/héc ta. Cùng diện tích đó nếu làm ba vụ lúa mức lời của nông dân từ 28,2 đến 28,7 triệu đồng/héc ta.

Từ thập niên 1990 theo chủ trương của Chính phủ, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển hàng chục ngàn km đê bao khép kín để ngăn lũ. Từ đó nông dân các địa phương đã sản xuất vụ lúa thứ ba trong mùa lũ bên trong hệ thống đê bao này. Theo Bộ NN-PTNT năm 2013 các tỉnh vùng đồng băng sông Cửu Long đã canh tác tới 800.000 héc-ta lúa thu đông vượt qui hoạch khoảng 100.000 héc-ta.

Đồng lúa ở ĐBSCL, ảnh chụp năm 2013. RFA PHOTO.
Đồng lúa ở ĐBSCL, ảnh chụp năm 2013. RFA PHOTO.

Giới khoa học từ nhiều năm nay phản biện việc sản xuất vụ ba bên trong đê bao khép kín vì cho rằng lợi bất cập hại. Theo nhà nông học Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại học Tân tạo Long An: sản xuất vụ ba trong đê bao thì tất nhiên đồng ruộng không được lũ bồi đắp phù sa, không được nước lũ tẩy rửa làm vệ sinh, phát sinh dịch bệnh. Sau vài năm, lượng phân bón thuốc trừ sâu sử dụng phải gia tăng để có năng suất. Nói chung sản xuất vụ ba trong đê bao lợi nhuận không nhiều nhưng tác hại lại không nhỏ. GSTS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh:

“Cái mọi người không thấy, để đạt năng suất mong muốn nông dân bón phân nhiều hơn, nhưng thực tế phân đó không được hấp thu hữu hiệu. Nghiên cứu của Viện lúa Quốc tế cho thấy, chừng 60% phân đó bốc hơi thành khí ammonia hoặc oxýt nitơ, là hai loại khí nhà kính rất là độc, nó làm trầm trọng thêm sự biến đổi khí hậu. Tất cả những thứ này người ta không thấy, họ chỉ thấy có thêm hạt lúa, nhưng theo tôi làm lúa với bất cứ giá nào thì không phải là thông minh lắm.”

Thêm vụ ba mới thoát nghèo?

Theo quan điểm của Bộ NN-PTNT trình bày trong dự thảo qui hoạch được Saigon Times đưa tin ngày 26/10/2013, khoảng 80% hộ nông dân đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng lúa dưới 1 héc ta. Do vậy làm thêm một vụ lúa có thể giúp người nông dân thoát nghèo; cũng theo nghiên cứu của Bộ, hộ dân có 1,5 héc ta trồng lúa hai vụ thì mới chỉ đủ ăn, làm thêm vụ ba mới có thể tích lũy.

Những người nông dân đang làm vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long nói gì, khi đồng hành với chính quyền địa phương và Bộ NN-PTNT trong sản xuất lúa vụ ba.

Nhìn toàn cục vùng ĐBSCL chúng ta sẽ thấy đôi khi làm thêm lúa vụ ba ở những vùng ngập sâu như vậy không phải là giải pháp bền vững cho tương lai. <br/> -TS Dương Văn Ni

“Dân ở đây đồng tình làm vụ ba, nhất là vụ ba lợi nhuận cao hơn vụ nhì. Biết rằng từ khi làm vụ ba nó mất đi cái màu mỡ mặc lòng, nhưng mà công ăn việc làm của bà con ở địa phương được thoải mái hơn.”

Bộ NN-PTNT lập luận là làm vụ ba không những tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp các dịch vụ máy cày, máy gặt, lò sấy tăng hoạt động. Cho nên vừa là tạo công ăn việc làm, vừa giúp thu hồi vốn nhanh hơn cho những nông dân có đầu tư vào lãnh vực này.

Trả lời Đài ACTD, TS Dương Văn Ni, chuyên gia môi trường học Đại học Cần Thơ nhận định rằng, nông sản trong đó có lúa gạo đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhưng phải xem nên sản xuất ở đâu và sản xuất như thế nào để không gây tác hại môi trường. TS Dương Văn Ni nhận định:

“Có nhiều vùng khi mà giữ nước thấp quanh năm như vậy thì các mương, kinh rạch bên trong vùng đó nó bị ô nhiễm trầm trọng và người dân không thể sử dụng nước mặt này được, bắt buộc người ta phải sử dụng nước ngầm. Chuyện bơm nước ngầm lên càng nhiều thì làm cho bên trong đê mặt đất lún sụt càng nhanh hơn. Thứ hai nữa là trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều vùng mà nguồn nước ngầm bị ô nhiễm hóa chất như thạch tín, như vậy nó cũng ảnh hưởng sức khỏe người dân.”

Bộ NN-PTNT đang soạn Dự thảo Quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ 3 tức vụ thu đông, theo đó một trong những cách tăng thu nhập cho người nông dân là phải tăng vụ, tăng năng suất. Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2015 diện tích lúa vụ 3 của đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 830.000 héc-ta và đến năm 2020 sẽ ở mức trên một triệu héc-ta.

Đối với vấn đề tiếp tục sản xuất lúa vụ ba trong đê bao chống lũ, TS Dương Văn Ni từ Cần Thơ phát biểu:

“Nếu chúng ta nhìn một cách tổng thể, chuyện tăng một vụ lúa được bao nhiêu, lời lỗ bao nhiêu so với cái mà chúng ta phải trả giá cho cả một vùng rộng lớn. Đặc biệt chúng ta nhìn toàn cục cho vùng đồng bằng sông Cửu Long thì chúng ta sẽ thấy rằng đôi khi làm thêm lúa vụ ba ở những vùng ngập sâu như vậy không phải là giải pháp bền vững cho tương lai.”

Câu chuyện Bộ NN-PTNT kiến nghị duy trì sản xuất lúa vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời còn tăng diện tích vụ này lên 1 triệu hec-ta vào năm 2020 có vẻ gây ngạc nhiên lớn. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu gạo giá thấp đầy khó khăn, cũng như kỳ vọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây có giá trị cao hơn.